Rẽ sóng ra khơi

Những tháng đầu năm 2013, trên địa bàn huyện Kỳ Anh nói chung và Khu Kinh tế Vũng Áng nói riêng đang rộn rã triển khai nhiều công trình mới. Đặc biệt, bà con ngư dân các xã vùng biển đang tất bật chuẩn bị ngư cụ cho những chuyến ra khơi.

Biển là kho báu

Huyện Kỳ Anh được thiên nhiên ban tặng bờ biển dài khoảng 50 km, trong đó Cửa Khẩu vốn đã được hình thành từ bao đời nay là nơi hội tụ những đoàn thuyền đánh cá xa bờ thường xuyên vào ra, neo đậu cung cấp nhiều hải sản quý. Kỳ Anh có 33 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã làm nghề khai thác đánh bắt thủy hải sản. Các địa phương chuyên nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản truyền thống như Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Phương và Kỳ Nam. Ngư dân các xã này là lực lượng chủ yếu có ý nghĩa quyết định sản lượng khai thác, đánh bắt hàng năm của huyện nhà.

Ngư dân Kỳ Hà chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Ngư dân Kỳ Hà chuẩn bị ngư cụ ra khơi.

Trong chuyến về Kỳ Anh lần này, điều chúng tôi cảm nhận là cuộc sống của bà con ngư dân vùng biển đang đổi thay từng ngày. Những đoàn tàu lớn từ âu thuyền Cửa Khẩu đang nối đuôi nhau rẽ sóng ra khơi. Kỹ sư thủy sản Nguyễn Thị Thủy cho biết: Toàn huyện hiện có 950 tàu cá các loại với công suất từ 20 CV trở lên, trong đó khoảng 10 đội tàu có công suất đạt từ 250 đến 400 CV chuyên khai thác xa bờ. Tổng sản lượng đánh bắt hàng năm đạt hơn 4.500 tấn. Riêng sản lượng đánh bắt năm 2012 đạt hơn 5.000 tấn. Cũng năm 2012, thực hiện Quyết định 24 của tỉnh, huyện đã chủ động tổ chức mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thuyền trưởng, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về nghề cá cho thuyền viên. Theo đó, huyện cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng cảng cá Kỳ Hà và cải tạo, nạo vét luồng lạch, xây dựng âu thuyền tránh bão nhằm tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển nghề cá, phấn đấu nâng sản lượng đánh bắt thủy hải sản năm 2013 lên khoảng 6.000 tấn.

Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ ngư dân đầu tư vốn cải hoán tàu cá nhằm nâng công suất tàu đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh bắt xa bờ. Trước tiên, tất cả những loại tàu cá có công suất dưới 90 CV khi thực hiện cải hoán nâng cấp sẽ được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/CV. Ngoài ra, bà con ngư dân còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư, nâng cấp tàu cá hiện đại, đưa nghề đánh bắt thủy, hải sản của huyện nhà phát triển theo hướng bền vững, vừa góp phần bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo quốc gia trong điều kiện diễn biến phức tạp trên biển Đông hiện nay.

Tàu anh ra khơi...

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu vực âu thuyền Cửa Khẩu trong cái nắng đầu hạ oi nồng, anh Nguyễn Ngọc Ký – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà chia sẻ: Đời sống của đại bộ phận người dân xã Kỳ Hà chủ yêu dựa vào nghề biển. Hiện, Kỳ Hà có hơn 130 chiếc tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản có công suất từ 45 CV– 400 CV, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 700 lao động với sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt khoảng 1.500 tấn. Trong đó chủ yếu là mực, tôm cua xuất khẩu và một số loại cá thương phẩm. Kỳ Hà cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc cải hoán, nâng cấp quy mô tàu cá theo tinh thần chủ trương của tỉnh.

Sau hơn một năm thực hiện chủ trương cải hoán, nâng cấp tàu cá, cùng với các địa phương vùng biển, nhiều hộ ngư dân xã Kỳ Hà đã mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn lớn, tranh thủ mọi nguồn lực, huy động vốn đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ khai thác đánh bắt xa bờ rất hiệu quả. Trong đó, gia đình anh Hà Văn Niên (xóm Bắc Hà) là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải hoán nâng cấp tàu cá để vươn khơi. Tiếp chuyện chúng tôi, anh phấn khởi chia sẻ: Nhờ có chủ trương hỗ trợ của nhà nước và chính sách thông thoáng của ngân hàng, con tàu đánh bắt xa bờ của anh được đầu tư cải hoán nâng cấp đạt ý nguyện, đáp ứng nhu cầu khai thác đánh bắt mực xuất khẩu tại các ngư trường xa. Năm vừa qua nhờ mưa thuận, gió hòa, bình quân mỗi chuyến xa khơi 10-12 ngày, tàu anh đánh bắt được khoảng 1,5 tấn mực xuất khẩu, trừ các chi phí, thu nhập đạt khoảng 70 triệu đồng. Hoạt động khai thác đánh bắt mực xuất khẩu được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 9 (ÂL), cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, những tháng mùa đông, tàu anh chuyển sang đánh bắt cá thu xuất khẩu cho thu nhập thêm khoảng 200 triệu đồng.

Kỳ Anh cải hoán thành công nhiềi con tàu mới để đánh bắt khơi xa.
Kỳ Anh cải hoán thành công nhiềi con tàu mới để đánh bắt khơi xa.

Sinh ra từ đất biển, ông nội tôi cũng là một lão ngư lành nghề có tiếng ở làng Long Sơn Hải. Hồi bé, tôi đã từng được theo ông lênh đênh trên chiếc thuyền câu giữa đại dương mênh mông xanh thẳm và thật thích thú khi thấy ông kéo lên từ lưỡi câu những con cá, con mực mắt long lanh, tươi rói. Ông tôi đã trọn đời với nghiệp biển và biển bạc đã cho ông rất nhiều thứ quý giá. Hôm nay lại được nghe những ngư dân Kỳ Anh kể về hoạt động khai thác nghề biển thật hấp dẫn, hình ảnh ông tôi cứ tuôn về trong ký ức với những xúc cảm đẹp lạ lùng. Giá như, tuổi thơ tôi được trở lại, ông còn khỏe mạnh, chắc chắn tôi sẽ lại được theo ông ra khơi.

Trở về với vùng biển Kỳ Anh lần này, tôi đã hiểu thêm những người con của biển và tình yêu của họ với biển khơi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast