Thất thoát vốn ít nhưng xảy ra ở các công trình được kiểm tra!

Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 (gọi tắt là đề án kiên cố hóa) với nguồn vốn chủ đạo là trái phiếu Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án cũng bộc lộ nhiều hạn chế, sai sót cả trong cách thức tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo cũng như việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư XDCB của các tổ chức, đơn vị liên quan…

Đề án kiên cố hóa giai đoạn 2008 - 2012:

Một trong số các công trình được đầu tư từ Đề án kiên cố hóa trường lớp học. Ảnh: thanhtrahatinh
Một trong số các công trình được đầu tư từ Đề án kiên cố hóa trường lớp học. Ảnh: thanhtrahatinh

Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 với chỉ tiêu xây dựng 2.989 phòng học và 1.610 phòng công vụ ở cả 4 cấp học. Tính đến ngày 30/6/2012, toàn tỉnh đã phê duyệt danh mục 264 công trình, gồm 228 nhà học (1.425 phòng học: mầm non 566, tiểu học 364, THCS 414, THPT 81) và 36 nhà công vụ cho giáo viên (223 phòng ở công vụ) với tổng mức đầu tư 540,743 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ 417,291 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 1.425 phòng học và 223 phòng ở công vụ cho giáo viên, so với kế hoạch giai đoạn 2008 - 2012 thực hiện đạt 47,7% phòng học (1.425/2.989) và 13,9% phòng ở công vụ cho giáo viên (223/1610).

Theo đánh giá của Thanh tra Hà Tĩnh về quá trình thực hiện đề án thì cơ bản phòng học tạm bợ, phòng học cũ nát, xuống cấp đã được xóa bỏ; nhiều phòng, lớp học mới được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất trường học, nhất là các trường học khối mầm non được cải thiện đáng kể, góp phần điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học và chuẩn hóa trường, lớp học; các trường, lớp học xây dựng mới theo thiết kế mẫu do UBND tỉnh ban hành đáp ứng yêu cầu kiên cố, bền vững, tiết kiệm và các tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng, môi trường sư phạm góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong các cấp học, đặc biệt là đối với bậc mầm non; các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chất lượng cơ bản đảm bảo, phát huy hiệu quả đầu tư đáp ứng đúng mục tiêu của đề án…

Tuy nhiên, quá trình thanh tra cho thấy nhiều hạn chế như: hoạt động của ban chỉ đạo chưa rõ nét, thiếu sự khâu nối giữa các thành viên; vai trò các sở, ban, ngành liên quan (GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính...) chưa rõ ràng, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về phân bổ và cấp phát vốn, thống kê báo cáo tình hình; sự phối hợp của các Sở với UBND các huyện chưa tốt, biểu hiện trong việc tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện đề án có sự khác nhau và không phù hợp số liệu được thanh tra. Kế hoạch thực hiện đề án chưa có sự kết hợp với việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học nhất là đối với hệ thống các trường THCS và một số trường THPT; một số công trình do không dự báo được nhu cầu học sinh cho những năm tiếp theo nên sử dụng sai mục tiêu. Việc bố trí vốn trái phiếu chính phủ và huy động nguồn lực thực hiện đề án còn bất cập, qua kiểm tra và kết quả thực hiện cho thấy, nhiều công trình do phát sinh khối lượng và trượt giá trong khi nguồn vốn trung ương đã bố trí hết, ngân sách địa phương và huy động đóng góp gặp khó khăn (chủ yếu trông chờ nguồn thu từ kinh tế đất), Ban chỉ đạo và các chủ đầu tư không có phương án xử lý, tìm nguồn vốn để thanh toán, gây nợ XDCB lớn (tại 39/53 công trình/gói thầu kiểm tra chủ đầu tư còn nợ các nhà thầu hơn 11,7 tỷ đồng).

Công trình Trường THPT Mai Kính (Thạch Hà) bị đề nghị đình chỉ dự án (nhà học 4 tầng 16 phòng) nhằm hạn chế lãng phí
Công trình Trường THPT Mai Kính (Thạch Hà) bị đề nghị đình chỉ dự án (nhà học 4 tầng 16 phòng) nhằm hạn chế lãng phí

Kết quả thanh tra cũng chỉ rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư XDCB còn nhiều sai sót như: công trình thi công chủ yếu theo thiết kế mẫu được Sở Xây dựng thẩm định nhưng thiết kế còn nhiều điểm chưa phù hợp, dự toán còn sai sót làm tăng giá trị công trình/gói thầu; năng lực, trách nhiệm chủ đầu tư (chủ yếu là UBND các xã, phường, thị trấn) còn nhiều bất cập, yếu kém, nhiều BQL dự án không nắm được quy trình đầu tư, không kiểm soát được công việc của tư vấn và thi công của nhà thầu; việc lựa chọn nhà thi công theo hình thức đấu thầu thiếu tính cạnh tranh, kết quả đấu thầu thiếu tích cực (19/35 công trình đấu thầu được thanh tra có tỷ lệ giảm thầu dưới 1%, trong đó nhiều công trình tỷ lệ giảm thầu xấp xỉ 0,1%); một số nhà thầu liên danh đấu thầu nhưng khi trúng thầu chỉ có một nhà thầu thi công (thực chất mượn năng lực để tham gia đấu thầu); công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành của chủ đầu tư cho nhà thầu mang tính hình thức, chưa chính xác, nghiệm thu theo khối lượng dự toán, một số nhà thầu thi công có hiện tượng bớt xén khối lượng hoặc thi công một số hạng mục không đúng thiết kế nhưng vẫn được chủ đầu tư chấp nhận thanh toán…

Dẫu những sai phạm dẫn đến thất thoát vốn đầu tư của đề án không nhiều nhưng xảy ra ở tất cả công trình được kiểm tra. Tại 53 công trình/gói thầu được kiểm tra (có tổng dự toán hơn 171,3 tỷ đồng, trong đó giá trị hợp đồng cả bổ sung hơn 147,2 tỷ đồng) đã phát hiện phải xử lý hơn 2,94 tỷ đồng (thu hồi nộp ngân sách tỉnh hơn 1,14 tỷ đồng; cắt giảm trong nghiệm thu, thanh toán số tiền trên 1,79 tỷ đồng). Riêng dự án Trường THPT Mai Kính, tuy đang xây dựng dở dang nhưng do đã có Quyết định số 2286/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 của UBND tỉnh giải thể vào năm học 2013 - 2014 nên Thanh tra Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh đình chỉ dự án (nhà học 4 tầng 16 phòng) nhằm hạn chế lãng phí, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư là UBND huyện Thạch Hà lập phương án chuyển sang đầu tư, sử dụng cho mục đích khác.

Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 là đề án lớn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành giáo dục. Việc thanh tra trên diện rộng đề án này không ngoài mục đích đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, tăng cường hiệu quả thực hiện, cũng như làm rõ việc chấp hành các quy định pháp luật của Ban Chỉ đạo, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan.

Thiết nghĩ, với những ưu khuyết điểm trong quá trình thực hiện đề án vừa được Thanh tra tỉnh đưa ra, UBND tỉnh cần sớm tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện kết quả thực hiện đề án giai đoạn 2008 - 2012 nhằm rút kinh nghiệm cho việc tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; Sở GD&ĐT - đơn vị thường trực thực hiện đề án cần tham mưu Ban chỉ đạo các biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đồng thời tham mưu tỉnh xử lý các kiến nghị của thanh tra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast