Tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN (bài 2): “Bình mới” phải có “rượu mới”

(Baohatinh.vn) - Dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng việc cổ phần hóa (CPH) đã mang lại những kết quả và khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp (DN) nhà nước cũng như minh chứng cho nỗ lực của các DN. Tuy nhiên, sự khởi đầu nhiều gian khó này rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

>> Bài 1: Những khó khăn, vướng mắc

CPH nhằm đổi mới tư duy quản lý kinh tế theo hình thức “lời ăn - lỗ chịu”, đồng thời, tăng quyền tự chủ cho các DN. Cũng vì lẽ đó, chỉ sau một thời gian ngắn bắt nhịp, Công ty Môi trường TX Hồng Lĩnh bước vào giai đoạn “ăn nên, làm ra”. Năm 2011, doanh thu đạt 4,7 tỷ đồng, thu nhập người lao động 1 triệu đồng/tháng; đến năm 2015, doanh thu ước đạt 15 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/ tháng.

Dù phải khấu trừ số vốn đầu tư khá lớn nhưng nhờ năng động, linh hoạt và bố trí nhân sự phù hợp nên doanh thu của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh không ngừng được nâng lên: Doanh thu năm 2013 là 2,3 tỷ đồng; năm 2014 đạt trên 4,2 tỷ đồng. Còn với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco), nhờ nắm bắt nhanh những chính sách tiếp sức của tỉnh, đã chuyển hướng sang mặt trận nông nghiệp, nông thôn với những dự án lớn, hứa hẹn sẽ đưa DN tăng tốc khi đã vượt qua những thử thách đầu tiên.

Tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN (bài 2): “Bình mới” phải có “rượu mới” ảnh 1

Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh là một trong những DN hoạt động có hiệu quả sau khi cổ phần hóa.

Trong số những DN thực hiện CPH, tái cơ cấu giai đoạn từ năm 2011-2015, có thể khẳng định hiệu quả đạt được lớn nhất thuộc về: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh và Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (hợp nhất theo Quyết định 2583, ngày 5/9/2012). Điều thuận lợi nhất sau khi sáp nhập 7 thành viên thành 2 công ty là tất cả thu về một mối nên công tác điều hành khoa học, bài bản hơn; tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” không còn tồn tại. Đồng thời, các DN chủ động trong tưới tiêu theo lịch thời vụ và nhất là khắc phục được tình trạng ngập lụt nội đồng thường xảy ra trước đây.

Đặc biệt, theo đánh giá của Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh - Nguyễn Hữu Phúc, “khi nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng được quy về một mối và kinh phí cho đầu tư mới được nâng lên, DN rất dễ triển khai làm mới hoặc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình được thực hiện dễ dàng. Vì vậy, thu nhập người lao động cũng tăng lên”.

CPH doanh nghiệp - với mục tiêu bảo toàn và phát huy nguồn vốn được giao một cách hiệu quả, đồng thời, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho người lao động, đòi hỏi các DN cần xác định ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư đúng hướng. Vì vậy, thời gian tới, nhiệm vụ của các DN thực hiện CPH rất nặng nề, trong đó, 4 DN đã CPH phải khẩn trương kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để bán tiếp phần vốn nhà nước nhằm đạt tỷ lệ cổ phần đã được phê duyệt.

Để lộ trình thực hiện đạt tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan T.Ư, Bộ NN&PTNT sớm ban hành các văn bản pháp luật về tiền lương, BHXH, áp dụng đối với loại hình công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước để các doanh nghiệp CPH có cơ sở thực hiện; đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể hơn nữa cho người lao động tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp CPH, thoái vốn nhà nước.

Tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN (bài 2): “Bình mới” phải có “rượu mới” ảnh 2

Nhờ nắm bắt nhanh những chính sách tiếp sức của tỉnh, Mitraco Hà Tĩnh đã chuyển hướng sang mặt trận nông nghiệp, nông thôn với những dự án lớn, hứa hẹn sẽ đưa DN tăng tốc khi đã vượt qua những thử thách đầu tiên.

Đặc biệt là đối với người lao động làm việc trong các DN kinh doanh dịch vụ công ích đô thị, cần hỗ trợ giá, thị trường tiêu thụ các sản phẩm được chế biến từ rác thải, cho thanh lý các tài sản không cần dùng của hoạt động xử lý rác. Mặt khác, Bộ NN&PTNT chỉ đạo kịp thời phê duyệt đề án tái cơ cấu các DN nhà nước thuộc lĩnh vực lâm nghiệp để các DN có kế hoạch, phương án SXKD, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Mitraco hiện đang triển khai nhiều dự án mang tính chiến lược như chế biến sâu về khoáng sản, các dự án về chăn nuôi, chế biến súc sản cần lượng vốn đầu tư lớn. Vì vậy, để triển khai các dự án này, bên cạnh kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài tham gia, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng để Mitraco có nguồn lực triển khai thực hiện.

Nhằm hỗ trợ các DN nhà nước công ích hoạt động hiệu quả hơn sau khi CPH, các DN đề xuất UBND tỉnh ngoài việc chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện nghiêm bộ đơn giá đã được phê duyệt và văn bản hợp đồng đã được ký kết với Công ty Môi trường TX Hồng Lĩnh; giảm khấu hao tài sản 18 tỷ đồng tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh do không hoạt động. Mặt khác, xem xét, điều chỉnh giá nước sinh hoạt đã được Công ty CP Cấp nước xây dựng phương án điều chỉnh ngày 21/5 phù hợp với các quy định và văn bản hướng dẫn của các cấp bộ, ngành; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước cho DN để chống thất thu, thất thoát nước, ảnh hưởng đến doanh thu.

Kể từ khi CPH, tái cơ cấu, hiện nay, bức tranh phát triển DN, đặc biệt là DN nhà nước đã có những bước chuyển đáng kể. Tuy nhiên, để khẳng định tính hiệu quả và sự bền vững của chủ trương này, DN cần sự hỗ trợ kịp thời để tháo những “điểm nghẽn”, đồng thời, cần tạo dựng môi trường SXKD thuận lợi để các DN sau CPH, “bình mới” sẽ có “rượu mới”, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast