Coi chừng mắc bệnh trọng từ lăn kim máu để trẻ hóa da

Trẻ hóa làn da bằng phương pháp lăn kim có sử dụng tế bào máu tự thân là cách thức được nhiều chị em ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhiễm HIV, viêm gan B và C.

Liệu pháp lăn kim trẻ hóa da bằng máu được thực hiện thế nào?

Lăn kim trẻ hóa da bằng máu là công nghệ lấy máu tự thân của người dùng, đem quay ly tâm để lấy ra một lượng huyết tương giàu tiểu cầu và sử dụng phương pháp lăn kim để đẩy các dưỡng chất trong huyết tương vào da mặt. Liệu pháp được cho là làm trẻ hóa làn da, còn được gọi với tên tiếng Anh là dịch vụ PRP - Platelet Rich Plasma (công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu) làm đẹp da mặt.

Liệu pháp PRP được ứng dụng trên toàn thế giới và được khá nhiều các ngôi sao Hollywood lựa chọn để làm đẹp. PRP được xem là xu hướng thẩm mỹ da khá thịnh hành và phát triển nhanh chóng với cái tên “trẻ hóa bằng máu”, “trẻ hóa bằng huyết tương”. Bản chất của phương pháp làm đẹp da bằng máu tự thân là lấy máu tự thân tái tạo vết thương như tiểu cầu, sau đó tiêm, bôi lên khuôn mặt, giúp da dẻ hồng hào, căng mịn.

Các kỹ thuật viên sẽ rút ra khoảng 30ml máu trong cơ thể khách hàng, sau đó cho vào thiết bị ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3-7 lần máu bình thường. Đây chính là huyết tương đã được làm giàu tiểu cầu, theo các nghiên cứu, huyết tương có chứa nhiều chất dinh dưỡng để tái tạo và hồi phục da. Khi sử dụng, PRP có thể được pha một số chất khác, ví dụ như các vitamin, filer, collagen... Nó được đưa vào các vùng cơ thể bằng các dụng cụ như kim tiêm hoặc kim lăn.

Các yếu tố tăng trưởng trong tiểu cầu khi được đưa vào da sẽ kích thích tăng sinh collagen và hình thành các mạch máu mới giúp trẻ hóa da, giảm hình thành nếp nhăn, trị sẹo rỗ, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây ôxy hóa...

Nguy cơ lây nhiễm chéo qua dịch vụ y tế không đảm bảo

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, do công nghệ PRP dùng máu tự thân của khách nên nếu quy trình an toàn và đúng chuẩn, khách hàng sẽ không có nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây lan qua đường máu. Ngược lại, nếu những vi kim nhỏ xíu hay các thiết bị khác không được xử lý hoặc khử trùng đúng cách giữa các lần điều trị, việc này có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm các bệnh lây qua đường máu, trong đó có HIV và viêm gan B, C.

Coi chừng mắc bệnh trọng từ lăn kim máu để trẻ hóa da

Huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp được ưa chuộng trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Mới đây nhất, nhà chức trách Mỹ đang điều tra về ít nhất 2 trường hợp bị nhiễm HIV trong số các khách hàng đã sử dụng dịch vụ PRP làm đẹp da mặt tại một cơ sở làm đẹp ở bang New Mexico. Kiểm tra trong phòng thí nghiệm đã xác nhận 2 bệnh nhân bị nhiễm cùng một virut, có khả năng do quy trình làm đẹp tại spa. Điều này càng dấy lên những lo ngại việc lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ dịch vụ làm đẹp này.

Do HIV lây nhiễm cơ bản qua 3 con đường chính là: qua quan hệ tình dục; qua đường máu; mẹ truyền sang con. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm qua đường máu là cao nhất. Máu còn là một trong những môi trường thích hợp bậc nhất cho HIV sinh trưởng, do có nhiều yếu tố nguy cơ như: dùng chung bơm, kim tiêm, qua truyền máu hoặc không may tiếp xúc với máu của người bị bệnh qua vết thương hở kể cả vết xước, vết cào gãi... nhất là lây chéo qua các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sắc đẹp, chăm sóc da đang tràn lan trong cộng đồng hiện nay.

Với các kỹ thuật có xâm lấn hay ít xâm lấn như liệu pháp PRP đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì người dân thường chủ quan và ít quan tâm đến việc được sử dụng các dụng cụ, thiết bị khử trùng không đúng cách. Nếu như ở bên ngoài, HIV dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất sát khuẩn; nó chỉ tồn tại trong không khí 32-36 độ C không quá 5 phút thì trong máu khô có thể tồn tại đến 2 giờ và trong bơm kim tiêm 2-7 ngày. Đây là điều rất nguy hiểm nếu không đảm bảo vô khuẩn, vô trùng các dụng cụ sử dụng.

Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm qua đường máu từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiện nay đang là vấn đề cần báo động. Do đó, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn, khử khuẩn trong các thao tác kỹ thuật (đặc biệt kỹ thuật có xâm lấn) dù nhỏ nhất dưới bất kỳ hình thức nào đều phải thực hiện đầy đủ. Vì vậy, chỉ có các cơ sở y tế được đào tạo bài bản mới có thể thực hiện quy chuẩn đảm bảo an toàn cho mọi người.

Trường hợp nào không được thực hiện lăn kim trẻ hóa da?

Việc lăn kim không đơn giản như nhiều người nghĩ, mà cần phải đặc biệt chú ý đến kỹ thuật lăn kim, người thực hiện thủ thuật này phải đánh giá, loại trừ các bệnh lý của da, mức độ thương tổn da, điều kiện thực hiện kỹ thuật đối với từng bệnh nhân cụ thể để lựa chọn kim lăn phù hợp, không phải trường hợp nào cũng lăn kim giống nhau.

Lăn kim có tác dụng tốt cho làn da. Thế nhưng, phương pháp này sẽ mang đến những biến chứng khôn lường nếu người dân không lựa chọn cơ sở uy tín, tiến hành theo quy trình trước, trong và chăm sóc đúng cách sau lăn kim. Các chuyên khoa da liễu từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng nặng sau làm đẹp tại các cơ sở làm đẹp bên ngoài. Đặc biệt trong đó có không ít bệnh nhân đến “cầu cứu” bác sĩ vì biến chứng sau lăn kim, có bệnh nhân bị “cày nát” mặt, bùng phát trứng cá, viêm da bội nhiễm, viêm da mủ...

Đối với thủ thuật lăn kim, các chuyên gia cũng khuyến cáo chống chỉ định cho bệnh da lây nhiễm, ung thư da, da có vết thương, trứng cá hoạt động, bệnh nhân đang xạ trị, mắc đái tháo đường, các bệnh rối loạn đông máu, bệnh lý khác không rõ nguyên nhân, mang thai và cho con bú. Do đó, những đối tượng này không nên thực hiện.

Vì vậy, mọi người cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm đẹp bằng bất kỳ phương pháp nào, trong đó có lăn kim. Chị em nên đến các cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa da liễu để thực hiện tránh tai biến đáng tiếc xảy ra khiến “tiền mất tật mang”.

Theo BS Quang Minh/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast