Tháng 5 trên công trường thuỷ điện Hương Sơn

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên đỉnh Trường Sơn, hàng trăm công nhân của các nhà thầu Sông Đà, Côma,… cùng chuyên gia đang chạy đua với thời gian, làm việc liên tục ba ca, tất cả vì dòng điện ngày mai.

Chúng tôi ngược lên miền Tây Hà Tĩnh giữa trưa với cái nắng tháng 5 như thiêu, như đốt. Quốc lộ 8 với nhiều đoạn mặt nhựa nóng rộp, nhìn xa như dòng chảy đang bốc khói. Văn phòng Công ty cổ phần Thuỷ điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vắng tanh, duy chỉ có Giám đốc Công ty Hoàng Quốc Triệu đang chờ làm việc với chúng tôi. Giám đốc Triệu cho biết, tuy thuộc diện ưu tiên nhưng do phải thiết giảm điện, nhà máy liên tục bị cắt điện, ảnh hưởng nhiều đến việc thi công và đời sống công nhân trên công trường. Nên không cần phải đồng hồ đếm ngược thời gian, nhiều tháng nay cán bộ văn phòng công ty đội nắng, đội mưa lên công trường để đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tiến hành giao ban hàng ngày, hàng tuần, giải quyết vướng mắc ngay tại công trường; rồi tổ chức ký giao ước thi đua, thưởng phạt theo tiến độ, phấn đấu đến ngày 30.6 này đưa tổ máy số 1 vào hoạt động, góp phần giảm sự thiếu hụt điện.

Cống xả tràn chuẩn bị đi vào hoạt động
Cống xả tràn chuẩn bị đi vào hoạt động

Vượt qua hơn 18 km đường đèo công vụ xóc và bụi, chúng tôi có mặt tại “trái tim” nhà máy, nơi đặt hai tổ máy phát điện, công suất 33 MW. Tại đây, chúng tôi được gặp các chuyên gia Trung Quốc đang cùng công nhân của Công ty Someco Sông Đà tập trung lắp đặt phần thiết bị. Chuyên gia Lý Trúc Thanh đến Hương Sơn đã 8 tháng cho biết: Hai tổ máy đã cơ bản lắp xong theo đúng yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an toàn. Chuyên gia Thanh còn đưa ra nhận xét: “Tôi đã tham gia lắp nhiều nhà máy thuỷ điện ở Việt Nam nhưng công nhân ở đây khá giỏi về chuyên môn, lại chịu khó, nên đã đẩy nhanh tiến độ lắp rắp cùng yêu cầu kỹ thuật đề ra”. Đội trưởng đội lắp máy Nguyễn Văn Hưng cho hay: 60 kỹ sư và công nhân kỹ thuật của đội đã làm liên tục ba ca trong nhiều tháng nay, cùng với chuyên gia Trung Quốc lắp hàng ngàn tấn thiết bị đặc chủng, nhất là rôto, stato máy phát điện đảm bảo kỹ thuật, tuyệt đối an toàn. Hiện cả đội đang tập trung lắp đặt và hoàn chỉnh phần hệ thống điều khiển và cơ thuỷ lực. Còn giám sát chủ đầu tư, kỹ sư Đinh Thành Trung, quê ở Sơn Châu (Hương Sơn) cho biết: Ít hôm nữa, nhà máy sẽ đón thêm gần chục chuyên gia Trung Quốc sang hiệu chỉnh tổng thể các thông số kỹ thuật hai tổ máy, chuẩn bị cho ngày phát điện lên lưới điện quốc gia. Trung tâm sự, theo tiếng gọi của quê hương, em và một số đồng nghiệp đã từ chối làm việc nhà máy thuỷ điện khác với mức thu nhập khá hơn để đầu quân về thuỷ điện Hương Sơn. Mặc dù mới cưới vợ được hơn một tháng, và cách nhà không xa, nhưng Trung cùng các đồng nghiệp nằm lỳ tại công trường để làm việc.

Kiểm tra thông số trạm biến áp 110 KV
Kiểm tra thông số trạm biến áp 110 KV

Phía ngoài, hệ thống đường ống áp lực đã được đấu nối vào nhà máy cùng hai trạm biến áp 110 KV, hệ thống phụ tải và cột điện cũng đang được các nhà thầu hoàn thành. Thách thức lớn nhất lúc này là phải lắp xong hơn 200 mét đường ống áp lực từ mối néo số 7 đến số 9 do Tổng Công ty cơ khí xây dựng (Côma) đảm nhận. Đây là đoạn thi công khó khăn nhất, bởi phải lắp đặt những ống dẫn cao 2 mét, dài 4-5 mét, nặng hàng tấn ở độ dốc 600. Ngày 7.5 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Côma Nguyễn Doãn Hành cùng đoàn tuỳ tùng đã vào kiểm tra thực tế công trường và hứa sẽ tập trung nhân vật lực, phấn đấu hoàn thành tuyến đường ống áp lực đúng tiến độ đã cam kết. Hiện toàn bộ các mối néo đã được đào đúc xong, chuẩn bị cho việc lắp những đoạn đường ống cuối cùng.

Tình cờ, ngay trên đỉnh Trường Sơn này, tôi may mắn được gặp vợ chồng người em họ Hồ Xuân Khoa và Nguyễn Thị Minh Nguyệt cùng con trai Hồ Ngọc Phát. Khoa là trưởng ca điều hành nhà máy, vợ theo chồng đến nhà máy làm cấp dưỡng. Nguyệt cho biết: Để có những ăn cơm ngon, canh ngọt cho khoảng 50 -60 người, trong đó có cả chuyên gia, em phải dậy sớm đón xe thi công hay đi xe máy ra tận chợ Trung tâm, cách công trường hơn 35 km để mua lương thực, thực phẩm. Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa thì vất vả vô cùng bởi tuyến đường đèo công vụ cheo leo, hiểm trở, bên núi bên vực. Cháu Phát (sinh năm 2008) trước đây ở với ông bà ở Yên Thành (Nghệ An), từ hôm 30.4 đến nay cháu trở thành công dân “tý hon” đầu tiên của nhà máy. Giờ đây, thay cho việc đến trường mẫu giáo, Phát phụ mẹ nhặt rau, hay theo bố vào ca ở giữa núi rừng Trường Sơn...

Phun vữa bê tông vào thân đâp dâng
Phun vữa bê tông vào thân đâp dâng

Tuy chỉ cách “trái tim” nhà máy 1,65 km đường ống áp lực nhưng chúng tôi phải tiếp tục vượt thêm hơn 10 km đường đèo công vụ nữa mới đến công trình đầu mối. Để tăng hiệu quả phát điện, hệ thống công trình đầu mối Thuỷ điện Hương Sơn có đến hai hồ chứa nước được “treo” trên đỉnh Trường Sơn, trên cao độ 807 mét và cách nhau 2 km; trong đó, một hồ nước (Nậm Luông) lưu vực ở bên nước bạn Lào. Từ hồ chứa, nước phải chạy qua hầm dẫn xuyên núi (dài 505 mét) sau đó mới chui vào đường ống áp lực. Việc đào hầm xuyên núi với địa chất (đất lẫn cát chảy và đá mồ côi) rất phức tạp, nhà thầu trước đó không đủ năng lực thi công, nay giao cho Công ty Sông Đà 10 có nhiều kinh nghiệm đảm nhận thi công, đảm bảo tiến độ và an toàn, mặc dù ở đây đã nhiều lần xẩy ra tình trạng sụt lở. Hiện, các công trình ở đây đã cơ bản hoàn thành. Tháp điều hoà và tuyến đường hầm cao hơn 2,5 mét đang gấp rút hoàn thành phần nền hầm và vách bê tông. Hệ thống tràn xả lũ do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh và Công ty TNHH Đại Hiệp đảm nhận đã thi công xong. Hệ thống đập dâng Nước Lạnh cao 34 mét, dài 153 mét đang được Công ty Sông Đà 9 hoàn tất những phần việc cuối cùng, như lu lèn mặt đập, trồng cỏ lát mái và khoàn phụt bê tông thân đập để chuẩn bị tích nước. Đường công vụ từ đập Nước Lạnh vào khu vực Nậm Luông đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc thi công đập đầu mối Nậm Luông…

Trao đổi kinh nghiệm lắp đặt thiết bị.
Trao đổi kinh nghiệm lắp đặt thiết bị.

Việc thi công nhà máy thuỷ điện Hương Sơn trước đây gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề cổ đông, tài chính, nhà thầu kém năng lực… đã làm cho tiến độ thi công bị chậm trễ. Trước tình hình đó, tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc và từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt từ sau khi các đơn vị thành viên của Tập đoàn Sông Đà thay thế các nhà thầu không đủ khả năng chuyên môn, tài chính thì tiến độ nhà máy đã được đẩy nhanh. Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 6, thời gian không còn nhiều, trong lúc khối lượng công việc đang còn khá lớn, nhất là tập trung hoàn thành việc lắp đặt 300 tấn đường ống áp lực; giải phóng mặt bằng liên quan đến một số hộ dân ở xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn) để hoàn thành lắp đặt 38/50 km đường dây 110 KV, thi công đập đầu nguồn Nậm Luông. Đặc biệt, thuỷ điện Hương Sơn việc phải hoàn tất thủ tục hồ sơ, giải ngân 200 tỷ đồng vốn vay bổ xung (do thi công chậm trễ trước đây) phát sinh từ Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Quân đội. Theo tính toán chủ quan của chúng tôi, với sự nỗ lực và tập trung cao độ của các nhà thầu và chủ đầu tư thì đến quý 3 này thuỷ điện Hương Sơn mới có thể phát điện, hoà lưới điện quốc gia ./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast