Vào AEC, thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam

Cộng đồng kinh tế ASEAN- AEC đã chính thức hình thành. Điều này tạo nên môi trường kinh doanh mới và xuất hiện nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành kể từ ngày cuối năm 2015. Điều này sẽ giúp DN Vệt Nam sẽ bước vào sân chơi lớn hơn, không chỉ thị trường của 90 triệu dân nữa mà với một tâm thế lớn hơn với 600 triệu dân và những cuộc cạnh tranh, thách thức cam go, khốc liệt hơn.

Khi Cộng đồng AEC chính thức hình thành, sẽ tạo thành một khối thống nhất về sản xuất, thương mại và đầu tư khi đây là thị trường duy nhất và là một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.

Doanh nghiệp cần tự đổi mới chính mình khi gia nhập AEC. Ảnh báo Diễn đàn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần tự đổi mới chính mình khi gia nhập AEC. Ảnh báo Diễn đàn doanh nghiệp.

Với kỳ vọng mở ra một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. AEC sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các DN Việt Nam khi có cơ hội trao đổi hàng hóa, thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ.

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều trăn trở được chính các nhà điều hành, quản lý của Chính phủ đưa ra khi nói đến Cộng đồng AEC. Với hội nhập quốc tế trong đó hội nhập kinh tế làm trọng tâm, đối với việc hình thành Cộng đồng AEC, Việt Nam và Singapore được đánh giá là hai nước đi dầu trong thực hiện các cam kết.

Thế nhưng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lại bày tỏ nỗi lo lắng khi dẫn ra con số đáng giật mình về sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về AEC.

Theo đó, Việt Nam lại là một trong những nước nhận thức về ASEAN còn hạn chế, khi có tới 60 – 80% các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết nhiều và chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam đang tranh thủ được những cam kết trong cộng đồng AEC.

“Khi AEC được hình thành thì nhân tố thụ hưởng chính là DN, nhưng nếu nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế như vậy thì những cam kết của ta, với trên 90% cam kết và các chính sách đưa ra, sẽ không thể tận dụng được” – Phó thủ tướng lo ngại.

Cũng theo Phó thủ tướng, hiện các nước ASEAN trong nội khối rất quan tâm để tranh thủ điều kiện thuận lợi từ Cộng đồng AEC mang lại. Song với DN Việt Nam lại không tập trung đến thị trường này mà chỉ quan tâm các thị trường phía xa, nên chưa tận dụng được các thuận lợi của ASEAN mang lại.

Theo phân tích của ông Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế Chính trị thế giới trên báo Diễn Đàn doanh nghiệp, nhiều thách thức không nhỏ khi doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi gia nhập AEC.

Thứ nhất, các doanh nghiệp đều có qui mô rất nhỏ, hiện nay đến 85% số DN có doanh thu đạt 20 tỷ đồng, chưa bằng 1 triệu đôla. Thứ hai, tất cả đều thiếu lao động có kỹ năng, và vì vốn ít họ chỉ có thể sở hữu công nghệ trung bình và lạc hậu.

Và điều này giải thích. Thứ ba, các doanh nghiệp này đều có năng suất lao động thấp. Nếu so năng suất lao động giữa các đối tác trong khối AEC thì năng suất lao động Singapore cao hơn Việt Nam gấp 18 lần, Malaysia gấp 6,6 lần Thái lan gấp 2,7 lần Philippine và Indonesia gấp 1,8 lần.

Thứ tư, một nhược điểm lớn nữa là doanh nghiệp Việt Nam có mức độ liên kết rất yếu. Thứ năm, phương thức làm ăn về cơ bản chỉ quan tâm đến những cái lợi ngắn hạn, mà chưa có ý thức kinh doanh bài bản, có tính chiến lược lâu dài.

Thứ sáu, các kiến thức về cách thức phân bố sản xuất tầm quốc tế là hoàn toàn thiếu. Do đó, khả năng tham gia cạnh tranh giành phần trong các chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế là rất thấp. Mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu rất thấp chỉ là 21%, thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Thứ bảy, còn non trẻ, yết ớt, thiếu kinh nghiệm như vậy nhưng các doanh nghiệp Việt Nam dường như cũng thiếu sự dìu dắt. Cuối cùng, không những thế các doanh nghiệp Việt Nam còn phải chống chọi với hàng nhập khẩu luôn ở vào thế giá rẻ hơn. Lý do là Việt Nam áp dụng một chế độ tỷ giá neo vào đồng đôla một cách cứng, và kéo dài.

Thậm chí, hiện nay khi đồng đôla lên giá do Fed tăng lãi suất trong khi ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản lại duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, và Trung Quốc đang thực thi phá giá đồng nhân tệ, đồng Việt Nam vẫn được neo vào đôla. Kết quả là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam không thể đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu môi trường kinh doanh, sản xuất mới, xây dựng chiến lược lâu dài không phải chỉ để có lợi nhuận trước mắt mà phải có ý đò xâm nhập vào các chuỗi sản xuất, cung ứng trên thế giới và khu vực.

Các doanh nghiệp cần có những nghiên cứu về chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực. Từ đó rút ra những kết luận về các chuỗi đó là gì, trình độ công nghệ và quản lý ra sao? Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại và phát triển mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận thức rõ.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast