Từ năm 2016, thực hiện lộ trình giá dịch vụ cho đơn vị sự nghiệp công

Theo Bộ Tài chính, việc đẩy nhanh lộ trình tính đúng tính đủ chi phí sẽ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hạch toán đầy đủ gắn với hiệu quả hoạt động công khai, minh bạch.

Từ năm 2016, thực hiện lộ trình giá dịch vụ cho đơn vị sự nghiệp công ảnh 1

Đến năm 2020, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai cách tính giá với dịch vụ công

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cho biết, giá, phí là vấn đề hết sức quan trọng để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn. Đây là nội dung mà Nghị định 43/NĐ-CP ngày 25/4/2016 chưa giải quyết.

Để khắc phục, dự thảo Nghị định sửa đổi đã quy định các điều về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN.

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN: đơn vị được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.

Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN: Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân như sau:

Đến năm 2015, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Riêng đối với một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục phí, dự thảo quy định đối tượng này được thu phí theo các quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Căn cứ vào tình hình thực tế, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương quyết định đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trọng tâm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính sự nghiệp công là xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp nói chung, đồng thời chấp nhận giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.

Đẩy nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí

Những thay đổi trong chính sách giá, phí với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo Bộ Tài chính, xuất phát từ thực tế, một số sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công Nhà nước hiện vẫn duy trì chính sách định giá thấp hơn chi phí cần thiết cung cấp cấp dịch vụ (như học phí, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…), nên dẫn đến Nhà nước hỗ trợ qua giá đối với tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, không phân biệt đối tượng giàu, nghèo, có mức thu nhập khác nhau.

Mặt khác, do thu thấp hơn chi phí nên các đơn vị không có điều kiện hạch toán đầy đủ chi phí và có tích lũy để tái đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến đề nghị lộ trình như sau:

Đến năm 2016, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phi trực tiếp (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018 trở đi, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sàn cố định); Đến năm 2020, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên Bộ Tài chính thấy rằng, đẩy nhanh lộ trình tính đúng tính đủ chi phí sẽ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hạch toán đầy đủ gắn với hiệu quả hoạt động công khai, minh bạch.

Đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp cần thiết. Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xin được giữ nguyên như dự thảo Nghị định.

Trước đó, tại cuộc họp về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trọng tâm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính sự nghiệp công là xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp nói chung, đồng thời chấp nhận giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.

Bộ Tài chính và một số bộ, ngành nhất trí, những đơn vị sự nghiệp công lập đã đủ điều kiện tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự có thể chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ công theo giá tính đủ chi phí (có cả chi phí khấu hao tài sản)./.

Theo Hoàng Lâm/Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast