Tái cơ cấu ngành thủy lợi

(Baohatinh.vn) - Tái cơ cấu ngành thủy lợi là một bước đi trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Theo đó, tái cơ cấu phải chuyển dịch mạnh mẽ đối tượng phục vụ của công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phục vụ nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại.

Trước đây, mục tiêu xây dựng thủy lợi chủ yếu là phòng, chống lũ lụt và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp để giải quyết lương thực là chính (tưới cho cây lúa nước). Do đó, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được thiết kế theo tần suất cũ và yêu cầu dùng nước của cây trồng, vật nuôi phù hợp với sự phát triển cách đây 30-40 năm. Trong khi đó, hầu hết các công trình cống ngăn mặn, tiêu, thoát lũ dưới đê hiện nay mới chỉ nâng cấp, sửa chữa các cống có quy mô nhỏ; cống có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp chưa có kinh phí đầu tư. Nhiều công trình tại một số địa phương hiện không phù hợp với yêu cầu dùng nước và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chưa có hệ thống thủy lợi cấp nước cho nuôi trồng thủy sản (NTTS), tưới cho màu và cây trồng cạn tập trung để đầu tư thâm canh.

Tái cơ cấu ngành thủy lợi ảnh 1
Công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đang được đầu tư xây dựng phục vụ đa mục tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: “Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện từ trước đến nay chủ yếu phục vụ việc tưới, tiêu cho khoảng 4.000 ha lúa. Còn các diện tích rau màu, cây công nghiệp và nước sinh hoạt đều phải nhờ trời vì hệ thống cấp nước không đáp ứng yêu cầu”.

Tại một số địa phương Can Lộc, Đức Thọ..., hệ thống thủy lợi cũng chỉ mới kết hợp cấp nước phục vụ một số diện tích NTTS nước ngọt. Trong khi đó, cả tỉnh chưa có hệ thống thủy lợi cấp nước riêng cho NTTS mặn lợ, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát. “Việc dùng chung hệ thống cấp thoát nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm dẫn đến môi trường nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm nên dịch bệnh thường xuyên xẩy ra ở tôm nuôi”, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục NTTS cho hay.

Từ thực trạng trên cho thấy, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh không đáp ứng yêu cầu của phát triển KT-XH. Chính vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi thủy lợi phải có điều chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Theo đó, hướng tới phục vụ đa mục tiêu với các đối tượng trọng tâm là cây lúa, NTTS, phát triển màu và cây trồng cạn; công nghiệp và dân sinh.

Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, yêu cầu công tác thủy lợi phải có sự đổi mới căn bản, ngoài việc đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, cấp nước cho NTTS theo hướng thâm canh và phát triển bền vững, còn phải bảo đảm yêu cầu phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của công trình thủy lợi, sử dụng nước ngày càng tiết kiệm, hiệu quả.

Mặt khác, cần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và đảm bảo yêu cầu môi sinh, môi trường, chống sa mạc hóa phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng khả năng chống lũ cho các tuyến đê sông, đê biển; tăng cường khả năng tiêu, thoát lũ các tuyến sông chính, trung tâm TP Hà Tĩnh, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đặt ra cho ngành thủy lợi là từ giai đoạn 2015-2020, phải đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho 97.000 ha đất trồng lúa (2 vụ); cấp đủ nguồn nước cho NTTS, rau - củ - quả đất bãi ngang ven biển và cho các vùng cây ăn quả chủ lực, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.

“Để thực hiện được mục tiêu trên, trước tiên, ngành nông nghiệp cần rà soát, đánh giá năng lực và điều chỉnh nhiệm vụ của các hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước trên địa bàn để đề xuất các giải pháp đồng bộ. Trong đó, xây dựng quy hoạch chi tiết thủy lợi phục vụ đa mục tiêu và tập trung nguồn lực để nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi hiện có (hệ thống hồ, đập, trạm bơm) theo tiêu chuẩn mới của Bộ NN&PTTN; đồng thời, đưa các giải pháp công nghệ mới vào việc xây dựng hệ thống tưới, tiêu chủ động tiên tiến, tiết kiệm nước. Khôi phục, tái tạo, bảo vệ và trồng mới rừng ven biển, rừng ngập mặn để bảo vệ hệ thống đê biển, đê cửa sông phục vụ công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn tập trung hiện có, mở rộng mạng lưới các công trình cấp nước đô thị để phục vụ người dân vùng nông thôn” - ông Ngô Đức Hợi đưa ra giải pháp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast