Thu hoạch hè thu 2012 - Rập rình bất trắc!

Không thể phủ nhận vụ hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều bất trắc nhất trong năm. Cực chẳng đã, mưa lũ năm nay dường như đến sớm hơn, mới chỉ những trận mưa đầu mùa mà hàng nghìn ha lúa và hoa màu đã bị cuốn trôi. Thời tiết vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và hơn 20% lúa đã được thu hoạch là con số quá nhỏ so với mục tiêu 20 vạn tấn lương thực của toàn tỉnh.

Thuận lợi nhất trong vụ sản xuất hè thu 2012 là chính sách về bộ giống lúa mới của tỉnh với giống chủ đạo có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày. Thêm vào những chính sách ưu đãi đặc biệt ấy, bài học thất bại về mùa thu hoạch trong mưa lũ ở vụ hè thu 2011 đã làm chuyển biến ý thức của người nông dân về việc sử dụng đúng giống lúa được cơ cấu, nhằm né tránh an toàn diễn biến phức tạp của thời tiết vào cuối vụ. Nhờ vậy, các trà lúa phát triển khá đồng đều và tập trung, hạn chế tối đa được sự gây hại của sâu bệnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 20% chủ yếu các giống ngắn ngày như Gia Lộc 102, P6ĐB, IR50404, VS1, PC6, TH3-3... Dự kiến thời gian thu hoạch rộ sẽ diễn ra từ ngày 15- 25/9, sớm hơn cùng kỳ năm trước 10- 15 ngày.

Nông dân Cẩm Xuyên thu hoạch lúa sau mưa lũ

Nông dân Cẩm Xuyên thu hoạch lúa sau mưa lũ

Cả mùa trồng cây, một ngày hái quả. Thời tiết lại chẳng muốn chiều lòng người, vào đúng thời điểm bà con nông dân toàn tỉnh bước vào mùa thu hoạch thì những cơn mưa mùa lũ đến sớm hơn dự kiến. Từ ngày 4/9 đến nay trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra mưa vừa và mưa to với lượng mưa phổ biến từ 55- 157 mm, tập trung nhiều nhất là ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… Dù xảy ra cục bộ ở một số vùng trũng nhưng mưa lớn trong nhiều ngày cũng kịp ngâm hàng nghìn ha lúa và hoa màu trong nước lụt. Và những tổn thất đáng ngậm ngùi hơn khi điều bất trắc xảy ra ngay cận kề ngày thu hoạch.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng phòng Nông nghiệp Hương Khê cho biết: “Toàn huyện có đến 1000 ha lúa; 200 ha cây ăn quả bị ngập lụt và cuốn trôi 3000 gia súc, gia cầm. Hiện nay, mặc dầu nước đã bắt đầu rút nhưng năng suất của cây lúa vẫn bị tụt giảm khoảng 40%- 50% năng suất (tương ứng với khoảng 8- 9 tỷ đồng)”. Hệ quả của những trận mưa đầu mùa lũ đã xóa sổ không ít cánh đồng tại huyện miền núi này, nặng nề nhất tập trung tại các xã Phương Mỹ, Hương Đô, Hương Liên… Ông Đinh Văn Nhệ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hương Liên ngậm ngùi: “Chỉ ít hôm nữa là chúng tôi vào mùa thu hoạch, thế mà trong 3 ngày mưa 80% diện tích sản xuất hè thu đã bị xóa trắng. Riêng cây lúa, mấy tháng trời khô hạn, thiếu nước, nay lại bị ngâm trong ngập úng, khả năng phục hồi là điều khó xảy ra. Tiếc công, tiếc của, bây giờ làm thức ăn cho gia súc còn khó huống gì tính chuyện năng suất”.

So với các địa phương khác, mùa gặt ở Hương Sơn bắt đầu khá sớm. Toàn huyện gieo cấy trên 2600 ha thì đầu tháng 9 đã thu hoạch được gần 1000 ha, chiếm 38% tổng diện tích. Các diện tích này chủ yếu là trà lúa hè thu chạy lụt, vùng thấp trũng và phần diện tích tuân thủ đúng khung thời vụ. Tuy vậy, Hương Sơn chỉ đứng sau Hương Khê về mứa độ thiệt hại về nông nghiệp trong đợt mưa vừa qua với 300 ha lúa; gần 400 ha đậu và 40 ha ngô đông.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết: “Từ hôm mưa lũ, cứ tranh thủ được giờ ráo nắng nào là bà con nông dân xuống đồng thu hoạch lúa hè thu. Hiện, huyện chỉ đạo bà con gặt nhanh diện tích còn lại, lúa chín từ 70% trở lên là cho thu hoạch, nhằm đảm bảo ăn chắc năng suất và sản lượng. Điều bất an nhất là số diện tích gieo cấy muộn ở vùng thượng, ít nhất phải đến 25/9 mới có thể hoàn tất việc thu hoạch trong khi tình hình mưa lũ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp”.

Như vậy là, những trận mưa mùa lũ đến sớm trong mấy ngày vừa qua đã tấn công “trực diện” đến các huyện miền núi, nơi tập trung lượng mưa lớn, địa hình dốc, nhiều vùng trũng. Rải rác tại các địa phương Thạch Hà, Lộc Hà và Thành phố Hà Tĩnh cũng xuất hiện ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa. Thế mới thấy, đối với sản xuất hè thu người nông dân cần phải căn cơ từng “nước cờ” của mình từ việc sử dụng giống gì, thời vụ nào và canh tác bằng phương tiện gì. Thực tiễn tại huyện Cẩm Xuyên đang chứng minh cho luận chứng ấy là đúng. Không chỉ sử dụng đúng cơ cấu giống dưới 100 ngày, thế mạnh của địa phương chính là cơ giới hóa.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Do lường trước được diễn biến tình hình trong thời vụ sản xuất nên nhiều vùng đã chủ động thu hoạch gọn, đảm bảo an toàn cho lúa hè thu. Dẫu vậy, hơn 94% diện tích lúa đang đứng giữa đồng, nếu trời tiếp tục mưa lớn, số lúa này chưa chắc đã kịp trở tay. Trước mắt, ngành đang chỉ đạo các địa phương mở cổng tự do ở các cống xả, tránh tích tụ nước. Đồng thời, lấy phương án “xanh nhà hơn già đồng” làm tôn chỉ và áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa, nhằm đẩy nhanh nhất thời vụ thu hoạch lúa hè thu”.

Những cánh đồng cũng đã bắt đầu rút nước, người, xe và lỉnh cỉnh cả thuyền, thúng lại lũ lượt ra đồng để chạy đua với trời. Dù rằng kết quả vẫn chưa thể đoán trước nhưng quyết tâm giành thắng lợi vụ hè thu đang hiện rõ trên từng khuôn mặt và giọt mồ hôi trộn cùng dòng nước lũ của người nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast