Trọn vẹn mùa gặt bội thu

Cơ bản diện tích lúa hè thu chạy nhanh hơn lũ đã khiến cho bà con nông dân toàn tỉnh thở phào nhẹ nhõm vì có một mùa gặt trọn vẹn. Thành công từ mùa sản xuất khó không chỉ đưa đến những niềm vui nhân lên gấp bội mà còn để lại nhiều bài học quý…

Được mùa nhờ giống lúa…

Phải nói rằng tiết nhuần âm lịch đã khiến cho vụ thu hoạch lúa hè thu năm nay diễn ra một cách khá thư thả, thoải mái. Sau trận mưa xuất hiện sớm của đầu mùa lũ, thời tiết trở lại nắng ráo gần 1 tháng, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. Đẩy lùi khó khăn về sự chậm trễ của thời vụ (chậm 15- 20 ngày so với kế hoạch), có thể nói đây là năm hiếm hoi mà tiến độ thu hoạch lúa hè thu đảm bảo khung lịch định sẵn. Bắt đầu lẻ tẻ từ đầu tháng 9, đến khoảng giữa tháng không khí gặt trở nên sôi động và bắt kịp điểm mốc 20/9 với con số đáng tự hào 80% diện tích lúa hè thu đã thu hoạch gọn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh gần như đã hoàn thành thu hoạch lúa với năng suất bình quân đạt 44,8 tạ/ha. Trong đó, VTNA2, VS1, TH3-3, Bắc thơm 7 đạt năng suất 57- 60 tạ/sào, vượt xa những giống lúa được xem là “cứu tinh” trên đồng ruộng một thời như Nhị ưu 838, HT1 hay xuân mai, KD 18… Một số địa phương triển khai thu hoạch sớm như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh và các xã bãi ngang thuộc huyện Thạch Hà. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Mục tiêu của vụ sản xuất hè thu là an toàn và ăn chắc. Theo đó, giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 100 ngày) và chất lượng cao là yếu tố cốt lõi nhất, đóng vai trò điều hành sản xuất và sự thành công của mùa vụ hè thu. Đây chính là bước đà cho vụ xuân 2013 với khả quan chỉ sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng và có giá trị hàng hóa”.

Mô hình VTNA2 ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đánh dấu sự thành công của liên kết "4 nhà"

Mô hình VTNA2 ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đánh dấu sự thành công của liên kết "4 nhà"

Thực tế đã được chuyển động từ mấy năm nay nhưng qua vụ hè thu này thì cuộc cách mạng chuyển đổi bộ giống lúa mới thực sự được định hình rõ nét, tạo sức lan tỏa lớn trên toàn tỉnh. Không chỉ đảm bảo thu hoạch đúng thời vụ, cho năng suất cao, khắc phục được nhiều bệnh dịch, quan trọng bộ giống chủ lực mới giải quyết được phần nào thực trạng “trăm hoa đua nở” về giống lúa. Toàn tỉnh gieo cấy 40.378 ha thì hơn một nửa diện tích lúa hè thu do giống ngắn ngày làm chủ với các giống chủ đạo: PC6, VTNA2, QR1 và TH3-3. Tất nhiên, bên cạnh chính sách hỗ trợ giống hùng mạnh thì hiếm có năm nào sự vào cuộc của chính quyền các cấp lại quyết liệt và đồng bộ như như vụ hè thu vừa qua. Chính điều này đã tạo sự dịch chuyển mang tính đột phá trên đồng ruộng, thậm chí như ở Can Lộc có đến 90% diện tích sử dụng giống ngắn ngày hay Đức Thọ cũng không hề thua kém khi tỷ lệ đó chiếm trên 70%. Và điều đương nhiên, đây là hai trong số những huyện thu hoạch sớm nhất với năng suất trung bình 50- 51 tạ/ha. Chị Phan Thị Thanh Lương, xóm 2, Đức Thủy (Đức Thọ) cho biết: “Là vùng thường xuyên bị đe dọa lũ lụt, vùng này vốn đã có truyền thống làm giống ngắn ngày. Tuy nhiên, với sự đổi mới về giống lúa, năm nay chúng tôi không chỉ thu hoạch sớm hơn mọi năm cả tuần lễ mà năng suất còn cao vượt trội nữa. Ruộng nhà tôi sử dụng PC6, VTNA2, Bắc thơm 7 với năng suất 3- 3,2 tạ/ha”. Cùng niềm vui được mùa, chị Trần Thị Hương, cùng thôn chia sẻ: “Cái được nhất của năm nay là sử dụng ít loại giống. Lúa của cả xã phát triển đồng đều, rút ngắn được thời gian thu hoạch và không bị lẫn tạp giữa các giống”. Nối gót “đàn anh, đàn chị”, những loại giống mới như: VS1, RVT… cũng bắt đầu thể hiện nhiều tính năng thích ứng trên đồng đất Hà Tĩnh.

Hướng sản xuất hàng hóa: Cả doanh nghiệp và nhà nông đều có lợi

Cách đây chỉ ít tháng, bà con nông dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) còn dè dặt khi tiếp nhận chủ trương toàn xã sử dụng một loại giống VTNA2. Người ta e ngại có cái lý của họ, giống lúa mới, kỹ thuật mới lại sản xuất trên diện tích lớn 426 ha (chiếm 97% tổng diện tích), được mất chưa bàn nhưng trong thời điểm thị trường lúa gạo khó khăn, liệu loại giống này có chỗ đứng hay không! Ngoài được hỗ trợ 100% giống, điểm tựa để bà con yên tâm, tin tưởng chính là có sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp. Vừa đứng ra cho nông dân vay mua phân bón theo hình thức tín chấp, Tổng công ty CP VTNN Nghệ An vừa là đầu mối thu mua sản phẩm với cam kết cao hơn giá thị trường 10%. Kết quả, năng suất lúa đạt 57 tạ/ha, cao nhất trong các loại giống có mặt trên địa bàn. Tính ra, mỗi ha lúa cho thu lãi trên 9 triệu đồng khiến cho bà con nông dân ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Nông dân Nguyễn Thanh Vận cho biết: “Trước đây, gia đình phải tự bươn chải từ tìm giống lúa đến tiêu thụ. Bây giờ chỉ làm một giống VTNA2, vừa đỡ vất vả mà giá trị kinh tế lại gấp mấy lần”.

Giống lúa RVT...

Giống lúa RVT...

Theo thống kê của ngành chuyên môn, hơn 30% giống lúa hè thu này là những giống lúa chất lượng, có giá trị thương phẩm cao. Đây là tín hiệu vui khi tư duy sản xuất đã bắt đầu thay đổi, gắn với sản xuất gạo chất lượng là cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết “4 nhà”. Toàn tỉnh có 10 CĐML có quy mô từ 5- 10 ha, được quy hoạch liền vùng liền thửa và tuân thủ quy trình canh tác nghiêm ngặt. Sau VTNA2, giống lúa RVT của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương đã tạo được dấu ấn nhất định trong vụ hè thu năm nay. Có mặt khoảng 1000 ha tập trung ở Đức Thọ và Cẩm Xuyên, giống RVT cũng được xây dựng dựa trên hình thức liên kết vùng tạo ra những cánh đồng mẫu lớn. Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp Đức Thọ cho biết: “Vụ hè thu này toàn huyện sản xuất 849 ha giống RVT, được bố trí ở những vùng có diện tích sản xuất lúa lớn. Quá trình liên kết vùng với việc sản xuất một giống lúa đã đưa ruộng đồng quy về một mối, nhằm tăng chất lượng cho sản phẩm, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tích tụ ruộng đất”. Được biết, hiện nay RVT đang giành vị trí đầu bảng về giá trị kinh tế và được người tiêu dùng ưa chuộng. Dẫu luận chứng đã rõ mười mươi thì bà con ở vùng này vẫn đang chật vật tìm đường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Đơn giản, mô hình khuyết thiếu mối quan hệ sản xuất cốt lõi doanh nghiệp- nông dân.

...và VTNA2 để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân Đức Thọ

...và VTNA2 để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân Đức Thọ

Cũng phải nói thêm rằng, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện thì nhu cầu về lương thực cũng đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, trên thị trường Hà Tĩnh, lượng gạo chất lượng cao do người nông dân trực tiếp sản xuất và cung ứng chỉ chiếm từ 7- 10%. Còn lại là được nhập khẩu từ Thái Lan hoặc đặt hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó có thể là do vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa hạn chế hoặc cũng có khả năng sản phẩm của nông dân không thể tìm được thị trường?! Hai mô hình trên chính là chiếc gương phản chiếu trung thực và khách quan nhất về thực trạng của con đường sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Tổng công ty CPVTNN Nghệ An cho biết: “Thực tế, liên kết sản xuất kinh doanh giữa người nông dân và doanh nghiệp buộc mỗi bên đều phải chịu trách nhiệm và hưởng quyền lợi như nhau. Điều này khiến cho mối quan hệ DN- nông dân thêm bền vững, doanh nghiệp hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật và bao tiêu còn nông dân phải đổi mới tư duy canh tác, đảm bảo nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan, câu chuyện hơn- thua hôm nay sẽ là những bài học quý giá cho cả chặng đường dài sản xuất lúa gạo hàng hóa. Nói gì thì nói, muốn để CĐM thực sự lớn thì doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ công, đứng ra thiết kế đầu ra, đầu vào trước khi xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản phẩm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast