Tăng giá điện không vì mục tiêu lợi nhuận

Đây là thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 6/3/2015, ngay sau khi phương án điều chỉnh tăng giá điện 7,5% được Chính phủ chấp thuận.

Phương án tăng giá điện đã được tính toán khoa học
Phương án tăng giá điện đã được tính toán khoa học

Cơ sở để tăng giá

Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, theo quy định của Chính phủ, nếu thông số đầu vào tăng trên 7% sẽ báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh giá; tăng trên 10% sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2013 đến nay, mặc dù các thông số đầu vào sản xuất, phân phối điện luôn biến động tăng và EVN cũng nhiều lần trình xin tăng giá điện nhưng vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát... nên giá điện vẫn giữ nguyên.

Theo tính toán của EVN, chi phí đầu vào cho sản xuất điện đã tăng trên 12%. Cụ thể, giá than từ tháng 8/2013 đã tăng trên 50%; giá khí tăng 4 lần từ ngày 1/4/2014 đến 1/1/2015. Thuế tài nguyên nước cũng tăng từ 2% lên 4%; giá mua điện từ các thủy điện dưới 30 MW tăng; tỷ giá bình quân giữa tiền đồng với đô la Mỹ cũng tăng; chi phí dịch vụ môi trường rừng còn tồn tại từ năm 2012-2013; rồi chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn.

Đối với giá xăng dầu giảm thời gian qua không ảnh hưởng quá lớn đến cơ cấu giá thành điện vì điện chạy dầu chỉ chiếm khoảng 0,05% tổng sản lượng điện của cả nước.

Chính vì vậy mà EVN đã đề xuất xin tăng giá điện vì nếu không điều chỉnh thì năm 2015, ước tính EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các năm trước khoảng 8.000 tỷ đồng. Điều này sẽ trở thành gánh nặng và gây áp lực cho EVN, nhất là trong bối cảnh ngành điện cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống điện cả nguồn lẫn lưới điện, đáp ứng đủ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, cũng như triển khai thị trường điện cạnh tranh trong tương lai gần.

Tăng giá điện từ ngày 16/3/2015

Theo ông Tri, phương án xin điều chỉnh tăng giá điện của EVN là 9,5%, còn Bộ Công Thương cũng đưa ra 3 phương án tăng giá là 7,5 - 8,5 - 9,5% với những tính toán khoa học, cụ thể về tác động lên nền kinh tế - xã hội tương ứng với từng phương án.

Trước đó, ngày 5/3/2015, sau khi nghe Bộ Công Thương và EVN báo cáo về các phương án điều chỉnh giá điện, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã thảo luận và nhất trí cho phép điều chỉnh tăng giá bán điện 7,5% so với mức giá bán bình quân hiện hành từ ngày 16/3/2015. Như vậy, giá bán điện bình quân mới sẽ là 1.622,05 đồng/kWh. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cụ thể cho từng đối tượng đang được xem xét, sẽ được Bộ Công Thương ký ban hành trước thời điểm có hiệu lực.

Tính toán sơ bộ cho thấy với những hộ sử dụng 50 kWh/tháng chỉ tăng khoảng 4.800 đồng/tháng, còn các hộ sản xuất, tiêu thụ điện lớn sẽ tăng từ 0,06 - 0,6%. Đối với các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách vẫn được hỗ trợ 30 kWh theo quy định của Chính phủ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - khẳng định, việc tăng giá 7,5% đã được nghiên cứu tính toán cụ thể phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước; hạn chế thấp nhất những tác động đến nền kinh tế, xã hội. Từng bước tiến tới cơ chế giá theo thị trường. Việc điều chỉnh giá điện lần này bảo đảm các yêu cầu EVN không bị lỗ, đồng thời dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại; bảo đảm khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN:

Với mức tăng 7,5% sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 13.000 tỷ đồng (1% lợi nhuận), bảo đảm cho ngành điện không bị lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng năm 2015 và xử lý thêm được 1.000 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá các năm trước.

Theo Đình Dũng/Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast