Sẽ thấy một kỳ tích sông Hồng

Nếu không có biến động lớn thì WB dự kiến đà tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì ít nhất ở mức 6,5%, chủ yếu nhờ tăng sức cầu trong nước và lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu

se thay mot ky tich song hong

Ông Ousmane Dione

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

- Nếu một người bạn ở nước ngoài hỏi ông về Việt Nam, ông sẽ nói với họ những gì?

Càng biết rõ về Việt Nam, tôi càng muốn so sánh Việt Nam với kỳ tích sông Hàn của Hàn Quốc với chính sách “không bỏ rơi ai”. Chính sách này đã đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Và Việt Nam cũng vậy, tôi mong rằng trong tương lai gần sẽ có kỳ tích sông Hồng.

Bởi, Việt Nam là một đất nước nhiều tiềm năng, người Việt Nam cần cù chăm chỉ. Và quan trọng là đất nước đi đúng hướng trên đà trở thành một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

- Với cương vị Giám đốc WB tại Việt Nam, ông có ngạc nhiên không khi Việt Nam công bố GDP Việt Nam năm 2017 đạt 6,8%, trong khi dự báo của các tổ chức quốc tế trong đó có WB đưa ra mức thấp hơn nhiều? Theo ông, vì sao Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng này?

Nền kinh tế Việt Nam thực sự có một năm thành công và cũng là một năm thành công trên phương diện quốc tế. Đặc biệt, tăng trưởng nhanh còn đi kèm với sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì trong 6 năm liên tiếp, với mức lạm phát duy trì dưới 4%, tỷ giá được duy trì tương đối ổn định và vị thế quốc tế được nâng cao.

se thay mot ky tich song hong

Tôi không hề ngạc nhiên vì đã chứng kiến sự cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong 2 năm qua và xu hướng cải cách vẫn tiếp tục nên các hoạt động kinh tế được thúc đẩy toàn diện mang lại sự tăng tốc ở mọi hoạt động. Nhưng điều quan trọng là khi đã đạt được mức độ này thì đừng chùng lại mà phải tiếp tục cải cách mạnh hơn để tiếp tục phát triển và đi lên.

Thêm nữa, cũng nên tập trung vào vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và cần đầu tư thêm vào nhân lực và kỹ năng, trình độ của nhân công. Từ đó Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng hơn về cả mặt kinh tế lẫn xã hội. Các nhà lãnh đạo Việt Nam nếu như thực sự kiên định thúc đẩy cải cách đúng hướng sẽ tạo nên kỳ tích sông Hồng.

se thay mot ky tich song hong

-Thưa ông, khi người bạn nước ngoài hỏi ông về Chính phủ Việt Nam, về điều kiện và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ông sẽ nói thế nào?

Từ khi đến Việt Nam đến nay, tôi đã thấy Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực lớn trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, chú trọng vào mục tiêu phục vụ người dân và DN. Những nỗ lực này đã đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ tạo nên những chuyển biến mạnh về thể chế kinh tế, cải thiện về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo nên sự bứt phá vượt cả kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế.

-Theo ông, Việt Nam có gì mà các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh hay sản xuất còn chưa hài lòng?

Dù có bước tiến vững chắc nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường thể chế trong một số lĩnh vực, như: Giải thể DN, cung cấp điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại xuyên biên giới và thành lập DN. Tiếp tục cải cách để nâng cao chất lượng thể chế và bảo đảm thực thi luật định một cách nhất quán, hiệu quả, công bằng là yêu cầu quan trọng để Việt Nam tạo lập được một môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân, tăng trưởng, tạo việc làm.

Và Việt Nam cũng không thể tự thỏa mãn với những thành quả phát triển tích cực này. Vì vẫn còn những nguy cơ hiển hiện - gồm cả nguy cơ trong nước lẫn quốc tế - có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng cả trong năm nay lẫn trong trung hạn. Bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều yếu tố đáng lo ngại, như mức nợ công cao và tỷ lệ nợ xấu đáng kể của hệ thống ngân hàng, cũng như một loạt các yếu tố khó đoán định trên thế giới.

Tôi cho rằng những kết quả tích cực hiện nay là một cơ hội để tiếp tục tăng trưởng và thúc đẩy cải cách nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tiềm năng tăng trưởng sau này của Việt Nam. Việt Nam nên tiếp tục phát triển theo hướng này khi đang trong thời điểm thuận lợi. Khi cơ thể còn khỏe mạnh thì ta nên tích cực vận động hơn.

se thay mot ky tich song hong

-Vậy, Việt Nam liệu sẽ có những cơ hội mới nào nếu tiếp tục cải cách đúng hướng?

Như tôi đã nói, các chương trình cải cách của nhà nước đang đi đúng hướng. Nếu những chương trình cải cách này được thực hiện theo trình tự hợp lý, hiệu quả thì sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.

Thứ nhất, cải cách sẽ giúp Việt Nam củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô cũng như khả năng thích ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động. Thứ hai, cải cách sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn.

Cuối cùng, tôi mong Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt trình độ, chuyển giao/lan tỏa công nghệ, cũng như các cải thiện về trình độ quản lý. Tôi mong Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội này để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra trong báo cáo Việt Nam 2035, để thực sự trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao trong thời gian tới.

Triển vọng kinh tế năm 2018 theo chúng tôi là khả quan. Nếu không có biến động lớn thì chúng tôi dự kiến đà tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì ít nhất ở mức 6,5%, chủ yếu nhờ tăng sức cầu trong nước và lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu

-Cảm nhận của ông về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018?

Triển vọng kinh tế năm 2018 theo chúng tôi là khả quan. Nếu không có biến động lớn thì chúng tôi dự kiến đà tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì ít nhất ở mức 6,5%, chủ yếu nhờ tăng sức cầu trong nước và lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.

Triển vọng chung theo chúng tôi dù thuận lợi, nhưng nguy cơ cũng sẽ có nhiều. Tính trên toàn cầu, chúng tôi nhận thấy đang có sự bất định lớn về chính sách và dự kiến sẽ tiếp tục có sự thu hẹp về thanh khoản. Vì thế cần tập trung vào những chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng để nâng cao sức kháng chịu của Việt Nam trước những biến động, cũng như tăng cường cải cách cơ cấu để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.

-WB đã cảnh báo cho Việt Nam nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, ông có gợi ý gì để Việt Nam đối phó với nguy cơ này?

Dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2017, nhưng vẫn còn một số trở ngại lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua để duy trì thành quả kinh tế và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trước hết, phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn như tăng cường cải cách trong quản lý đất đai, cải tổ DNNN, cải cách thể chế, cải cách ngành Ngân hàng. Hoàn thiện, hiện đại hóa thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả của các thể chế nhà nước cũng sẽ góp phần giảm nhẹ chi phí trong môi trường kinh doanh.

Việt Nam cần phải có hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Nhu cầu về điện năng dự báo sẽ tăng 7-10%/năm. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 12%/năm. Việt Nam cần tìm giải pháp đáp ứng được những nhu cầu này trong khuôn khổ nguồn tài chính hiện có để tránh rơi vào trường hợp “nút cổ chai” về cơ sở hạ tầng - tức là chú trọng hơn vào nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tăng cường và khai thác nguồn vốn tư nhân cho phù hợp.

Việt Nam cũng cần có mô hình lồng ghép để đối phó với những vấn đề về khí hậu ở những khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung.

Sau nữa, đó là vấn đề nâng cao trình độ và xây dựng nguồn vốn con người theo kịp thế kỷ 21. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và đối phó với những thách thức mới đi kèm với sự ra đời của các công nghệ mới và “cách mạng công nghiệp 4.0”. Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc và xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học, hướng nghiệp chất lượng cao để bảo đảm có được một lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến nhanh chóng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast