“Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả” (Bài 4): Điểm tựa vươn khơi

(Baohatinh.vn) - Giữa muôn trùng sóng dữ, ngư dân không hề đơn độc bởi họ luôn có được điểm tựa vững vàng từ những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư.

>> Bài 1: Câu hát căng buồm cùng gió khơi...

>> Bài 2: Khát vọng đánh thức tiềm năng

>> Bài 3: Sức mạnh đoàn kết

Ứng cứu ngư dân

Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng ông Mai Văn Soa (xã Xuân Liên - Nghi Xuân) vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi hồi nhớ về chuyến ra khơi đối mặt với “hung thần” biển cả. Hôm đó, sau khi gom một mẻ lưới lớn để chuẩn bị về bờ thì mây đen ùn ùn kéo đến, những đợt sóng đục ngầu, giận dữ khiến cho thuyền mất phương hướng và bị lật úp. Các thuyền viên hoảng loạn, chới với. Thật may mắn, một thuyền viên liên lạc được với Đồn Biên phòng Lạch Kèn và ngay lập tức được các chiến sỹ biên phòng ứng cứu. Tất cả mọi người trở về trong niềm hạnh phúc của người thân, gia đình. Chiếc tàu bị nạn trôi dạt hơn 30 hải lý cũng được CBCS Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Sót tìm kiếm và đưa về tận địa phương cho ngư dân.

Chiến sỹ đảo Sơn Dương ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vùng biển Tổ quốc, còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển.
Chiến sỹ đảo Sơn Dương ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vùng biển Tổ quốc, còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển.

Người đi biển dẫu ăn sóng nói gió, thông thạo ngư trường nhưng giữa khơi xa không thể lường hết những cơn cuồng nộ. Bởi vậy, họ luôn cần đến sự đồng hành của các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư... Cắm chốt khắp các điểm trọng yếu, lực lượng này thường xuyên liên kết, phối hợp hiệu quả để ứng cứu, hỗ trợ ngư dân.

Hẳn ngư dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vẫn nhớ câu chuyện xảy ra vào ngày 18/11/2013 khi thuyền cá do anh Đặng Văn Luận làm thuyền trưởng cùng 2 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển Nghi Xuân. Trong cơn nguy kịch, 3 ngư dân vớ được 3 can nhựa làm phao và để trôi tự do trên biển. Ngay sau khi nhận được tin báo, CBCS tàu 1014, Hải đội 102, Vùng cảnh sát biển I, Cảnh sát biển Việt Nam đã khẩn trương triển khai công tác cứu hộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, cả 3 người được đưa lên tàu trong điều kiện sức khỏe suy kiệt. Các chiến sỹ cảnh sát biển đã kịp thời sơ cứu và san sẻ chính đồng lương của mình giúp ngư dân làm lộ phí về nhà.

Dõi theo từng chuyến tàu ra khơi, những người ở đất liền yên lòng hơn bởi nhờ có thiết bị bộ đàm liên lạc thường xuyên, ngư dân có thể nắm bắt diễn biến thời tiết và kịp thời liên lạc với các lực lượng. Ông Biện Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Trong những lần đối phó với bão lụt, CBCS bộ đội biên phòng tăng cường lực lượng giúp đỡ người dân di chuyển đồ đạc, chằng néo nhà cửa. Đặc biệt, việc liên lạc cho tất cả tàu thuyền, đưa thuyền vào âu tránh bão đều được các lực lượng hỗ trợ hoàn tất trước lúc bão đổ bộ. Bà con ngư dân Thạch Kim luôn cảm thấy vững lòng trước những tình cảm ấm áp quân dân”.

Ổn định ngư trường

Những cuộc mưu sinh trên biển đang khiến sự cạnh tranh giữa các tàu cá trên ngư trường trở nên khốc liệt. Ngoài những cuộc tranh chấp ở vùng khơi, ngư trường vùng lộng cũng đang cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng để giữ gìn trật tự, ổn định cho bà con yên tâm đánh bắt. Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, ngư dân tỉnh ta phần lớn đang đánh bắt bằng thuyền nhỏ, chuyên hành nghề câu, lưới rê ở vùng gần bờ. Những năm gần đây, việc các tàu dạ cào ngoại tỉnh khai thác trái phép vùng bờ thường xuyên gây ra nhiều vụ va chạm, xung đột trên biển. Trong các cuộc xung đột giành giữ ngư trường, bà con ngư dân nghèo của chúng ta thường chịu thiệt bởi phương tiện nhỏ bé và kiểu đánh bắt lẻ loi.

Triển khai kế hoạch bảo vệ vùng biển, đảo
Triển khai kế hoạch bảo vệ vùng biển, đảo

Thượng tá Trần Đức Phúc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết, đối với ngư dân khai thác trong vùng lộng, chiếc tàu tuần tra của lực lượng biên phòng là điểm tựa vững chắc để bà con yên tâm bám biển. Cũng vì vậy mà, mặc dù còn nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, phương tiện tuần tra chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng với tinh thần kiên quyết đấu tranh đẩy lùi nạn khai thác trái phép trên biển, từ năm 2013 đến nay, đồn đã phát hiện và xử lý 8 cặp tàu dạ cào, 3 vụ dùng thuốc nổ, xung điện. “Chúng tôi luôn xác định, để bà con ngư dân vững lòng bám biển, các lực lượng chức năng sẽ không nương tay đối với nạn khai thác bằng tàu dạ cào với hình thức tận diệt nguồn lợi hải sản và tàn phá ngư cụ của ngư dân nghèo.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng kiến thức về biển đảo và công tác an ninh, an toàn trên biển, tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngư dân yên tâm bám biển, các lực lượng luôn chủ động ứng phó với những hoạt động xâm lấn, vi phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng như các loại tội phạm trên biển.

Hiện nay, dự án bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững đang được triển khai, trong đó dành một nguồn lực đáng kể cho việc hỗ trợ bảo vệ ngư trường. Theo đó, bên cạnh tập trung cho hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ cộng đồng để phát hiện và phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng ngăn chặn, đấu tranh với các hiện tượng phá hoại ngư trường, xâm lấn vùng đánh bắt, dự án dành một nguồn kinh phí khá lớn để nâng cấp, trang bị phương tiện hoạt động cho các tàu kiểm ngư và xây dựng trạm kiểm tra của lực lượng kiểm ngư ở các vùng cửa lạch.

Ngư dân các xã ven biển đang trông chờ vào một lực lượng mạnh hơn với phương tiện hoạt động hiện đại hơn và tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả để bảo vệ ngư trường vùng lộng. Hơn thế, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế bền vững ở các địa phương vùng biển, xây dựng những vành đai ven bờ vững chắc để hậu thuẫn cho khơi xa.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast