Tỷ giá năm nay sẽ tiếp tục ổn định

Trong ba năm qua tỷ giá tiền đồng (VND) so với đô la Mỹ (USD) rất ổn định và phần lớn dự báo cho rằng tỷ giá năm 2014 tiếp tục ổn định. Vậy những yếu tố nào tác động đến tỷ giá?

Lý giải sự biến động tỷ giá

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Tỷ giá giữa hai đồng tiền là tỷ lệ trao đổi giữa đồng tiền này so với đồng tiền khác. Sự biến động của tỷ giá do chịu tác động trực tiếp bởi cung cầu ngoại tệ so với đồng nội tệ vào thời điểm giao dịch. Tại Việt Nam ngoại tệ được sử dụng để giao dịch chủ yếu là USD. Tỷ giá USD/VND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thả nổi có kiểm soát, còn tỷ giá các đồng tiền khác do thị trường quyết định. Tuy nhiên, ngay cả khi NHNN kiểm soát tỷ giá thì nó vẫn chịu tác động trực tiếp bởi cung cầu. Điều này thể hiện rõ nhất qua sự biến động tỷ giá của thị trường tự do.

Tỷ giá cũng chịu tác động bởi “nồng độ” ngoại tệ hoặc tiền đồng trong nền kinh tế. Một khi cung ngoại tệ trong nền kinh tế tăng lên thì sẽ làm tỷ giá giảm, đồng nội tệ lên giá. Ngược lại, cung nội tệ tăng thì làm cho tỷ giá tăng, tức đồng nội tệ mất giá. Cung ngoại tệ trong nền kinh tế được quyết định bởi các yếu tố như cán cân thanh toán (lượng ngoại tệ ròng ra vào một nền kinh tế), thay đổi dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương, mức độ tích trữ ngoại tệ của người dân, cung đồng nội tệ trong nền kinh tế.

Ngày 11-2-2011, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ mức 19.498 lên mức 20.875 VND/USD. Vào ngày 10-2-2014 tỷ giá trên thị trường được giao dịch quanh mức 21.155 VND/USD, tức chỉ tăng khoảng 1,38% trong suốt ba năm qua. Sự ổn định này của tỷ giá trong thời gian qua có thể dễ dàng lý giải dựa trên các nguyên lý đã nêu ở trên.

Thực vậy, cán cân thanh toán của Việt Nam trong suốt ba năm qua luôn thặng dư khá lớn với mỗi năm 1,5-4 tỉ đô la Mỹ. Nguyên nhân, Việt Nam đã chuyển từ việc nhập siêu hàng chục tỉ đô la mỗi năm trước đó sang cân bằng cán cân thương mại hàng hóa trong hai năm qua. Các dòng vốn vào như đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FPI) và kiều hối vẫn tiếp tục chảy vào khá tích cực.

Một nguyên nhân có tính quyết định khác đó là tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm khá mạnh. Tính hết năm 2013, tổng tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm xuống dưới 12%, từ mức hơn 20% trước đó. Như vậy, người dân thay vì giữ ngoại tệ trong túi hoặc gửi tại ngân hàng họ đã bán ngoại tệ ra thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế tăng lên, còn cầu cho việc tích trữ giảm. Chính nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào này mà dự trữ ngoại tệ của NHNN hiện nay ước đạt khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng hơn gấp đôi so với hồi đầu năm 2011.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho tỷ giá ổn định chính là cung tiền đồng trong những năm vừa qua cũng tăng chậm hơn rất nhiều so với những năm trước. Cụ thể, tăng trưởng cung tiền M2 trong ba năm qua chỉ tăng trung bình 15%/năm, thấp hơn nhiều so với mức hơn 30% những năm trước đó. Điều này làm giảm hiệu ứng “pha loãng” tỷ giá.

Tỷ giá năm 2014 sẽ biến động ra sao?

Đầu năm 2014, VnEconmy đã khảo sát 16 chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp về biến động tỷ giá. Kết quả, sáu người dự báo tỷ giá năm 2014 tăng khoảng 3%, tám người dự báo tỷ giá tăng khoảng 2%, chỉ có hai người dự báo khoảng 1%. Như vậy, hầu hết những chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều dự báo mức tăng tỷ giá khá thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao hơn rất nhiều so với trung bình ba năm vừa qua. Kết quả này cũng khá tương đồng với kết quả dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước.

Vào khoảng thời gian này năm trước tỷ giá đã có một sự biến động khá mạnh. Có thời điểm tỷ giá trên thị trường tự do lên đến gần 22.000 VND/USD. Lúc đó, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên phá giá tiền đồng. Vào cuối năm 2013, Chính phủ dự định phá giá VND khoảng 2% vào cuối năm vì nó đang được định giá quá cao so với USD, nhưng lại không thực hiện.

Ngoài điểm tích cực thì việc tỷ giá ổn định suốt ba năm vừa qua cũng khiến cho không ít người lo ngại. Tiền đồng đang được cho là định giá cao hơn các ngoại tệ khác và ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định tỷ giá có phải là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước hay chỉ do sự suy yếu chung của nền kinh tế.

Năm 2014, Việt Nam có thể nhập siêu trở lại do nhu cầu nhập khẩu tăng bởi việc gia tăng đầu tư trong nền kinh tế. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ không lớn. Trong khi đó dòng tiền vào nền kinh tế là FDI và kiều hối được dự báo vẫn được duy trì ở mức khá cao. Ngoài ra, dòng vốn FPI năm 2014 được dự báo sẽ vào Việt Nam mạnh hơn. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán.

Tình trạng đô la hóa hiện nay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Đây là một trong những thành công của NHNN trong việc kiểm soát việc giao dịch bằng ngoại tệ. Năm 2014, nếu không có biến động thực sự lớn trong nền kinh tế hoặc từ chính sách thì cũng rất khó có một cơn sốt tỷ giá bởi đầu cơ. Cuối cùng, yếu tố quan trọng góp phần làm tỷ giá “không bị pha loãng” là cung tiền đồng cũng khó tăng mạnh bởi sự suy yếu của nền kinh tế.

Như vậy, qua các phân tích trên có thể thấy tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2014. Mức tăng nếu có cũng chỉ khoảng 1%.

Hồ Bá Tình

Nguồn: TBKT Sài Gòn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast