Xóa trà xuân sớm - Để chủ trương lớn thành hiện thực

Sau sự chuẩn bị khá dày dặn từ các vụ trước, vụ xuân năm nay được các cấp ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt với kỳ vọng lớn về một vụ sản xuất không còn trà xuân sớm và giống lúa IR1820. Tuy nhiên, kỳ vọng đó vẫn chưa thể trở thành hiện thực, bởi không ít những nguyên nhân. Một sự nhìn nhận đầy đủ và khách quan; một phương pháp chỉ đạo đúng trọng tâm, sát thực tiễn... mới có thể là hướng đi phù hợp để sớm hiện thực hóa chủ trương lớn của tỉnh.

Chặn nguồn giống IR1820

“Nếu không có giống, không có nguồn cung ứng giống thì người dân muốn làm cũng không được. Theo tôi, muốn triệt bỏ hoàn toàn được trà lúa xuân sớm và giống lúa 1820, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, cách tốt nhất là mạnh tay triệt bỏ nguồn cung ứng giống trên thị trường” - Ông Bùi Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND Thị trấn Nghèn (Can Lộc) đề xuất biện pháp bỏ giống lúa 1820 khi địa phương, với mọi nỗ lực đã gần như bất lực trước sự lựa chọn trong sản xuất của người dân.

Mạ giống IR1820 để cấy vụ xuân sớm trên cánh đồng của Thị trấn Nghèn - Can Lộc

Mạ giống IR1820 để cấy vụ xuân sớm trên cánh đồng của Thị trấn Nghèn - Can Lộc

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến trên. Không phải ngẫu nhiên mà ông lãnh đạo địa phương nêu quan điểm của mình như vậy, bởi theo ông, những cánh đồng xanh ngắt màu mạ 1820 ngoài kia, ngoài một lượng giống được để trong dân, không ít ruộng mạ có sự tiếp tay đắc lực của các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn, góp phần quan trọng làm phá vỡ chủ trương, kế hoạch cơ cấu mùa vụ của tỉnh.

Để khẳng định thông tin này, PV đã bằng nhiều cách tiếp xúc với những nông dân vừa mới mua giống IR1820 các công ty và cơ sở bán giống về gieo. Ban đầu họ rất e ngại trả lời, nhưng khi được động viên, thuyết phục, họ đều khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, nguồn giống 1820 trên thị trường hiện đang thoải mái đáp ứng nếu dân có nhu cầu.

Theo ông Phạm Bá Chương ở thôn 9, xã Thạch Mỹ (Lộc Hà), khi đến mua giống ở một cơ sở bán giống trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh, sau ít phút dè dặt, thăm dò, người bán dẫn khách vào lối sau và trao đổi mua bán giống ở đó với giá cao hơn một số giống khác; bao bì sản phẩm được giữ lại. Không chỉ người dân Lộc Hà, nhiều bà con ở Can Lộc, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh... đã khẳng định rằng, việc mua giống IR1820 là khá dễ dàng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số địa phương đang có diện tích trà xuân sớm cho rằng, khi nguồn cung không còn, giống 1820 theo đó sẽ mất đi, bởi đối với loại giống này, nếu chỉ để giống trong dân thì cùng lắm chỉ tồn tại được 2 vụ. Một chân lý giản đơn và không mới nhưng có lẽ rất nhiều ý nghĩa trong thời điểm hiện nay đó là, cần ngăn chặn từ gốc, đừng để “thả gà ra đi đuổi”.

Chỉ đạo thành công trà xuân muộn

“Trăm nghe không bằng một thấy”. Người dân chỉ thấy được những mô hình tốt, có hiệu quả thì không cần tuyên truyền, vận động nhiều họ cũng sẽ tự nguyện làm theo”. Đó là lời khẳng định của ông Phó chủ tịch xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) - Võ Tá Hiếu.

Là người từng lăn lộn với người dân trong sản xuất nông nghiệp, ông Hiếu cho biết, nếu biết khơi dậy được tinh thần tự nguyện, tự giác trong dân, tránh bớt sự áp đặt thì sự chỉ đạo sẽ dễ thành công hơn. Như ở xã ông, lâu nay trong thực hiện các phong trào sản xuất, địa phương thường tổ chức xây dựng các mô hình điểm trước, khi có kết quả mới tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân làm theo.

Bà con nông dân xã Kỳ Tiến - Kỳ Anh làm đất gieo lúa xuân trung

Bà con nông dân xã Kỳ Tiến - Kỳ Anh làm đất gieo lúa xuân trung

Tuy nhiên, đối với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ lần này, xã gặp nhiều khó khăn khách quan do điều kiện thổ nhưỡng kém, lại không có nguồn nước tưới nên không đạt được kết quả.

Cùng ý kiến với ông Hiếu, ông Phạm Hùng, một cán bộ về hưu ở xóm Yên Lạc - xã Quang Lộc - Can Lộc cũng cho rằng, người dân cũng biết giống 1820 có nhiều điểm yếu, nhưng rất khó từ bỏ do đã gắn bó lâu dài và từng phát huy được phẩm cấp của nó. Cộng với đó là tâm lý người dân muốn làm rải vụ để bớt dồn dập vào dịp tết. Bây giờ để sớm thay đổi được tâm lý đó, họ phải trông thấy được những mô hình có kết quả vượt trội để tự nguyện làm theo.

Trước nay, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ của địa phương đã có nhiều bước đột phá; từng đã có nhiều kết quả nhưng chưa triệt để và vững chắc, vì vậy chưa thực sự thuyết phục được người dân...

Xin được khẳng định thêm những ý kiến trên bằng sự thành công của mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu (giống VTNA2) của xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) ở vụ hè thu vừa qua. Với bộ giống tốt, quy trình liên kết sản xuất chặt chẽ, khoa học, mô hình thành công ngoài mong đợi, đã tạo ra niềm tin lớn về nguồn giống có phẩm cấp cao.

Sau thành công này, uy tín của bộ giống, của việc liên kết không chỉ dừng lại ở địa bàn Cẩm Xuyên mà còn lan tỏa đến tận hầu hết các địa phương trong tỉnh, tạo nên cơn khát giống VTNA2 trong vụ xuân 2013. Từ đó, không thể phủ định vai trò của loại giống mới này trong việc đẩy lùi giống cũ IR1820 ra khỏi tư duy của người nông dân. Và thực tế ở huyện Cẩm Xuyên, vụ đông xuân 2011-2012, toàn huyện có trên 55% diện tích gieo 1820; còn vụ xuân năm nay, việc tuyên truyền, vận động và chỉ đạo khá “nhàn” nhưng huyện đã triệt tiêu được giống IR 1820 trên 100% diện tích.

Bám sát thực tiễn để chỉ đạo

Muốn hay không, giống lúa IR1820 phải được sớm loại bỏ trên đồng ruộng tỉnh nhà. Tuy nhiên để việc “chuyển giao” giữa cũ và mới đạt được kết quả như mong muốn, thì cùng với giải quyết được những vấn đề nêu trên, có lẽ cần có sự đổi mới trong phương pháp chỉ đạo theo hướng bám sát hơn với thực tiễn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra tình hình sản xuất vụ xuân năm 2013

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra tình hình sản xuất vụ xuân năm 2013

Theo đó, trước tiên cần phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát đầy đủ về điều kiện canh tác của từng địa phương, từng tiểu vùng để đầu tư đồng bộ các điều kiện cần thiết, làm cơ sở đảm bảo cho việc tiếp nhận phương thức sản xuất mới.

Thứ hai là, tập trung chỉ đạo thành công sản xuất vụ đông - vụ sản xuất có vai trò “trung chuyển” giữa vụ hè thu và vụ xuân. Nếu không có vụ đông xen giữa, sẽ gây ra cho người nông dân tâm lý chờ đợi, đồng thời sau thời gian nghỉ quá dài, việc làm đất sẽ gặp khó khăn do cỏ dại phát triển và mặt ruộng bị nín chặt...

Thứ ba là trước mỗi vụ sản xuất, cần phải tổ chức tuyên truyền, vận động và chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, không để người dân bỏ công sức, của cải, thời gian ra thực hiện trên đồng ruộng, tạo ra “sự đã rồi”, rồi mới dốc sức ngăn chặn là hết sức khó khăn và gây nên nhiều hệ lụy.

Cuối cùng là phải có chính sách thỏa đáng riêng cho các địa phương khó khăn như: vùng sâu, vùng xa, vùng đất đai cao cưỡng, thiếu nước và đồng bào có đạo... trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi.

Thiết nghĩ, nếu bám sát và vận dụng tốt những nội dung nêu trên, chắc chắn sẽ sớm thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng bền vững; góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của tỉnh trong thời kỳ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast