Thu ngân sách tháng 1/2016 ước đạt 102,6 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2016 ước đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2015.

Ảnh T.L minh họa
Ảnh T.L minh họa

Các khoản thu nội địa quan trọng đạt khá

Bộ Tài chính cho biết, trong tổng thu nói trên, thu nội địa ước đạt 93 nghìn tỷ đồng, bằng 11,8% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2015. Trong đó thu nội địa trừ đất ước đạt 85 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2015.

Các khoản thu nội địa quan trọng đều đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm 2015, như: thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 14,6% dự toán, tăng 14,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,4% dự toán, tăng 13,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 11% dự toán, tăng 20%...

Đạt được kết quả trên, theo Bộ Tài chính, do sự phát triển khả quan của kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng đã chủ động vào cuộc, với quyết tâm cao đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh.

Về thu từ dầu thô, trong tháng 1 tổng thu ước đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán, giảm 65,7% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân do giá dầu thô trên thị trường giảm, xoay quanh mức 30 USD/thùng. Đồng thời, do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân trong tháng 1/2016 ước khoảng 38 USD/thùng, giảm 22 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán.

Cùng nguyên nhân do giá dầu thô và các sản phẩm hóa dầu xuất nhập khẩu giảm mạnh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, giảm 19,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm còn có nguyên nhân do kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu có đóng góp số thu lớn cho NSNN giảm, như: ô tô nguyên chiếc giảm 51,6% về lượng, giảm 55,9% về trị giá; sắt thép các loại giảm 21,6% về lượng, giảm 20,9% về trị giá; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 4,8% về trị giá,...

Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (11,5 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% dự toán, giảm 41,1% so với tháng 1/2015.

Khoản thu còn lại từ thu từ viện trợ và thu khác.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 1/2016 ước đạt 107,86 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán, tập trung đảm bảo các nhu cầu chi phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước (chiếm 63,6% tổng chi) và chi trả nợ (chiếm 19,4% tổng chi).

Chi đầu tư phát triển và đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng đạt thấp, theo Bộ Tài chính, do đang trong quá trình phân bổ, thông báo kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư nên thực hiện chủ yếu là thanh toán vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đê điều và một số dự án quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng thời để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã chủ động tạm cấp kinh phí tháng 1/2016 cho các đơn vị đang trong thời gian chờ phân bổ dự toán; thực hiện chi trả trước tiền lương hưu và các khoản trợ cấp đến hết tháng 2/2016 cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội vui đón Tết.

Thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, công khai, minh bạch trong sử dụng NSNN, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Các cơ quan Thuế, Hải quan sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế GTGT, chống chuyển giá; hạn chế nợ đọng thuế, tích cực thu hồi nợ đọng thuế và có biện pháp xử lý nghiêm.

Đi đôi với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ. Mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử.

Theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu dịp Tết nguyên đán; phối hợp theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá các mặt hàng bình ổn giá trong dịp Tết. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Đẩy nhanh nghiên cứu triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Quyết định số 695/QĐ-TTg gắn với lộ trình thực hiện tính giá đúng, tính giá đủ dịch vụ sự nghiệp công. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về xử lý tài chính, xử lý lao động dôi dư đối với các DNNN.

Ngoài ra, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trước và trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân.../.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast