Sức sống mới ở các xã vùng mỏ sắt Thạch Khê

Sau nhiều năm chờ đợi di dời tái định cư (TĐC) để triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà), cuộc sống của người dân các xã vùng dự án gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có Quyết định số 946 ngày 21/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển bền vững KT-XH các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi thay đáng mừng.

Điểm đầu tiên của chúng tôi trong hành trình đến với bà con các xã vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đó là khu TĐC trên vùng đất thôn Long Giang (Thạch Khê). Thay vì mênh mông cát trắng ngày nào là một màu xanh ngút ngàn, trải dài hút tầm mắt của các loại rau màu. Khu TĐC này được xây dựng trên 20 ha đất sản xuất hàng năm của thôn Long Giang.

Thu hoạch bầu ở xã Thạch Khê
Thu hoạch bầu ở xã Thạch Khê

Sau nhiều năm chờ TĐC, đầu năm 2012, thực hiện chủ trương khôi phục sản xuất, người dân xã Thạch Khê đã bắt tay cải tạo, ươm những mầm xanh mới. Trên vùng đất đã được GPMB và quy hoạch thành khu TĐC ngay hàng thẳng lối, được sự vận động, hỗ trợ và định hướng của huyện, xã, bà con phấn khởi bắt tay vào sản xuất luân canh các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: bầu sáp, dưa gang, dưa lê, vừng, rau gia vị… Sau mỗi vụ sản xuất, chỉ với vài sào đất, nhiều hộ đã có thu nhập hơn chục triệu đồng.

Không chỉ tiến hành sản xuất trên vùng đất TĐC, nhiều người dân Thạch Khê đã năng động khai hoang, phục hóa những vùng đất bãi ven sông để tổ chức sản xuất, chăn nuôi trâu bò, nuôi cá nước ngọt; đồng thời tiếp tục phát huy nghề truyền thống như nuôi chim cút lấy trứng.

Ông Nguyễn Văn Đình (thôn Long Giang) phấn khởi tâm sự: “Được chính quyền khuyến khích sản xuất, chúng tôi mừng lắm! Qua khó khăn mới thấy được giá trị của sự ổn định cuộc sống. Trước mắt, chúng tôi tập trung tăng gia sản xuất trên vùng đất này, còn về lâu dài cũng mong dự án triển khai hiệu quả để con em có cơ hội mới”.

Người dân vùng mỏ phấn phởi tái khởi động sản xuất sau thời gian dài bị đình trệ
Người dân vùng mỏ phấn phởi tái khởi động sản xuất sau thời gian dài bị đình trệ

Thạch Bàn - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của việc triển khai dự án khai thác mỏ, hiện cũng đang có nhiều giải pháp thiết thực nhằm khôi phục sản xuất. Xã đang tích cực vận động nhân dân khôi phục lại nghề truyền thống, nghề phụ; đồng thời du nhập và chuyển giao các nghề mới.

Trước mắt, xã đang định hình và chỉ đạo 3 mũi chủ công: thứ nhất, tiếp tục phát triển sâu rộng nghề muối truyền thống. Vụ muối năm nay, diêm dân đã bước vào sản xuất, chuẩn bị ô nại và các điều kiện khác với diện tích tăng cao hơn so với các năm trước. Thứ hai, tập trung phát triển mô hình nuôi cá chẽm và cua trên diện tích 35 ha ao hồ nuôi tôm của dự án SUMA đã bỏ hoang trước đây. Hiện mô hình đã có gần 20 hộ tham gia, trong đó 16 hộ đã thành lập HTX Diêm Hải. Nhờ sự đầu tư vốn từ Quyết định 24 và Quyết định 26 của UBND tỉnh, mô hình đã cho kết quả bước đầu hết sức khả quan. Mũi đột phá thứ 3, đó là phát triển mạnh nghề trồng nấm. Được sự chuyển giao và hỗ trợ tích cực của Trung tâm Chuyển giao KHCN Thạch Hà, nghề nấm ở Thạch Bàn đã có 4 tổ hợp tác sản xuất với gần 30 hộ tham gia, bước đầu cho thu nhập tốt. Hiện nay, xã đang khẩn trương xúc tiến thành lập HTX sản xuất nấm, đồng thời nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã.

Tại xã Thạch Hải, mặc dù thời tiết còn se lạnh nhưng không khí chuẩn bị cho mùa du lịch biển mới rộn rịp khác hẳn những năm gần đây. Các lều quán tạm đang được bà con sửa chữa, nâng cấp hoặc làm mới khang trang. Các công trình hạ tầng phục vụ kinh doanh du lịch cũng đang được xã tiến hành khôi phục và phát triển ở tầm cao hơn. “Mấy năm qua, không dám đầu tư, kinh doanh sa sút. Mùa này, chúng tôi rất vui khi được chính quyền cho đầu tư trở lại. Gia đình tôi đã huy động vốn liếng để mở rộng kinh doanh với quy mô lớn. Mong sao tình hình ổn định lâu dài để bà con yên tâm đầu tư phát triển” - ông Trần Đình Thắng (thôn 4) - tâm sự.

Nâng cấp các tuyến giao thông bị xuống cấp
Nâng cấp các tuyến giao thông bị xuống cấp

Có thể nói, đề án 946 cùng với những chủ trương, chính sách dành cho các xã vùng mỏ của tỉnh đang tạo động lực quan trọng để khởi động, ổn định và phát triển nhịp độ SXKD của các địa phương vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Tuy nhiên, để động lực đó phát huy sức mạnh và đạt hiệu quả, phải kể đến những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà.

Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết, cùng với việc tuyên truyền, vận động thường xuyên, sâu sát đến từng hộ dân, huyện đã có những chính sách bổ sung như cho vay vốn, cung cấp cây, con giống, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất... Đồng thời giao cho các phòng, ngành chức năng thường xuyên bám sát cơ sở để trực tiếp hướng dẫn và động viên bà con.

“Đã đến lúc không để người dân thụ động ngồi chờ hỗ trợ nữa. Cần phải nắm bắt cơ hội và sát cánh cùng nhân dân để khôi phục và phát triển SXKD; trao cho họ quyền tự chủ đối với cuộc sống trên mảnh đất của chính mình” - ông Hương khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast