"Nay da em nâu, tươi màu suy nghĩ"

“Ngăm ngăm da trâu, nhìn lâu cũng được”... Màu da ấy khác với sắc da trắng mượn công nghệ mỹ phẩm dựng nên, phải chăm chút từng ly...

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Trong khi cả nam lẫn nữ có thể sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để tẩy trắng da, sẵn sàng hy sinh cả sức khỏe để liều mình tiêm thuốc mong cầu da trắng lóa, mà đi khen làn da nâu chẳng phải là chuyện rất không hợp thời sao?

Nhưng thẩm mỹ cá nhân luôn có biện giải riêng, ngay cả quy chuẩn về vẻ đẹp cũng chỉ mang tính thời đoạn, nên nếu có thích một làn da nâu thì cứ tự hào mà nhận. Câu hát “Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã có nhiều người kêu rằng khó hiểu, nhưng ý hướng ngợi ca làn da được sưởi ánh nắng của câu ca thì rất rõ ràng.

Da nâu, hay da bánh mật chinh phục người nhìn trước tiên ở tính chất khỏe mạnh. Màu nâu ấy mang trong mình một quá trình lao động dài lâu, chứa bên trong sự rèn luyện bền bỉ… Một nét đẹp khỏe mạnh luôn mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người thưởng thức hay sở hữu.

Nhớ ngày học trung học, nghe bọn bạn tôi bàn tán về làn da trắng của cô bạn trong lớp, mẹ tôi chỉ cười bảo “muốn có da trắng dễ mà mấy con, cứ ở trong nhà lâu lâu là được, chứ muốn nâu giòn như cô thì dang nắng ngoài ruộng lâu lắm nghen”.

Bọn bạn và cả tôi đều cười. Chúng tôi còn quá trẻ cho những trải nghiệm về cái đẹp, làn da nâu hữu ích ấy như một bức tranh nhiều ẩn ngữ, người xem cần phải có trải nghiệm, có vốn sống để biết được mình đã phải lòng bức tranh ấy vì sao.

Đến ngày tôi biết một cô gái thú vị hơn trò bắn bi như thế nào, thì cô gái đầu tiên lẻn vào giấc mơ tôi cũng có một làn da như thế. Đó là cô gái rất bình thường, khác với những cô tiểu thư trắng tinh khôi là niềm mơ của những chàng trong lớp, cô nhỏ bé, lặng lẽ, làn da nâu phẳng bóng.

Cô cũng là con nhà nông, buổi tới trường, buổi làm đồng, quen các loại nông cụ như quen mặt chữ. Cô lặng lẽ trong lớp nhưng việc gì cần đến, cô đều tham gia. Buổi cắm trại, một nồi cơm to tướng không biết cách nào cho chín, cô vần cơm, thổi lửa, ủ than lên nắp… má cô ửng đỏ.

Cái màu nâu ửng ấy, tôi không biết danh họa nào diễn tả được, đó là màu của mặt trời vừa nhô lên khỏi đêm đen, chớm thôi nhưng cho ta yêu thương và hy vọng. Tôi không biết đó có phải là điều thực sự màu da bánh mật nói lên hay chỉ cá nhân tôi, kẻ đã bị màu da ấy ám vào cái nhìn. Tất nhiên, cô đi ra khỏi giấc mơ tôi cũng thật thản nhiên, nhưng màu sắc ấy đã thay đổi cuộc đời, thay đổi thẩm mỹ của tôi.

“Ngăm ngăm da trâu, nhìn lâu cũng được”, tôi không cần nhìn lâu đến thế. Màu da ấy khác với sắc da trắng phải mượn công nghệ mỹ phẩm dựng nên, phải chăm chút từng ly, bảo vệ từng tí.

Màu da không đổi dưới nắng vàng, có thể khoe nụ cười trắng duyên. Màu da có thể mặc mọi chiếc áo ngắn tay hay sát nách mà không lo một vết tàn nhang hay vết nám có thể “tố cáo” mình. Màu da không đổi dưới mọi hoàn cảnh, dưới mọi dạng thức ánh sáng, luôn là mình, khỏe mạnh và tự tin.

Tôi cứ hay hình dung việc một cô gái muốn có làn da trắng khác biệt, mỗi đêm và mỗi sáng đều phải mất rất nhiều thời gian ngồi trước gương, thoa mỹ phẩm, đắp mặt nạ, tiêm thuốc… Rồi cô ấy phải dùng khá nhiều thời gian trong ngày để dưỡng da, chăm sóc… Nếu tôi yêu cô, khoảng thời gian cô ấy dành cho tôi hẳn sẽ ít lắm.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là bài xích da trắng, đến hình ảnh đàn ông dạn dày sương gió, da ám bụi đường cũng bị thay bằng các chàng trai mảnh dẻ trắng xanh cơ mà. Da trắng, như thời trang, được yêu thích trong thời đoạn này, nếu là người mê thời trang và muốn được yêu thích, ắt hẳn bạn không nên bỏ qua.

Không kể đến những người trắng tự nhiên, đó là món quà trời ban, những người nhờ công nghệ mà trắng hẳn, thật đáng khâm phục về sự công phu. Riêng tôi thì nghĩ “người con gái Việt Nam da vàng”, như Trịnh viết rất đẹp, sắc vàng ấy đi tới nâu, tới bánh mật dễ dàng và tươi tắn màu cuộc sống hơn.

Theo Phan Hà/phunuonline.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast