Vũ Quang: Ngổn ngang công trình hạ tầng sau lũ

Trận lũ diễn ra vào giữa tháng 10 đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề tại các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi ở huyện miền núi Vũ Quang. Mặc dù sau lũ các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đã tập trung tu sửa, khắc phục, song đến nay phần lớn hệ thống giao thông, thuỷ lợi nơi đây vẫn còn ngổn ngang, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, lao động sản xuất.

Đã hơn nửa tháng trôi qua, vậy nhưng đến với huyện miền núi Vũ Quang những hình ảnh về trận lũ dữ vẫn còn in đậm. Nhiều công trình hồ đập, kênh mương, nhiều tuyến đường bê tông, kè chống sạt lở… đã bị cuốn trôi theo dòng nước bạc.

Công trình Kè bờ sông Ngàn Trươi bị sạt lở nghiêm trọng sau lũ.
Công trình Kè bờ sông Ngàn Trươi bị sạt lở nghiêm trọng sau lũ.

Điển hình là tại công trình kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Trươi đoạn qua Thị trấn Vũ Quang với số vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng do liên doanh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Tài Miền Trung và Công ty cổ phần xây dựng 26/3 đang thi công bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuyến kè dài 1km, nhưng trong mưa lũ toàn bộ đất đắp mái cùng hàng trăm m3 cát, đá 1x2 đã bị tuồn xuống sông. Nhiều chỗ mái kè bị nước lũ khoét thành những vũng sâu hoắm. Ngoài ra các cấu kiện bê tông, khuôn chèn và hàng chục tấn sắt thép, xi măng cũng đã bị cát đá, rều rác vùi lấp, cuốn trôi.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Tài Miền Trung cho biết: Mặc dù đơn vị chúng tôi đã chủ động các phương án thi công công trình trong mùa mưa lũ, nhưng do nước dâng quá nhanh và chảy rất mạnh nên lúc đó việc phòng chống gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa thể thống kê chính xác những thiệt hại trên tuyến kè. Dù gặp khó khăn về nguồn vốn, song với tinh thần, trách nhiệm của mình chúng tôi đang huy động toàn bộ nhân công, máy móc để gia cố đắp lại mái kè đồng thời vớt vát một ít nguyên vật liệu, cấu kiện bê tông để thi công công trình, đảm bảo chất lượng.

Hoàn lưu cơn bão số 11 gây mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng và đã làm sạt lở, cốn trôi trên 23km đường giao thông nông thôn, khối lượng sạt lở ước tính khoảng 56.255m3. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 88 công trình cầu cống, sạt lở 2000m3 mái ta luy âm và dương đường tỉnh lộ 5, xói lở bồi lấp 3,4km kè bờ sông, 4,3km kênh mương nội đồng, 7 công trình hồ đập. Ngoài ra mưa lũ cũng đã làm ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng như: trường học, trạm y tế, tường rào tại các trụ sở làm việc của các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn trong huyện. (Nguồn: Ban chỉ huy PCBL huyện Vũ Quang)

Nếu như ở thượng nguồn các công trình hạ tầng bị tàn phá nặng nề do mưa lũ, thì ở vùng hạ lưu của huyện Vũ Quang những thiệt hại trên lĩnh vực này cũng không hề nhỏ. Tại tuyến đường tránh lũ nối từ tỉnh lộ 5 đi vào xóm 4 xã Đức Bồng nhiều chỗ đã bị sụt lở mái ta luy, bong tróc mặt đường, xói lở nghiêm trọng ở mố cống Nhà Lai.

Đã hàng chục năm sinh sống nơi rốn lũ, ông Lê Văn Thành một người dân ở xóm 4 xã Đức Bồng cho biết: Mố cống Nhà Lai bị xói lở một mặt do nước chảy quá mạnh nhưng mặt khác do đây được lắp đặt cống tròn nếu là cống hộp thì khả năng tiêu thoát nước sẽ tốt hơn. Bởi sau nhiều năm đưa công trình vào sử dụng, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở đồng Nhà Lai bị ngập úng quanh năm, người dân không thể cày cấy. Ông Thành mong muốn thời gian tới trong quá trình tu sữa, khắc phục lũ lụt các bên liên quan cần tính toán một cách kỹ lưỡng và nên có phương án thay thế cống tròn bằng cầu bê tông hoặc xây lắp cống hộp thì khả năng phòng chống lụt bão, tiêu thoát nước sẽ hiệu quả hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Ngay sau khi nước rút huyện phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, tổ công tác xuống tận cơ sở để nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại và phối hợp khắc phục hậu qủa mưa lũ. Trước mắt huyện chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân dân ra quân đào đắp các tuyến đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thuỷ lợi nội đồng để kịp thời khôi phục sản xuất vụ đông.

Cống Nhà Lai ở xã Đức Bồng bị sụt lở gây khó khăn trong việc đi lại và tiêu úng thoát nước.
Cống Nhà Lai ở xã Đức Bồng bị sụt lở gây khó khăn trong việc đi lại và tiêu úng thoát nước.

Riêng đối với các tuyến đường liên xã, đường vào các khu trang trại chăn nuôi tập trung và một số công trình hạ tầng khác thì mới chỉ khắc phục, sửa chữa được một phần, còn về lâu dài huyện đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh, các bên liên quan để có các chính sách hỗ trợ.

Hiện nay công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các công trình hạ tầng trên địa bàn Vũ Quang đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi nguồn ngân sách của huyện hạn hẹp, trong khi đó việc huy động nội lực trong nhân dân sau mưa lũ là rất khó khăn, vì phần lớn bà con đều bị thiệt hại khá nặng nề về sản xuất, đời sống. Ông Thanh cho biết thêm!

Khắc phục, sửa chữa kịp thời các công trình hạ tầng sau mưa lũ là hết sức cần thiết nhằm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân. Với huyện miền núi Vũ Quang nơi thường bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra thì việc khắc phục hậu quả lại càng trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Hy vọng rằng dù trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng các bên liên quan vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đến việc khắc phục thiệt hại ở các công trình hạ tầng thiết yếu, có như vậy thì người dân vùng lũ mới yên tâm, ổn định cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast