Tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 lên đến 341,75 nghìn tỷ đồng

Nhu cầu vay nợ của Chính phủ giai đoạn tới ra sao, đảm bảo an toàn nợ công thế nào, nguồn chi đầu tư phát triển năm 2016 là bao nhiêu…. là một loạt các vấn đề liên quan đến ngân sách đã được người phát ngôn của Chính phủ giải đáp trong thông báo tại phiên họp báo chiều tối ngày 29/10.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 29/10.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 29/10.

Chi đầu tư phát triển chiếm 25,1% tổng chi NSNN

Trả lời câu hỏi con số chi đầu tư triển của năm 2016 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn NSNN năm 2016 là 255,75 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254 nghìn tỷ đồng). Nếu tính cả chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 60 nghìn tỷ đồng, nguồn thu xổ số kiến thiết 26 nghìn tỷ đồng thì tổng chi ĐTPT năm 2016 lên tới 341,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN. Con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập là vốn ngân sách Trung ương trong nước và chỉ là một phần trong tổng chi ĐTPT nêu trên.

Ngoài ra, Chính phủ dự kiến còn sử dụng nguồn bán một phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp (DN) để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TP.HCM.

Bội chi sẽ giảm dần trong các năm tới

Đối với câu hỏi về tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 từ 3,02 đến 3,09 triệu tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280 nghìn tỷ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định, liệu có đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 6,5% - 7%/năm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến. Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Theo định hướng kế hoạch NSNN 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân (tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành) sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015.

Và để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, Chính phủ đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, chính sách về thu, chi NSNN. Đối với thu NSNN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN, hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.

Đối với chi NSNN, đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn. Bố trí cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý, rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương. Với mức bội chi NSNN dự kiến như trên, nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Một phần tiền thoái vốn dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Trước vấn đề được dư luận quan tâm về việc số tiền thoái vốn sẽ được dùng như thế nào, phương thức thoái vốn ra sao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về định hướng sử dụng một phần số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TP.HCM.

Phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện theo quy định. Lộ trình thoái vốn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương thức thoái vốn cho từng DN cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện nhằm đạt được lợi ích cao nhất. Các nhà đầu tư có đủ năng lực đều có thể tham gia mua cổ phần của các DN nói trên theo giá thị trường.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast