Vận hành thử trạm thu phí điện tử đầu tiên

Sáng 13/3, Công ty cổ phần Tasco đã tiến hành kiểm thử hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên tại trạm thu phí Km604+700 Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Bình.

Vận hành thử trạm thu phí điện tử đầu tiên ảnh 1

Thử nghiệm hệ thống trạm thu phí không dừng đối với các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)



Đây là hoạt động chuẩn bị cho việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống này, dự kiến bắt đầu từ ngày 30/4 tới đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Công ty cổ phần Tasco và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thí nghiệm tại 3 trạm thu phí gồm Hoàng Mai, trạm Km604+700 Quốc lộ 1 và trạm Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh để rút kinh nghiệm, trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa-Cần Thơ và Quốc lộ14-đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng lần lượt áp dụng công nghệ thu phí này cho tất cả các tuyến đường bộ trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, cho biết qua thời gian triển khai trạm thu phí không dừng, Tasco và BIDV đã mạnh dạn tìm hiểu và chuyển giao công nghệ từ Đài Loan đưa vào sử dụng thành công và đạt kết quả tốt.

Tại trạm kiểm thử hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, phía Tasco cũng đưa ra 6 tình huống xe qua trạm thu phí tự động có thể xảy ra trong quá trình thu phí thực tế để chứng minh hệ thống có thể hoạt động tốt với tất cả các loại xe đang lưu thông trên các tuyến đường hiện nay.

Vận hành thử trạm thu phí điện tử đầu tiên ảnh 2

Sáu tình huống xe qua trạm thu phí tự động có thể xảy ra trong quá trình thu phí thực tế.


Việc công nghệ thu phí điện tử và kiểm soát tải trọng xe được đưa vào sử dụng cho các tuyến đường bộ sẽ phát huy được các lợi ích về kinh tế-xã hội cho nhà đầu tư, các chủ phương tiện và các cơ quan quản lý đường bộ.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án, công nghệ sẽ giúp nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho các công tác in vé. Các chủ phương tiện tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền. Các cơ quan quản lý đường bộ không chỉ giảm được chi phí sửa chữa cầu đường mà còn tiết kiệm chi phí cho các trạm cân lưu động và nhân lực cho các trạm thu phí thủ công.

Bên cạnh đó, công nghệ này cũng góp phần làm giảm thiểu khí thải độc hại, tăng tuổi thọ động cơ phương tiện và giúp cho các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả các phương tiện.

Theo Vietnam+

Chủ đề Xe Quá khổ - Quá tải

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast