Vì sao phải truy thu 345 tỷ đồng thuế xăng dầu?

Số tiền truy thu thuế quá lớn, doanh nghiệp quay sang đổ lỗi cho cơ quan quản lý Nhà nước...

(Ảnh minh họa)

“Xơi” không tiền thuế

Lợi dụng việc quy định cho phép xăng dầu tạm nhập tái xuất được lưu ở Việt Nam 120 ngày và có thể được gia hạn tới 2 lần, mỗi lần tối đa 30 ngày; Trong khi đó, Thông tư số 194, ngày 6/12/2010 hướng dẫn Nghị định 154 của Chính phủ, quy định xăng dầu được áp thuế tại thời điểm mở tờ khai hải quan chứ không phải thời điểm chuyển sang tiêu thụ nội địa, khi thuế nhập khẩu tăng lên, doanh nghiệp chỉ cần làm động tác thông báo xin chuyển lượng lớn xăng dầu tạm nhập tái xuất sang bán ở trong nước thì nghiễm nhiên “xơi” không phần chênh lệch thuế giữa hai thời điểm.

Năm 2012, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt thì chính sách tài khóa thể hiện ở một số chính sách thuế nới lỏng để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất. Điều này thể hiện rất rõ ở chính sách thuế đối với xăng dầu. Những tháng đầu năm 2012, thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ dao động từ 0 - 3%, từ thời điểm giữa năm đến cuối năm mức thuế đã tăng lên 10 - 12%.

Như vậy, nếu tính từ thời điểm ngày 10/3/2012 về trước, mức thuế nhập khẩu của xăng dầu là 0% và tính thêm 180 ngày xăng dầu tạm nhập tái xuất được phép lưu ở Việt Nam, thì ngày 10/6/2012 thuế nhập khẩu đã tăng lên 7%. Đến đây, thay vì phải tái xuất xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối lại chuyển sang tiêu thụ nội địa. Vì vậy, DN không phải nộp đồng thuế nào mà “xơi” không 7% thuế, bỏ túi hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn áp dụng thủ đoạn tạm nhập mà “quên” tái xuất để trốn thuế. Cuối năm 2012, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã lật tẩy những chiêu trò gian lận trốn thuế 422.000 lít xăng Ron 92 của Tổng công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) thông qua hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất. Thay vì phải tái xuất lô hàng này, Vinapco lại lén lút đưa xăng dầu vào nội địa để tiêu thụ, trốn nghĩa vụ đóng thuế.

Truy thu thuế là đúng

Trong bối cảnh nguồn thu suy giảm, phát hiện việc doanh nghiệp trục lợi từ chính sách, ngày 7/12/2012, ông Nguyễn Đức Chi, Chánh văn phòng Bộ Tài chính có Công văn số 17060, yêu cầu Hải quan các địa phương khi làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa cho DN xăng dầu “phải thay tờ khai hải quan theo quy định tại điều 9 Nghị định số 154 và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế”.

Điều này có nghĩa là sẽ phải truy thu hàng trăm tỷ đồng khi xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa.

Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, số tiền truy thu thuế đối với 7 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lên đến 345 tỷ đồng. Động thái này của Bộ Tài chính được các chuyên gia kinh tế nhận định là kịp thời và có trách nhiệm.

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, cho dù đã có 6/7 đơn vị nộp đủ số thuế truy thu 319 tỷ đồng theo yêu cầu của hải quan nhưng vẫn tỏ rõ sự không hài lòng. Điều này được thể hiện ở việc tranh cãi xung quanh tính chất pháp lý của công văn số 17060 do ông Nguyễn Đức Chi ký; việc Thông tư 194 vênh Nghị định 154.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty luật hợp danh Đông Nam Á, điểm d khoản 3, điều 37 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính có qui định không phù hợp khoản 3 điều 9, Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ. Thậm chí, không phù hợp nguyên tắc pháp luật, vì khi nhập xăng dầu DN nhập với mục đích tái xuất nên được một số ưu đãi. Do vậy, khi thay đổi mục đích nhập khẩu phải xác định thuế tương ứng với thời điểm thay đổi mục đích đó. Việc này tương tự như trường hợp thanh lý tài sản của nhân viên đại sứ quán, thuế nhập khẩu được tính tại thời điểm thanh lý, thời điểm tài sản chính thức được đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Trong trường hợp phát hiện có sự mâu thuẫn, không phù hợp của văn bản hướng dẫn, cơ quan áp dụng luật cần căn cứ khoản 2, điều 83 Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật để áp dụng: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Trường hợp này cần áp dụng khoản 3, điều 9, Nghị định 154/2005/NĐ-CP. Vì vậy, việc Bộ Tài chính tiến hành truy thu thuế là đúng.

Theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, thời điểm ban hành Thông tư 194/2010/TT-BTC phù hợp với chủ trương đường lối của Nhà nước, phù hợp tình hình xã hội. Nhưng thời điểm hiện tại, để tránh phát sinh thêm các vấn đề khác, Bộ Tài chính có thể căn cứ điều 9, điều 83 Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành Thông tư 194/2010/TT-BTC./.

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast