Quyết liệt khống chế dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM ) trên đàn gia súc. Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM, các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tập trung phòng chống dịch bệnh.

Các địa phương đang tập trung tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Typ A cho đàn gia súc
Các địa phương đang tập trung tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Typ A cho đàn gia súc

Hiện nay, trên địa bàn một số xã thuộc các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Nghi Xuân xẩy ra dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc chưa qua 21 ngày.

Theo xác định của ngành Thú y, đàn gia súc mắc bệnh trong đợt này là do vi rút LMLM Typ A – lần đầu tiên xuất hiện ở trên địa bàn Hà Tĩnh.

Trong khi đó, trong thời gian qua, đàn gia súc mặc dù đã được tiêm phòng nhưng chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Typ A. Mặt khác, vào thời điểm giao mùa, thời tiết phức tạp do mưa lũ kéo dài; công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ thiếu chặt chẽ cùng với sự chủ quan, lơ là của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh... dẫn đến dịch phát sinh, diễn biến khá phức tạp.

Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, vi rút Typ A dịch LMLM trên đàn gia súc là một loại dịch nhẹ, dễ chữa trị và nguy cơ bùng phát, lây lan sang đàn lợn không cao. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 23 con lợn bị bệnh ở 2 xã trên thuộc huyện Cẩm Xuyên và đã được tiêu hủy.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: Để kịp thời khống chế dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT sớm ban hành công điện, các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho các thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; giao ngành chuyên môn trực tiếp xuống các địa phương tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch LMLM gia súc tại các địa phương đang có dịch và vùng bị khống chế, uy hiếp.

Ngành Thú y đã thành lập nhiều tổ công tác, huy động 100% cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn kiểm tra, giám sát các ổ dịch, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác khống chế, dập dịch theo đúng quy định; đồng thời, cung ứng 50.000 liều vắc-xin đa typ (Cẩm Xuyên 9.000 liều, Thạch Hà 2.700, Kỳ Anh 10.000 liều, Nghi Xuân 1.000 liều...), hơn 20.000 lít hóa chất cho các huyện có dịch để tổ chức tiêm phòng bao vây và tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.

Chính quyền các địa phương có dịch và vùng bị uy hiếp cũng đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, huy động mọi nguồn lực tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn; tổ chứcphun hóa chất vệ sinh môi trường và rắc vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi theo quy định. Các địa phương lập chốt canh, túc trực 24/24h, không để người dân buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc vào ra vùng dịch; các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc nuôi nhốt, không thả gia súc ra ngoài... nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Vượng (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên), cách đây khoảng 20 ngày, đàn bò nhà ông có 7 con xuất hiện hiện tượng sốt, chảy nước dãi, ít ăn, lưỡi và kẽ móng nổi mụn nước… Sau khi xác định đàn bò bị dịch LMLM, cán bộ thú y đã hướng dẫn, phối hợp với gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống, chữa trị, nên sau vài ngày, bò đã ăn, uống trở lại bình thường.

Ông Lê Hữu Danh – Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuân cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt, tập trung của chính quyền địa phương và của ngành trong phòng chống dịch nên hiện tại huyện Cẩm Xuyên có 7 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch, chỉ còn 3 xã còn có triệu chứng dịch…

Ông Trần Hùng – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y: “Toàn tỉnh hiện mới có 4 cơ sở thuộc Tổng Công ty khoáng sản thương mại được công nhận Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn lại dù cơ sở chăn nuôi mặc dù rất quan tâm phòng chống dịch nhưng vẫn chưa làm thủ tục để được công nhận. Nên nếu khi công bố dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi, sẽ không được vận chuyển buôn bán, vận chuyển…”.

Lở mồm long móng là loại bệnh dịch ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn gia súc và sự phát triển kinh tế của người dân nói riêng và các địa phương có dịch nói chung. Tuy nhiên, hiện nay các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung chưa quan tâm đến làm các thủ tục để được công nhận Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Điều này sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi khi có dịch, các chủ trang trại vẫn có thể vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc.

Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, thời gian tới, các địa phương đang có dịch và vùng bị khống chế, uy hiếp cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch LMLM ở đàn gia súc. Trong đó, thực hiện nghiêm Công điện số 29/CĐ-UBND tỉnh ngày 30/10/2013; tiếp tục triển khai tiêm phòng triệt để vắc-xin typ A trên đàn gia súc, đồng thời tổ chức đánh dấu (đóng dấu chín hoặc bấm thẻ tai) số gia súc bị mắc bệnh để cách ly và quản lý theo quy định.

Mặt khác, các địa phương cần nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời khi dịch đang ở diện hẹp; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM kịp thời và hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast