“Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả” (Bài 5): Những cánh thư từ đảo xa

(Baohatinh.vn) - Nhân ái, điềm tĩnh là cảm giác đầu tiên chúng tôi cảm nhận được từ người phụ nữ đã nhiều năm lăn lộn nơi tuyến lửa khu bốn. Bà là Nguyễn Thị Đài (xóm 7, Xuân Thành, Nghi Xuân) - mẹ của 3 chiến sỹ đang ngày đêm ở Hoàng Sa.

>>Bài 4): Điểm tựa vươn khơi

Vững lòng xóm “Hoàng Sa”

“Nhà tui có 4 con trai thì 3 đứa đi bộ đội hải quân; rồi theo yêu cầu nhiệm vụ, tất cả chuyển sang cảnh sát biển (CSB) và kiểm ngư công tác tại Hoàng Sa. Cháu đầu là Nguyễn Xuân Viêng (43 tuổi) đi hải quân năm 1991, hiện là máy trưởng tàu kiểm ngư 761. Cháu Nguyễn Văn Ngọc (35 tuổi), Trung úy, máy trưởng tàu CSB 4033. Cháu út Nguyễn Văn Tú (25 tuổi), Thiếu úy phụ trách thông tin tàu CSB 2014” - bà Đài tự hào kể.

Báo Hà Tĩnh đến với lính đảo Trường Sa. Ảnh: Đức Thiện
Báo Hà Tĩnh đến với lính đảo Trường Sa. Ảnh: Đức Thiện

Như một cán bộ quân lực, bà Nguyễn Thị Đài nhớ vanh vách về số hiệu, vùng hoạt động của tàu các con và nắm rõ diễn biến phức tạp trên biển Đông. Chúng tôi hỏi: “Bà có lo cho các con không?”. “Lo thì không nhưng sốt ruột” - bà Đài cho biết. Vì cả 3 con trai đang thực thi nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc nên ngày nào tâm trí người mẹ cũng hướng về Hoàng Sa. “Mỗi lần nhận được điện thoại của các con, thấy mẹ sốt sắng, chúng lại động viên bố mẹ yên tâm. Sau mỗi cuộc điện thoại, bao giờ chúng cũng nhắc đến điệp khúc “tàu là nhà, biển cả là quê hương”. “Có lần bực quá, tôi hỏi thằng Ngọc, tàu là nhà, biển cả là quê hương, rứa choa và vợ con mi ở mô. Nhớ và thương mấy đứa quá nên tôi dỗi với chúng” - bà Đài cười mà khóe mắt rơm rớm.

Bà Đài kể, hôm xem thời sự, thấy tàu Trung Quốc đâm gãy mạn tàu kiểm ngư của ta, đang lo thì nhận được điện thoại của ông thông gia ở Quảng Ngãi gọi ra động viên. Ông ấy là dân biển, thường xuyên va chạm với tàu Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa nên nói: mình có chính nghĩa, các chiến sỹ của chúng ta chưa bao giờ run sợ trước bất cứ kẻ thù nào. Trong 3 đứa con đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa, 2 anh đầu đã lập gia đình và đang sinh sống ở Đà Nẵng, vì các con thường xuyên đi công tác nên ông bà nội thay nhau vào chăm sóc các cháu.

Cùng một tấm lòng hướng về Hoàng Sa, bà Phạm Thị Lộc (76 tuổi), bà nội của Thiếu úy Nguyễn Văn Thiện (24 tuổi) trên tàu CSB 2013 và Nguyễn Minh Chiến (21 tuổi) trên tàu CSB 4032 chưa bao giờ rời màn hình ti vi mỗi khi có chương trình thời sự. Mặc dù các cháu luôn gọi điện về động viên và hỏi thăm nhưng với bà Lộc: “Được nhìn thấy các cháu hiên ngang trên mỗi con tàu bảo vệ máu thịt của Tổ quốc là niềm kiêu hãnh lớn nhất của tuổi già”.

Trong vòng tay yêu thương

Mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng những ngày này, xóm 7, xã Xuân Thành - nơi có gần chục cán bộ, chiến sỹ CSB, kiểm ngư - bà con vẫn thao thức với từng bước đi của các chiến sỹ ở Hoàng Sa. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh nhưng điểm chung của họ là được sinh ra dưới những nếp nhà giàu truyền thống cách mạng và mỗi chiến sỹ luôn giữ tấm lòng kiên trung hướng về đất liền.

Những cánh thư từ quê nhà là nguồn động viên lớn lao giúp CBCS nơi đảo xa hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng. Ảnh: Đức Thiện
Những cánh thư từ quê nhà là nguồn động viên lớn lao giúp CBCS nơi đảo xa hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng. Ảnh: Đức Thiện

Suốt cả câu chuyện kể về Hoàng Sa, các gia đình cán bộ, chiến sỹ CSB, kiểm ngư, bà Nguyễn Thị Đài không quên bày tỏ tấm chân tình của bà con, láng giềng trong những ngày biển Đông “dậy sóng”. Những lúc mùa màng tất bật, nếu không có sự giúp đỡ của xóm làng thì 2 ông bà khó kham nổi việc đồng áng. “Ngày trước, cứ đến mỗi vụ thu hoạch, kiểu gì cũng có đứa cắt phép về giúp bố mẹ, biết năm nay các con bận làm nhiệm vụ nên bà con lối xóm ai cũng hăng hái đến giúp đỡ. Nếu gặp được người ra Hoàng Sa, tôi sẽ gửi ít khoai, lạc để các cháu cảm nhận rõ hơn về tình làng, nghĩa xóm” - bà Đài nói.

Gặp gỡ chính quyền địa phương để hiểu rõ hơn về công tác hậu phương - quân đội, tình cờ chúng tôi được gặp chị Trịnh Thị Hạnh, cán bộ chuyên trách dân số xã Xuân Thành. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm nhưng chị Hạnh vẫn tần tảo nuôi 2 con học xong đại học. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, Trung úy Nguyễn Quốc Hoàn (26 tuổi) đã trở thành Thuyền phó tàu CSB 2012. Trải qua những gian khó cuộc đời và là mẹ của một chiến sỹ CSB, hơn ai hết, chị Hạnh thấu hiểu được nỗi lòng của những người đang ngày đêm dõi theo từng bước chân của con cháu mình nơi tuyến đầu Tổ quốc. Sau mỗi ngày làm việc, chị lại đến tận các gia đình có con đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa để động viên, chia sẻ những khó khăn cũng như khẳng định niềm tin chính nghĩa về sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thành - Nguyễn Xuân Hồng cho biết, những ngày này, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể, mặt trận địa phương và bà con chòm xóm thường xuyên có kế hoạch giúp đỡ những gia đình có người thân đang công tác ở Hoàng Sa. Mới đây, các đoàn công tác Quân khu 4, của tỉnh… cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình.

Tạm biệt bà Đài, chị Hạnh và những gia đình CSB, kiểm ngư ở “xóm Hoàng Sa” xã Xuân Thành, nắng chiều đã ngả sang sắc đỏ. Văng vẳng trên loa phóng thanh là những lời thơ xúc động của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa…/Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh…

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast