Thực hiện Quyết định 23 về hỗ trợ lãi suất: Bức tranh phản chiếu thực tiễn sản xuất

(Baohatinh.vn) - Với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các mô hình sản xuất, UBND tỉnh ban hành Quyết định (QĐ) 23 sửa đổi QĐ 26 theo hướng tăng mức hỗ trợ lãi suất (HTLS) và nới rộng đối tượng được tiếp cận chính sách. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng triển khai, nguồn vốn HTLS vẫn “chảy” vào các mô hình một cách cầm chừng. Nhiều ý kiến nhận định rằng, đây là bức tranh phản ánh thực tiễn phát triển sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương.

Dòng chảy nguồn vốn chậm

Có thể khẳng định, với quyết định hỗ trợ 50-70% lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) cho các mô hình phát triển sản xuất theo QĐ 26, người dân đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chi phí rất thấp. Đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay, ưu tiên lãi suất thấp cho 5 nhóm lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 6/2014 (QĐ 23 có hiệu lực) cho đến nay, lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp dao động ở mức 8-10%/năm, sau khi được hỗ trợ, người vay chỉ phải trả lãi 4-5%/năm, có đối tượng chỉ còn 3-4%/năm.

Thực hiện Quyết định 23 về hỗ trợ lãi suất: Bức tranh phản chiếu thực tiễn sản xuất ảnh 1

Hiện đã có 3 NHTM và 22 QTDND cơ sở tham gia cho vay HTLS theo QĐ 23 của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngân hàng No&PTNT tỉnh Nguyễn Thị Diên, mặc dù Ban Giám đốc xác định đây là động lực trực tiếp và mạnh mẽ đối với việc tăng trưởng dư nợ cho vay của đơn vị và thường xuyên theo dõi, đốc thúc việc đẩy mạnh cho vay theo QĐ 23, nhưng dòng chảy của nguồn vốn này không nhanh như kỳ vọng. So với năm 2013 (khi mức hỗ trợ từ chính sách thấp hơn), tốc độ tăng trưởng cho vay HTLS trong năm 2014 không có sự đột phá. 10 tháng năm 2014, doanh số cho vay HTLS theo QĐ 23 đạt 499 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2013.

Kênh vốn HTLS ngày càng thu hút sự tham gia của các TCTD, trong đó có 3 ngân hàng thương mại lớn là Agribank, Vietcombank và Vietinbank, đặc biệt là 22 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Tuy nhiên, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, kết quả cho vay HTLS theo QĐ 23 năm nay tương đương với năm 2013. 10 tháng đầu năm, doanh số cho vay HTLS trên địa bàn toàn tỉnh đạt 568,73 tỷ đồng với số lãi hỗ trợ khách hàng là 37 tỷ đồng. Với tốc độ này, nhiều khả năng, các địa phương sẽ không tranh thủ hết 47 tỷ đồng nguồn vốn được phân bổ HTLS trong chương trình xây dựng NTM

Vướng ở khả năng hấp thụ chính sách

Theo phản ánh của một số TCTD trực tiếp cho vay trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn thì, ở thời điểm đầu, dư nợ cho vay HTLS tăng rất nhanh là bởi những hộ dân có năng lực, điều kiện đã nắm bắt cơ hội, xây dựng các mô hình quy mô vừa và lớn với nhu cầu vốn cao. Đến nay, ở năm thứ 3 thực hiện chính sách, nhu cầu của các mô hình lớn gần như đã bão hòa, các mô hình quy mô vừa đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn rẻ cũng không còn nhiều. Khách hàng vay vốn chủ yếu vẫn là hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, không đáp ứng điều kiện về quy mô, đối tượng để được HTLS theo các quyết định của UBND tỉnh.

Thực hiện Quyết định 23 về hỗ trợ lãi suất: Bức tranh phản chiếu thực tiễn sản xuất ảnh 2

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp Lộc Hà kiểm tra mô hình vay vốn hỗ trợ lãi suất tại xã Thịnh Lộc.

Phó Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Hồng Lĩnh - Cao Thị Hằng cho biết: Thị xã Hồng Lĩnh chỉ duy nhất xã Thuận Lộc đang thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, Ngân hàng Nông nghiệp đã tập trung cao cho việc tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách và chủ động làm việc với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội để tìm kiếm mô hình. Tuy nhiên, do thực tiễn sản xuất ở địa phương chưa sôi động nên không nhiều khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện để được vay vốn. Trong 3 năm thực hiện chính sách, doanh số cho vay tại xã Thuận Lộc chỉ đạt gần 1,5 tỷ đồng với số lãi hỗ trợ là 31 triệu đồng.

Ngược lại, ở Cẩm Xuyên, với địa bàn rộng, dân số đông và địa hình đa dạng, người dân đã phát triển được nhiều loại hình sản xuất nên đối tượng tiếp cận nguồn vốn HTLS rộng lớn hơn. Cùng với việc những năm gần đây, mặt bằng sản xuất ở đây được nâng lên khá đều, người dân có ý thức đầu tư cho sản xuất cao hơn nên nhu cầu vốn khá lớn. Bởi vậy, Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có dư nợ cho vay HTLS cao nhất tỉnh hiện nay với hơn 241 tỷ đồng và 3.727 hộ đang có dư nợ.

Đặc biệt, năm 2014, trong khi nguồn vốn HTLS toàn tỉnh tăng chậm thì ở Cẩm Xuyên, doanh số cho vay từ đầu năm đến nay trên 147 tỷ đồng với số lãi đã hỗ trợ là 5 tỷ đồng. Kết quả này không chỉ phản ánh thực tiễn sản xuất ở Cẩm Xuyên mà một phần quan trọng là ở sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động của UBND huyện. Trưởng phòng Nông nghiệp Cẩm Xuyên - Lê Ngọc Hà cho biết: Huyện đã sớm triển khai, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng địa phương, mô hình sản xuất. Hàng tháng, họp đánh giá kết quả cụ thể của các địa phương trong cho vay HTLS và biểu dương đối với những xã làm tốt; chỉ đạo, hỗ trợ đối với những đơn vị tốp sau. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện - Ngân hàng No&PTNT Cẩm Xuyên và các địa phương phối hợp khá hiệu quả, từ đó, khơi thông dòng chảy của kênh vốn lãi suất thấp, tiếp nguồn lực quan trọng cho phát triển sản xuất ở huyện lúa.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast