Sự cố Đập Lù và bài học thi công trong mùa mưa lũ

"Nếu sớm khoảng một tuần nữa thôi thì đã không xảy ra thiệt hại rồi. Đây là sự cố ngoài ý muốn nhưng là bài học cho nhà thầu khi thi công các công trình trong mùa mưa lũ, nhất là trên địa bàn có lượng mưa lớn như Hương Khê", đó là tâm sự rất thật của ông Trần Thanh Duyên - Phó Chủ tịch HĐND xã Hương Trạch cũng là cán bộ giám sát cộng đồng Dự án sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ Đập Lù.

Theo lời kể của ông Duyên, từ ngày 4 - 6/9 vừa qua, trên địa bàn Hương Khê có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt từ tối mùng 5/9 đến sáng mùng 6/9, lượng nước từ các lưu vực đổ về lớn làm mực nước hồ Đập Lù lên nhanh, và chỉ vài giờ sau, do không đủ thoát qua tràn cũ, nước ào sang tràn mới đang thi công, gây xói lở lượng lớn đất phía mang trái tràn, đồng thời xô đổ một số tấm bê tông tường tràn.

Gần 2.000 khối đất bên mang trái tràn Đập Lù bị lũ xói trôi đã được đắp bổ sung
Gần 2.000 khối đất bên mang trái tràn Đập Lù bị lũ xói trôi đã được đắp bổ sung

"Không ngờ nước hồ Đập Lù lại lên nhanh vậy, lúc cao nhất đã vượt 80 cm so với mức tràn cũ (cao 30,5 m, rộng 10 m). Cũng may nước chỉ mới gây xói khoảng 2.000 khối đất và đánh sập chừng 30 khối bê tông tường cánh chứ chưa gây ảnh hưởng gì đến bản đáy tràn nếu không thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Sau khi nước rút, trong 3 tuần nay, chúng tôi đã bắt tay khắc phục sự cố bằng việc đắp quai sanh phục vụ phần thi công tràn mới (rộng 21 m), sau đó tiến hành đắp tường sét dày 50 cm rồi đổ đất vào lu lèn; phá dỡ phần hư hỏng phía tường đuôi tràn để dựng lại cốt thép và đổ lại bê tông. Nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng một tuần nữa công trình sẽ hoàn thành", ông Trần Đăng Minh - Cán bộ kỹ thuật nhà thầu Công ty TNHH Tháng 8 (Nam Định) cho hay.

Cũng theo ông Minh, nếu trận lũ vừa qua đến muộn hơn khoảng một tuần thì đã tránh được những thiệt hại không đáng có, bởi mặc dù mới chính thức thi công từ 23/7 nhưng từ đó đến trước khi trận lũ sớm về nhà thầu đã dốc lực làm ngày làm đêm để sớm hoàn thành công trình; đến trước thời điểm lũ về chỉ còn đổ bê tông phần thân tràn nữa là xong. Mưa lũ là bất khả kháng nhưng với sự cố vừa qua, nhà thầu có thêm kinh nghiệm, bởi gắn bó với Hà Tĩnh chưa lâu nên chưa thể hiểu hết sự phức tạp về thủy văn trên địa bàn.

Đơn vị thi công đang phá dỡ phần bê tông hư hỏng để đổ lại
Đơn vị thi công đang phá dỡ phần bê tông hư hỏng để đổ lại

Qua sự cố tràn Đập Lù thì thấy phải xem lại quá trình thi công, trong đó có hai vấn đề nổi lên là thời điểm thi công và biện pháp kỹ thuật. Trước hết, rõ ràng việc thi công một hạng mục quan trọng như tràn xả lũ vào thời điểm gần bước vào mùa mưa lũ chính vụ - lại ở địa bàn có lượng mưa nhiều và lớn như Hương Khê - là điều khá mạo hiểm. Thứ đến là gắn với khoảng thời gian eo hẹp đó thì phải có giải pháp bảo vệ khối lượng lẫn chất lượng hạng mục thi công - tức là phải đắp đê quai sanh - nhưng phần việc này đã không được triển khai.

Xung quanh hai vấn đề trên, ông Lê Anh Dũng - Phó Ban quản lý Dự án ISDP Hà Tĩnh cho biết, dự án được triển khai sớm với khối lượng thi công không nhiều và dự kiến hoàn thành trước lũ nên trong biện pháp thi công không đặt giải pháp đắp quai sanh bảo vệ. Tuy nhiên, khi bước vào thi công, do có vài vướng mắc trong GPMB phần đất lâm nghiệp mở rộng tràn nên phải tính toán lại phương án kỹ thuật, chỉnh sửa hồ sơ làm mất thời gian, dẫn đến thời điểm bắt đầu thi công có phần chậm.

"Sau khi sự cố xảy ra, BQL dự án đã chỉ đạo nhà thầu tập trung khắc phục một vài hư hỏng tràn xả lũ để sớm hoàn thành công trình, đồng thời xin chủ trương của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung khối lượng, trong đó phần tường cách sẽ đổ bê tông có cốt thép thay vì chỉ đổ bê tông như thiết kế trước đây", ông Dũng cho biết thêm.

Nếu đắp quai sanh khi thi công tràn xả lũ đã có thể giảm thiểu thiệt hại
Nếu đắp quai sanh khi thi công tràn xả lũ đã có thể giảm thiểu thiệt hại

Hồ Đập Lù được xây dựng từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Năm 2008, công trình được sửa chữa, nâng cấp đập đất, cống lấy nước và tràn xả lũ để đảm bảo tưới cho 55 ha đất lúa hai vụ và đất màu của xã Hương Trạch. Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự thay đổi thủy văn trên địa bàn nên lượng nước đến của hồ luôn ở mức cao trong mùa mưa lũ (năm 2010 mấp mé đỉnh đập). Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, với sự tài trợ của Quỹ OFID, ngày 5/6/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư nâng cấp, sửa chữa hạng mục tràn xả lũ bằng việc mở rộng khẩu độ từ 10 m hiện nay lên 31 m với tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng.

Sự cố xói lở mang tràn xả lũ Đập Lù vừa qua mới gây thiệt hại vài trăm triệu đồng nhưng rất cần chủ đầu tư lẫn nhà thầu rút kinh nghiệm khi thi công trong mùa mưa lũ!

Ngày 26/9/2012, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ đã ký công văn yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục sự cố xói lở công trình do mưa lũ gây ra và có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong mùa mưa lũ 2012; giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, UBND huyện Hương Khê và đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sự cố, đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast