Sáp nhập các công ty thủy lợi: Chủ trương đúng và hiệu quả!

Chỉ một thời gian ngắn sau khi sáp nhập, hoạt động ở Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc và Nam Hà Tĩnh đã có những chuyển biến đáng kể. Câu chuyện “bình mới rượu cũ” không còn tái diễn, điều này cho thấy việc sáp nhập 7 công ty thủy lợi thành 2 công ty: Bắc và Nam Hà Tĩnh là cần thiết và đúng đắn.

Vào tháng 6/2012, tại một cuộc họp bàn về việc sáp nhập 7 công ty thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đã nhấn mạnh “việc sáp nhập các đơn vị là cần thiết và nằm trong lộ trình CPH các doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 200/TTg-ĐMDN ngày 29/1/2010”.

Cũng tại cuộc họp đó, một số ý kiến băn khoăn: việc sáp nhập chỉ là câu chuyện “bình mới rượu cũ”; bởi trong quá khứ từng xảy ra tình trạng này khi sáp nhập 4 công ty thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Linh Cảm...!

Kiểm tra thiết bị điều tiết nước tại cống Đức Xá trên tuyến đê La Giang.
Kiểm tra thiết bị điều tiết nước tại cống Đức Xá trên tuyến đê La Giang.

Tuy nhiên đó là câu chuyện cũ, còn bây giờ, thực tế cho thấy những điểm hợp lý của phương án sáp nhập. Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết, trước đây hệ thống kênh mương dài 10 km từ cống Đức Xá (Trung Lương) đến cống Đò Điệm lại do hai công ty quản lý. Một công ty quản lý đầu nguồn còn công ty kia quản lý phần còn lại, do vậy khi thiếu nước rất khó điều tiết. Bây giờ, bất cập này đã được khắc phục: ở phía Bắc, Trạm bơm Linh Cảm sẽ được sự hỗ trợ của các hồ chứa khi cạn kiệt và ngược lại lượng nước ứ đọng sẽ thông qua trạm bơm để điều tiết sang các hồ khác, do vậy khả năng thiếu nước vụ hè thu năm nay được hạn chế.

“Những ngày cao điểm nắng nóng, mực nước cống Đò Diệm xuống thấp đến 0,28m, cống Cầu Trù (Hậu Lộc), thậm chí xuống đến cos 0, nhưng Công ty đã nâng mực nước lên đến 0,52m”- ông Hùng nói.

Sáp nhập thành công ty lớn đã tạo điều kiện để nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi mà các đơn vị cũ không thể làm được vì thiếu kinh phí. Mới đây, Công ty TNHH MTV Bắc Hà Tĩnh đã đầu tư số tiền hơn 1 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa hệ thống 4 trạm bơm ở huyện Nghi Xuân; xây nhà quản lý trạm bơm Sơn Ninh hết 260 triệu đồng…

Đặc biệt là tình trạng ngân sách Nhà nước phải cấp bù lỗ cho các công ty con cũng được chấm dứt. Những năm trước, trong số 4 công ty: Hồng Lam (TX Hồng Lĩnh), Hương Sơn, Can Lộc và Linh Cảm, chỉ có Can Lộc và Linh Cảm là làm ăn có lãi, còn lại Nhà nước đã phải cấp bù lỗ số tiền trên 3 tỷ đồng. Hơn thế, việc điều chuyển cán bộ phù hợp với hoàn cảnh gia đình tại từng địa phương cũng khiến người lao động yên tâm và phấn khởi làm việc.

Hợp nhất Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đội ngũ cán bộ, công nhân từ 371 người được rút gọn xuống còn 326 người. Theo Giám đốc Phạm Đăng Nhật thì “đội ngũ lãnh đạo tinh thông và chuyên nghiệp hơn; việc khắc phục, xử lý các sự cố cũng kịp thời hơn. Vì vậy, không chỉ trong việc tưới mà công tác PCLB ở các công trình thủy lợi hiệu quả cũng cao hơn. Điểm đột phá đối với Công ty sau khi hợp nhất là đưa phần mềm Mofix (quản lý hành chính nội bộ) và trang Web vào sử dụng. Đây chính là những kênh thông tin quan trọng không chỉ giúp công tác điều hành thuận tiện mà người dân các địa phương có thể cập nhật hàng ngày về mực nước tưới ở các hồ cũng như sự cố mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.

Có thể vẫn còn sớm để đưa ra những đánh giá đầy đủ, nhưng những kết quả bước đầu đã cho thấy việc hợp nhất các công ty thủy lợi thành 2 công ty lớn là Bắc và Nam Hà Tĩnh là một chủ trương đúng và phù hợp nhằm thực hiện ngày càng hiệu quả hơn nhiệm vụ cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast