Thu phí nội mạng ATM: Cần hài hòa lợi ích giữa khách hàng - ngân hàng

Sau khi Thông tư 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa có hiệu lực (từ 1/3), trên địa bàn tỉnh ta, đến thời điểm này đã có 9 ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai thu một số giao dịch nội mạng. Có nhiều ý kiến băn khoăn: áp dụng thu phí nội mạng trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay có phù hợp; chất lượng dịch vụ có cải thiện để phục vụ khách hàng tốt hơn? P.V Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Nguyễn Huy Tiến để làm rõ thêm vấn đề này.

22 ngân hàng chưa thu phí giao dịch ATM nội mạng từ ngày 1/3. Ảnh: dddn.com.vn
22 ngân hàng chưa thu phí giao dịch ATM nội mạng từ ngày 1/3. Ảnh: dddn.com.vn

P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết căn cứ nào để các NHTM triển khai thu phí giao dịch ATM nội mạng?

Trên thực tế, các dịch vụ ngân hàng hoặc các dịch vụ tiện ích khác trong xã hội không phải là dịch vụ công mà là các dịch vụ được cung ứng trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận về mức và loại phí. Các dịch vụ tiện ích miễn phí (nếu có) thường chỉ có trong một giai đoạn nhất định, phù hợp với chiến lược và năng lực của từng tổ chức cung ứng dịch vụ trong từng thời kỳ, nếu duy trì trong thời gian dài sẽ không đảm bảo chất lượng hoặc phát triển không bền vững do không cân đối được lợi ích và chi phí. Từ khi dịch vụ thẻ ATM bắt đầu được triển khai ở Việt Nam, các ngân hàng đã có tới hơn 10 năm thực hiện chính sách miễn, giảm phí, trong đó có phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền mặt ATM nội mạng. Bởi vậy, đến thời điểm này, thu phí ATM là cần thiết và đã được quy định theo lộ trình cụ thể, có sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Để đảm bảo việc thu phí giao dịch ATM của các ngân hàng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với các quy định pháp luật, từ đầu năm 2012, NHNN đã triển khai xây dựng dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, với cơ chế và khung biểu phí cụ thể. Ngày 1/3/2013, Thông tư số 35/2012/TT-NHNN của NHNN ban hành quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở đó, các NHTM bắt đầu áp dụng việc thu phí.

Trên địa bàn tỉnh ta, việc thu phí giao dịch nội mạng ATM đã được áp dụng như thế nào?

Trong số 12 NHTM hoạt động trên địa bàn, có 10 chi nhánh ngân hàng đã công bố các loại phí: phát hành thẻ, thường niên và giao dịch ATM, tuy nhiên chưa có ngân hàng nào áp dụng thu tất cả các loại phí mà đều đang miễn phí đối với một số giao dịch.

Riêng đối với phí giao dịch nội mạng ATM (loại phí đang được khách hàng quan tâm hiện nay) thì giao dịch in sao kê hoặc chứng từ mới chỉ có 2 ngân hàng áp dụng với mức phí 100 đồng

(Oceanbank) và 550 đồng (Ngân hàng No&PTNT); rút tiền mặt mới có 4 ngân hàng thực hiện: No&PTNT, Ngoại thương, Đầu tư & Phát triển và Sacombank với mức phí 1.000 đến 1.100 đồng/lần rút; chuyển khoản có 4 ngân hàng thu phí với mức 2.000 - 15.000 đồng/giao dịch.

Việc thu phí của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn được thực hiện theo hướng dẫn của các NHTM T.Ư và được NHNN điều tiết, giám sát chặt chẽ theo chỉ đạo của Thông tư 35. Theo đó, Thông tư 35 quy định mức trần về phí dịch vụ, giao dịch ATM được phép thu theo từng thời kỳ: từ ngày 1/3 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng đối với thẻ ghi nợ nội địa được quy định từ

0-1.000 đồng mỗi giao dịch; đến năm 2014, mức phí này từ 0-2.000 đồng; từ năm 2015 là từ 0-3.000 đồng.

Trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, nhiều ngân hàng đang chủ động phân loại sản phẩm dịch vụ, khách hàng để có những chính sách hỗ trợ miễn, giảm cụ thể, thiết thực đối với người lao động có thu nhập thấp (nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên...).

Để hài hòa lợi ích của cả 2 phía: ngân hàng và khách hàng khi thực hiện thu phí giao dịch nội mạng ATM, NHNN đã có sự chỉ đạo gì?

Đặc điểm của thị trường thẻ Việt Nam là giao dịch rút tiền mặt tại ATM với khối lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao, thời gian tiền được duy trì trong tài khoản tương đối ngắn nên chi phí cho công tác tiếp quỹ, bảo trì, bảo dưỡng... rất lớn trong khi lợi ích thu được từ việc để tiền trong tài khoản chưa nhiều. Tình trạng thu - chi mất cân đối trong hoạt động kinh doanh thẻ nếu kéo dài sẽ dẫn tới việc các ngân hàng không có động lực đầu tư mở rộng và duy trì mạng lưới ATM cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ. Trong giai đoạn hiện nay, mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng không nhằm vào việc bù đắp, thu hồi toàn bộ chi phí giao dịch mà chỉ giúp các ngân hàng cân đối một phần chi phí. Mặc dù mức phí hiện nay còn rất thấp so với các chi phí bỏ ra, nhưng cũng đã tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hệ thống thẻ nhằm mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ðể tăng cường trách nhiệm của các NHTM trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với việc áp dụng quy định mới về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa theo Thông tư số 35, NHNN Việt Nam đã đồng thời ban hành Thông tư số 36 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của máy ATM. Trong đó, quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM như phải trang bị camera, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ…; trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ như bố trí lực lượng để khắc phục sự cố, ATM ngừng hoạt động quá 24h phải báo cáo và thông báo rộng rãi cho khách hàng; đảm bảo thời gian ATM hết tiền không quá 4h nếu trong ngày làm việc và 1 ngày nếu vào ngày nghỉ; phải duy trì bộ phận hỗ trợ khách hàng. Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các NHTM trên địa bàn, đảm bảo lợi ích của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thẻ ATM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast