Tăng cường quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản

Sáng 4/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị đánh giá công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Phía đầu cầu Hà Tĩnh có lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng đại diện lãnh đạo một số ngành liên quan.

Mức độ vi phạm ATTP chưa có chiều hướng giảm. Ảnh: Internet
Mức độ vi phạm ATTP chưa có chiều hướng giảm. Ảnh: Internet

Đến nay, nhìn chung hệ thống pháp luật quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản đã tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế và thực tiễn. Tuy nhiên, mức độ vi phạm ATTP chưa có chiều hướng giảm.

Cụ thể, trên chuỗi thủy sản, tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản vượt giới hạn cho phép tăng (đạt 1,5 % năm 2012 so với 1,3% so với năm 2010).

Trên chuỗi nông sản, tỷ lệ mẫu có tồn dư thuốc BVTV trong rau vượt mức cho phép có giảm nhưng vẫn ở mức cao: 96/1200 mẫu (chiếm 8% trong năm 2012) so với 106/1050 mẫu (chiếm hơn 10% trong năm 2011).

Tình hình ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt còn ở mức cao.

Về thực hiện Thông tư 14/2011/TT- BNNPTNT, nhiều địa phương đã triển khai một cách đồng bộ trên diện rộng, đánh giá phân loại định kỳ theo tiêu chí A, B, C. Song, nhìn chung diễn ra còn chậm và nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc. Việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là theo diện tiểu ngạch.

Bộ xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn” thông qua phân tích nguy cơ và quản lý ATTP theo chuỗi SXKD đã hoàn tất khảo sát thực tế tại 27 tỉnh, thành phố ở các vùng sinh thái khác nhau.

Mục tiêu chung của năm 2013 là tiếp tục xác định tăng cường quản lý chất lượng VTNN, đảm bảo ATTP là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ: hoàn thiện, phổ biến tuyên truyền giáo dục cơ chế chính sách, pháp luật; tổ chức thi quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; lựa chọn, xây dựng mô hình điểm “chuỗi thực phẩm an toàn”; chú trọng giải quyết các sự cố gây mất an toàn; giải quyết rào cản kỹ thuật, tiếp cận thị trường xuất khẩu; xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực; nâng cao cơ sở vật chất phục vụ kiểm nghiệm, kiểm tra.

Đối với Hà Tĩnh, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản, ngành đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chủ trương, chương trình của Bộ.

Cụ thể, Sở NN&PTNT đã thống kê, lập danh sách 530 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 14; kiểm tra 282 cơ sở, trong đó 35 cơ sở đạt loại A; 245 cơ sở đạt loại B và chỉ 2 cơ sở đạt loại C. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông, lâm, thủy sản.

Ngành chức năng đã xử phạt gần 120 triệu đồng các cơ sở vi phạm về chất lượng sản phẩm hành hóa VTNN; 12,5 triệu đồng về vi phạm hành chính lĩnh vực thú y; tiêu hủy 528 kg chân trâu bò không rõ nguồn gốc; trả về nơi xuất xứ 32 con lợn thịt…; thực hiện chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến.

Hiện nay, Hà Tĩnh có 13 cơ sở áp dụng HACCP; GAP; VietGap; SSOP…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast