Thạch Long đổi mới

Sau 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến thời điểm hiện tại, xã Thạch Long (Thạch Hà) đã hoàn thành 10/19 tiêu chí. Chặng đường về đích vào năm 2015 đã đi được nửa và những tiêu chí còn lại với một xã nghèo thực sự là bài toán khó. Nhưng với lòng quyết tâm, sự đồng thuận của bà con lương giáo đã trở thành nguồn sức mạnh nội lực để đảng bộ và nhân dân Thạch Long vững tin khắc phục khó khăn để xứng đáng là một trong những đơn vị điểm của huyện nhà.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng đổ bê tông rộng rãi anh Nguyễn Phi Trưng – Chủ tịch UBND xã không dấu nổi niềm tự hào: “Thạch Long vốn là vùng đất sâu trũng nên hệ thống giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trước đây chỉ cần một trận mưa dầm là hầu hết mọi tuyến đường liên thôn đều trở nên lầy lội. Thế nhưng trong 2 năm trở lại đây, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM về với địa phương đã tạo nên sức sống mới cho quê hương. Từ sự đổi thay trong suy nghĩ, nhận thức của bà con nên phong trào hiến đất làm đường đã được người dân hưởng ứng tích cực. Thời gian qua, ngoài việc tình nguyện hiến 6.000m2 đất vườn, tháo dỡ 500m tường bao, bà con lương giáo trên địa bàn còn huy động sức người, sức của làm hơn 7km đường giao thông liên thôn. Và đến nay tiêu chí về giao thông của xã đã cơ bản hoàn thành”.

Nghề đóng tàu thuyền ở Thạch Long tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động

Nghề đóng tàu thuyền ở Thạch Long tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động

Những tuyến đường từ sức mạnh của lòng dân, từ các dự án lớn đi qua địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong giao thương buôn bán và đi lại. Đó cũng chính là mấu chốt tháo gỡ những băn khoăn trăn trở của người dân Thạch Long trong việc phát triển kinh tế khi quỹ đất sản xuất của xã ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho những dự án lớn và đất sản xuất hiện tại chủ yếu nằm ở những vùng thấp trũng, lại quá manh mún nên việc bố trí vùng sản xuất tập trung hết sức khó khăn. Từ tình hình thực tế, từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút sau những chuyến tham quan xây dựng NTM tại xã Thanh Tân (Thái Bình), các mô hình làm kinh tế trang trại, gia trại ở Quỳnh Lưu (Nghệ An)... lãnh đạo xã đã mạnh dạn lựa chọn mũi nhọn phát triển kinh tế là phát triển thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động, nuôi trồng thủy hải sản kết hợp với sản xuất nông nghiệp.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, cán bộ đảng viên đã thực sự là những lực lượng gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào. Việc hiến đất làm giao thông thủy lợi nội đồng để chủ động tưới tiêu nước cho cây trồng đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Bà con lại tình nguyện hiến 8.000m2 đất ruộng để có thêm hơn 4km đường giao thông nội đồng, làm thêm được gần 3km kênh mương cứng... Tình làng nghĩa xóm lại càng được tỏa sáng hơn bao giờ hết khi những người không mất đất ruộng cũng đã tình nguyện chia sẻ đất đai của mình cho những hộ hiến đất. Điển hình trong phong trào này là bà Lê Thị Tuấn ở thôn Nam Giang, tình nguyện nhường 300m2 đất ruộng cho những gia đình mất nhiều đất sản xuất.

Ngoài nội lực của bà con trong quyết tâm đổi thay cuộc sống, cấp ủy chính quyền nơi đây cũng đã hỗ trợ nguồn vốn khoảng 700 triệu đồng từ nguồn NTM cho người dân vay không lấy lãi, đồng thời tín chấp với các ngân hàng Nông nghiệp, chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay trên 20 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của UBND xã, trong hai năm qua đã có hàng trăm hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển TMDV, mở xưởng mộc, thành lập các tổ hợp thợ nề, đóng tàu thuyền, làm bún bánh, nuôi trồng thủy hải sản... đem lại thu nhập cao.

Đặc biệt với sự mạnh dạn, năng động, lực lượng lao động địa phương đã và đang từng bước tiếp cận thị trường lao động các nước như Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Malaixia, Đài Loan, Ăng gôla... Và với 1.000 lao động hiện đang làm việc ở nước ngoài mỗi năm đã đem về cho người dân nguồn thu trên 50 tỷ đồng, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở kiên cố trên địa bàn.

Thạch Long từng bước chuyển mình thay đổi không chỉ bằng vóc dáng bề thế của những khu biệt thự giữa làng quê, không chỉ là những tuyến đường huyết mạch rút ngắn dần khoảng cách giữa người quê và trung tâm tỉnh lỵ mà còn là hệ thống cơ sở hạ tầng, điện đường, trường trạm được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của con em. Và trên tất cả là sự đổi thay trong suy nghĩ, là tinh thần trách nhiệm của mỗi một người dân trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast