Rừng Hương Khê “kêu cứu”: Khi con người bất lực?!

(Baohatinh.vn) - Đại ngàn Hương Khê bị khai thác, sẻ phát cạn kiệt và đang từng ngày, từng giờ kêu cứu. Mặc dù các ngành chức năng, chủ rừng đã có nhiều biện pháp xử lý cứng rắn, nghiêm khắc nhưng xem ra, vấn nạn xâm lấn, sẻ phát, khai thác rừng trái phép vẫn chưa “hạ nhiệt”.

>> Rừng Hương Khê “rỉ máu” đến cạn kiệt!

“Lực bất tòng tâm”

Hoạt động khai thác rừng của “lâm tặc” ngày càng tinh vi, bằng nhiều thủ đoạn và sẵn sàng chống đối khi bị phát hiện, bắt giữ. Điển hình như các vụ việc diễn ra vào đầu tháng 2 năm nay, khi Hạt Kiểm lâm Hương Khê phối hợp tuần tra bảo vệ rừng tận gốc, phát hiện một số đối tượng vào rừng dùng cưa xăng, dao, rựa khai thác gỗ trái phép. Thế nhưng, khi tiếp cận để xử lý, các đối tượng đã không chấp hành, có hành vi chống đối và tẩu thoát.

rung huong khe keu cuu khi con nguoi bat luc

TAND huyện Hương Khê xét xử lưu động tại xã Phúc Trạch đối với bị cáo Nguyễn Thị Hiền (Người quàng khăn - trú xã Hương Lâm) về tội “Hủy hoại tài sản”, tuyên phạt 48 tháng tù giam vì đã có hành vi thuê một số người xâm chiếm, chặt phá, đốt hơn 10,1 ha rừng.

Vấn nạn xâm chiếm, sẻ phát và khai thác rừng trái phép trong thời gian qua đã làm đau đầu các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Chỉ tính riêng năm 2016, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính 69 vụ, thu giữ gần 200m3 gỗ. Hạt cũng đã phát hiện, lập hồ sơ, xử lý hành chính 8 vụ/8 đối tượng có hành vi lấn chiếm, phá rừng trái phép; phối hợp với các cơ quan thi hành pháp luật khởi tố 1 vụ phá rừng tại xã Hương Trạch và hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển ngành công an để khởi tố, điều tra 3 vụ phá rừng nghiêm trọng khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cự Duẩn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê cho biết: “Nhìn vào kết quả xử lý sẽ thấy, lực lượng kiểm lâm đã rất quyết liệt trong hoạt động giữ rừng. Vấn đề là “dân rừng” sống nhờ rừng và sống trong rừng, vì vậy, để ngăn chặn các hành vi xâm hại phải thực hiện từ gốc. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm quá mỏng, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu”.

Lỗi từ... gốc!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sẻ phát, lấn chiếm, khai thác trái phép rừng như hiện nay. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là người dân thiếu đất sản xuất; trong khi đó, rừng được giao cho các chủ rừng nhà nước quản lý, sản xuất lại không phát huy hiệu quả.

rung huong khe keu cuu khi con nguoi bat luc

Địa bàn rộng, lâm tặc hoạt động tinh vi, lực lượng kiểm lâm mỏng khiến “cuộc chiến” giữ rừng tại Hương Khê gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phương Thảo

Trong 100.520 ha rừng và đất lâm nghiệp của huyện Hương Khê, BQL Rừng phòng hộ Sông Ngàn Sâu được giao quản lý gần 17.850 ha, trong đó có 4.573 ha rừng sản xuất; BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm được giao quản lý 13.579 ha, trong đó có 2.204 ha rừng sản xuất. Mặc dù theo quy định, trên diện tích rừng được giao của mỗi đơn vị đều có một phần để SXKD gỗ và các lâm sản ngoài gỗ. Thế nhưng, mục tiêu này đã không được các chủ rừng tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả. Trừ diện tích rừng sản xuất nghèo kiệt cấm tác động, hầu hết diện tích rừng sản xuất còn lại đều được chủ rừng “khoán trắng” cho các hộ gia đình bảo vệ, phát triển và SXKD.

Ông Nguyễn Hữu Thinh - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm cho biết: Phần lớn diện tích rừng sản xuất đã được giao cho các hộ dân theo Nghị định 135/2005/NĐ - CP, số còn lại, ban cũng không thể SXKD vì không có vốn. Là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng… nguồn thu của ban chỉ có từ 12 định suất biên chế sự nghiệp và nguồn kinh phí từ dự án bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh.

Chủ rừng thiếu phương án bảo vệ, sản xuất, “khoán trắng” cho người dân nên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vậy là, các hộ dân đua nhau sẻ phát, lấn chiếm và khai thác trái phép ngay tận “gốc” rừng. Đó chính là nguyên nhân cơ bản nhất để xảy ra tình trạng xâm hại rừng mà dù có nhiều nỗ lực thì lực lượng kiểm lâm cũng không dễ dẹp bỏ vì họ chỉ giải quyết được “phần ngọn” khi “việc đã rồi”.

Lời kết

Không thể đổ hết lỗi cho các cấp, ngành để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sẻ phát và khai thác trái phép của người dân. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý, bảo vệ của các chủ rừng cần được xem xét, “mổ xẻ”.

rung huong khe keu cuu khi con nguoi bat luc

Chỉ tính riêng năm 2016, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính 69 vụ, thu giữ gần 200m3 gỗ

Xin mượn lời đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn thay cho lời kết của loạt bài viết này: “Dân rừng sống nhờ rừng, người dân thì “khát” đất trong khi rừng được giao cho các chủ rừng nhà nước lại không phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, đất đai lâm nghiệp ngày càng có giá trị nên tình trạng lấn chiếm, sẻ phát càng dễ xảy ra. Để giải quyết thực trạng xâm hại rừng cần nhiều giải pháp đồng bộ, xử lý tận gốc. Cần xem xét trách nhiệm, kiện toàn lại các chủ rừng nhà nước”.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast