Trả lại màu xanh cho rừng

(Baohatinh.vn) - Là một trong những địa phương phải cắt chuyển nhiều diện tích rừng sang mục đích sử dụng khác theo quy hoạch, những năm qua, Hà Tĩnh đã làm khá tốt việc trồng thay thế, hoàn trả màu xanh cho những cánh rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống...

Theo thống kê, từ năm 2007-2013, trên địa bàn Hà Tĩnh có gần 1.000 ha rừng của 53 tổ chức, đơn vị chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Trong giai đoạn này, dù cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, các bộ, ngành T.Ư cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc trồng rừng thay thế gặp nhiều lúng túng, thiếu cơ sở thực hiện, các chủ dự án không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế hoặc không nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh theo quy định.

Hơn 7 năm qua, Hà Tĩnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội, bình quân mỗi năm trồng khoảng 4.000 ha rừng

Hơn 7 năm qua, Hà Tĩnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội, bình quân mỗi năm trồng khoảng 4.000 ha rừng

Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn trả màu xanh cho rừng, tỉnh vẫn tiến hành thực hiện việc trồng thay thế số diện tích rừng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch. Hơn 7 năm qua, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội, bình quân mỗi năm trồng khoảng 4.000 ha rừng. Qua đó, góp phần làm giàu vốn rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ rừng...

Đặc biệt, khi Thông tư 24 ngày 6/5/2013 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc trồng rừng thay thế có hiệu lực, chủ rừng và các cấp, ngành đã vào cuộc đồng bộ và hiệu quả hơn... Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và công bố đơn giá trồng rừng thay thế trên địa bàn với mức 30.268.000 đồng/ha/năm đối với giai đoạn 2013-2015 và sang năm sau trở đi là 41.360.000 đồng/ha.

Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã tiến hành xây dựng bộ hồ sơ mẫu cho các đơn vị có diện tích rừng chuyển đổi thực hiện, cùng với Sở Tài chính hướng dẫn các vấn đề liên quan đến hồ sơ thanh quyết toán và kinh phí, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định phương án trồng rừng thay thế theo quy định...

Cánh rừng gỗ dổi mỡ tái sinh ở Sơn Hồng (Hương Sơn). Ảnh: Đậu Bình

Cánh rừng gỗ dổi mỡ tái sinh ở Sơn Hồng (Hương Sơn). Ảnh: Đậu Bình

Hơn 2 năm qua, Hà Tĩnh đã cắt chuyển mục đích sử dụng trên 444 ha rừng, trong đó, gần 284 ha cho dự án xây dựng công trình thủy điện Hương Sơn và Hố Hô, số còn lại phục vụ các mục đích khác. Theo phản ánh của các ngành chức năng, các chủ dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh ta dù không trực tiếp trồng rừng thay thế nhưng đều chấp hành khá nghiêm túc nhiệm vụ này bằng cách xin nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng với tổng số tiền hơn 14.702 triệu đồng.

Ngoại trừ Vườn Quốc gia Vũ Quang và UBND huyện Lộc Hà xin tự xây dựng phương án và tự trồng gần 42 ha rừng thay thế với số tiền gần 468 triệu đồng, số còn lại được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh điều tiết cho các đơn vị để trồng gần 403 ha rừng. Việc trồng rừng thay thế được thực hiện trên cơ sở UBND tỉnh giao khối lượng thực hiện, Sở NN&PTNT thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và Sở Tài chính, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thẩm định, bố trí vốn...

Các đơn vị tham gia trồng rừng thay thế đã có nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện để cơ bản bù lấp số diện tích rừng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo đó, năm 2014, đã có 215 ha rừng được trồng thay thế. Năm 2015, các đơn vị đang gấp rút trồng nốt những diện tích cuối cùng để hoàn thành mục tiêu trồng hơn 202 ha theo kế hoạch đề ra.

Trả lại màu xanh cho rừng ảnh 3

Triển khai dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Hà Tĩnh phải chuyển đổi mục đích sử dụng rất nhiều diện tích rừng với lượng gỗ tận thu ước khoảng 23.503 m3. Số diện tích rừng này đã và đang được tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai trồng thay thế.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2015, đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích gần 125 ha. Đến thời điểm này, đã đạt khoảng 80%, số diện tích còn lại dự kiến hoàn thành trước 31/12. Dự kiến, năm 2016, đơn vị trồng khoảng 150 ha theo chỉ tiêu của UBND tỉnh và hiện chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chủ động trong các khâu nhằm trồng rừng thay thế đảm bảo cả về diện tích lẫn chất lượng”.

Việc trồng rừng thay thế không chỉ giúp hoàn trả màu xanh cho những cánh rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn thể hiện tinh thần vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, ngành đối với “lá phổi xanh” của sự sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast