Quy hoạch vùng Hà Tĩnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

(Baohatinh.vn) - Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là quy hoạch vùng Hà Tĩnh) xác định tầm nhìn phát triển bền vững trong xu thế là trung tâm kinh tế biển, cửa khẩu thịnh vượng; là vùng có môi trường đầu tư và môi trường sống chất lượng cao của khu vực Bắc Trung bộ và quốc gia.

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xác định là một trong những trọng tâm của vùng đồng bằng và một phần núi phía Bắc - dọc theo quốc lộ 8. Trong ảnh: Một góc Cổng B – Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xác định là một trong những trọng tâm của vùng đồng bằng và một phần núi phía Bắc - dọc theo quốc lộ 8. Trong ảnh: Một góc Cổng B – Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã khẳng định, đây là quy hoạch có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh, vùng Bắc Trung bộ, chiến lược phát triển ngành và quốc gia; xác định những động lực chính, tính chất, quy mô phát triển các đô thị chức năng của vùng Hà Tĩnh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Hai đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm đã được “chọn mặt gửi vàng” là Liên danh Công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp) và Viện Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh. Sau một thời gian khẩn trương triển khai công tác tư vấn, phản biện, đồ án quy hoạch vùng Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức công bố vào tháng 11/2015.

Ông Fancois Bourgineau - chuyên gia định hướng quy hoạch cấp cao Công ty Tư vấn Arep Ville cho biết, những ưu điểm của Hà Tĩnh như: vị trí chiến lược (cửa ngõ giao lưu phát triển với Lào, Đông Bắc Thái Lan, các nước ASEAN); tiềm năng phát triển kinh tế (trữ lượng khoáng sản, biển, công nghiệp, lâm nghiệp); môi trường đầu tư tốt… sẽ là cơ hội lớn để Hà Tĩnh gia tăng vị thế phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng giao thông, khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đang còn không ít khó khăn, thách thức như: địa hình không bằng phẳng, hạ tầng giao thông chưa đồng đều, đô thị phát triển chậm, rời rạc, biến đổi khí hậu khó lường…

Đại biểu sở, ngành, địa phương xem đồ án quy hoạch vùng.

Đại biểu sở, ngành, địa phương xem đồ án quy hoạch vùng.

Quy hoạch vùng Hà Tĩnh đã định hướng phát triển 3 vùng. Vùng đồng bằng ven biển - dọc theo quốc lộ 1 và đường bộ ven biển; trọng tâm của vùng là KKT Vũng Áng và mỏ sắt Thạch Khê. Vùng đồng bằng và một phần vùng núi phía Bắc - dọc theo quốc lộ 8; trọng tâm của vùng này là KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các đô thị Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Xuân An. Vùng miền núi phía Tây - dọc theo đường Hồ Chí Minh, trọng tâm là khu sinh thái hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, rừng quốc gia Vũ Quang và các đô thị Hương Khê, Vũ Quang.

Cũng theo quy hoạch vùng Hà Tĩnh, đến năm 2030, toàn vùng sẽ có 33 đô thị và được phân bố trong vùng, trong đó, phát triển 14 đô thị hiện có, định hướng xây dựng mới 19 đô thị; hệ thống TM-DV bố trí tại 3 khu vực: Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; TP Hà Tĩnh; đô thị phía Nam huyện Kỳ Anh. Hệ thống du lịch dự kiến khoảng 9.545 ha; hệ thống công nghiệp khoảng 34.500 ha; phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp dự kiến khoảng 485.000 ha.

Ông Trần Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, trên cơ sở quy hoạch vùng Hà Tĩnh, ngành GTVT xác định tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ theo quy hoạch đến năm 2020 để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đến năm 2018, tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch nhằm bổ trợ, tác động và thúc đẩy việc phát triển quy hoạch vùng theo lộ trình.

Theo ông Trần Xuân Tiến - Giám đốc Sở Xây dựng, để công tác quản lý và thực hiện quy hoạch có hiệu quả, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tổ chức thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch, đặc biệt, cần lựa chọn cắm mốc tại những tuyến giao thông chính và những khu vực quan trọng, cấm xây dựng. Đồ án quy hoạch cần phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các điểm công cộng. Việc này không chỉ phổ biến cho nhân dân hiểu, biết về các định hướng quy hoạch, các khu vực quy hoạch mà còn góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng theo quy hoạch và giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch vùng Hà Tĩnh xác định rõ 4 tính chất: là vùng kinh tế tổng hợp, khu động lực quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, có tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; là đầu mối giao lưu phát triển kinh tế về đường bộ, đường thủy, trao đổi thương mại với các nước ASEAN, đặc biệt là Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; là vùng giàu tiềm năng phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu bản sắc văn hóa với các di tích lịch sử; là vùng có ý nghĩa quan trọng về QPAN.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast