Siết chặt quản lý, tránh thất thu thuế - phí tài nguyên khoáng sản!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản ở Hà Tĩnh khá sôi động, góp phần đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đặt ra trong công tác quản lý làm hạn chế nguồn thu. Khoáng sản vẫn “chảy” đi và thất thu thuế, phí tài nguyên, trong đó có phí bảo vệ môi trường (BVMT), đang trở thành một vấn đề cần được quan tâm thấu đáo.

Khó tránh thất thu

Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản là quy định bắt buộc về kinh tế nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trong công tác BVMT, góp phần tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Hệ thống các nghị định, văn bản hướng dẫn triển khai thu loại phí này đã “chuẩn” từ T.Ư đến địa phương (Nghị định số 74/2011/NĐ-CP, Thông tư 158/2011/TT-BTC…). Theo đó, đối tượng chịu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản là khoáng sản kim loại và khoáng sản phi kim loại.

Siết chặt quản lý, tránh thất thu thuế - phí tài nguyên khoáng sản! ảnh 1

Nhiều trường hợp khai thác đất, đá nhỏ lẻ không tự giác kê khai thuế, gây thất thoát nguồn thu.

Người nộp phí là các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí nêu trên. Đây là khoản thu mà ngân sách cấp huyện, thành phố hưởng 100% để thực hiện công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản… Trên cơ sở các quy định về quản lý thu phí BVMT, Cục Thuế Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các chi cục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Theo số liệu từ Cục Thuế Hà Tĩnh, năm 2014, số tiền thu được từ phí BVMT trong khai thác khoáng sản là 60.491 triệu đồng, trong đó, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Kỳ Anh (Chi cục Thuế Kỳ Anh quản lý gần 50% doanh nghiệp hoạt động khai thác trên địa bàn, đóng góp xấp xỉ 17% tổng số thu cả tỉnh về phí BVMT).

Đánh giá về tình hình thực hiện nguồn thu này trong thời gian qua, ông Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Công tác quản lý thu và đôn đốc thu nộp thuế gặp không ít khó khăn khi các đơn vị được cấp mỏ thực hiện kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác mỏ, nộp thuế tài nguyên, phí BVMT, còn phải nộp tiền ký quỹ, ký cước, do đó, nhiều đơn vị hiện đã được cấp mỏ nhưng không có năng lực tài chính nên đã cố tình dây dưa, chây ì nợ thuế. Tổng số nợ phí BVMT trong khai thác khoáng sản đến thời điểm hiện tại là 3.578 triệu đồng. Hơn nữa, thực tế việc quy hoạch mỏ còn chưa đáp ứng nhu cầu khai thác dẫn đến nhiều trường hợp khai thác lậu (cát, đá…); một số đơn vị nhỏ, lẻ không tự giác kê khai thuế, mặc dù ngành Thuế đã có văn bản chỉ đạo các chi cục phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý, nhưng một số nơi vẫn chưa xử lý triệt để”.

Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, trốn thuế, phá hủy môi trường nhưng việc quản lý thu thuế tài nguyên, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản hiện nay chỉ thực hiện được đối với các cơ sở có địa điểm cố định. Việc thu thuế và phí BVMT đối với các cá nhân trực tiếp khai thác cát, sỏi, đất, đá hầu như chưa quản lý được do địa bàn rộng, khai thác chủ yếu bằng hình thức thủ công, địa điểm không cố định, dẫn đến tình trạng không kê khai hoặc kê khai thiếu số lượng.

Ngoài ra, theo quy định, doanh nghiệp được tự kê khai nộp thuế, điều này là phù hợp với nền quản lý tiên tiến của thế giới nhưng đây cũng là “cơ hội” để gian lận nguồn thu. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Phượng – Chi cục Trưởng Chi cục Thuế Kỳ Anh cho biết: “Luật Thuế sửa đổi bổ sung đã quy định, doanh nghiệp không phải kê khai theo hóa đơn mà chỉ kê khai tổng lượng hàng hóa mua bán. Điều này phục vụ cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục đối với doanh nghiệp nhưng cũng rất đáng lo với việc thu thuế, phí tài nguyên. Bởi lẽ, việc đi hậu kiểm từng doanh nghiệp, từng phương án vận chuyển và kiểm tra từng hóa đơn đối với riêng ngành Thuế là điều gần như không thể”.

Siết chặt cấp phép, phối hợp kiểm tra

Để quản lý tốt nguồn phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, ngành Thuế đang tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế; hướng dẫn người nộp thuế thực hiện tự giác kê khai đầy đủ số thuế, phí phải nộp cũng như tăng cường công tác cải cách hành chính về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp chấp hành chính sách thuế.

Tiếp tục triển khai các biện pháp đã được khẳng định hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt là việc thành lập ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực khai thác mỏ để hạn chế thất thoát thuế, phí tài nguyên. Trong đó, giải pháp cơ bản là phối hợp với Sở TN&MT và Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương xác định khối lượng thuốc nổ đã cấp và sử dụng cho việc khai thác, từ đó, có cơ sở đối chiếu với doanh số mà doanh nghiệp đã kê khai để quản lý nguồn thu.

“Bên cạnh sự quyết tâm của ngành trong việc chống thất thu thuế thì điều cần quan tâm đối với hoạt động khai thác khoáng sản là phải làm chặt ngay từ khâu cấp phép, đánh giá trữ lượng, sản lượng khai thác chi tiết của từng mỏ. Do đó, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành tốt việc kê khai nộp thuế, phí thì cơ quan thuế có cơ sở để ấn định thuế và thu phí BVMT”, Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh Đinh Nho Hậu nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast