Thủ tướng yêu cầu thay sếp doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa

Cho rằng cán bộ là nhân tố quyết định trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo mạnh dạn thay thế những lãnh đạo không chịu cổ phần hóa.

Nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là trọng tâm trong cuộc họp với các Bộ, ngành và địa phương ngày 24/12. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, năm 2014 dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt xong. Theo ông, sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định tới sự thành bại của cuộc cải tổ, tái cơ cấu này. "Nhưng sắp xếp, bố trí lãnh đạo cán bộ không tốt thì không tái được gì hết. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn thay thế lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước không chịu cổ phần hóa. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn thay thế lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước không chịu cổ phần hóa. Ảnh: VGP.

Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn Nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ. "Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết. Muốn có kinh tế thị trường phải đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác", ông nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng vẫn lưu ý việc bán vốn Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc, tránh bán tràn lan, sơ hở, mất mát tài sản.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn theo nguyên tắc thị trường nhưng trong thực hiện có nhiều vướng mắc. Trên thực tế, áp lực thoái vốn Nhà nước đã được Thủ tướng đặt ra từ trước nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, kinh tế suy thoái như hiện nay, nhiều đơn vị khó bán cổ phần hơn.

Hiện Dự thảo Nghị quyết thoái vốn Nhà nước đang lấy ý kiến và theo ông Ninh có thể sẽ ban hành trong tháng 1 với tinh thần cho phép bán lỗ để đẩy nhanh tiến trình thoái vốn. "Dự kiến với các dự án, khoản đầu tư mà thua lỗ, càng để thì càng lỗ, càng mất vốn vì không có khả năng phục hồi sẽ cho phép bán nhanh và có thể dưới giá trị để thu hồi", ông Ninh nói.

Đại diện cho các Bộ, ngành, ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng lúc khó khăn như hiện nay chính là thời cơ để loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, không phù hợp với nền kinh tế mới. "Khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế việc các doanh nghiệp phá sản nhiều vẫn là bình thường. Không nên câu nệ những số liệu hàng chục doanh nghiệp phá sản bởi đã gọi tái cơ cấu nền kinh tế mà vẫn duy trì những doanh nghiệp như như cũ thì không thành công", ông Thăng nói.

Ông Đinh La Thăng nhận thấy vốn ngân hàng cần phải được rải đều trong cả năm. Ông cho biết, như báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tín dụng năm nay có thể đạt hơn 10% nhưng chỉ dồn vào tháng 12 thì sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế không nhiều. "Chính sách tiền tệ và tài khóa cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để tiền trải đều qua các quý. Khi nào tài chính khó khăn, ngân hàng phải bơm tiền ra, khi tài chính tốt, ngân hàng siết lại. Như vậy mới đảm bảo lượng tiền ra lưu thông tương đối lớn", ông Thăng phân tích.

Về dư nợ tín dụng năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu sẽ tăng trưởng 12-14%, cao hơn rất nhiều so với mức đạt được năm 2013. Tuy nhiên, thừa nhận áp lực lạm phát sẽ lớn hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần phối hợp tốt giữa tài khóa và tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, năm 2014, khi vừa tăng trần bội chi, lại phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ và tín dụng phải đẩy ra nền kinh tế nhiều hơn 2013 thì nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 7% càng trở nên nặng nề.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, 2014 vẫn tiếp tục phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu để thúc đẩy tăng trưởng đạt 5,8%. "Nếu năm sau tăng trưởng được vậy thì 2015 GDP có thể tăng 6% hoặc hơn", Thủ tướng tự tin nói.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast