Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa to, đề phòng lũ quét và sạt lở đất

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 7-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,7 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Ðịnh khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển rất chậm theo hướng Tây và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Ðịnh. Ðến 19 giờ ngày 8-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,7 độ vĩ bắc; 109,6 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Ðịnh và phía tây nam quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Ðịnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam Biển Ðông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền trung - Tây Nguyên, đến ngày 7-9, toàn khu vực đã có 16 người chết, mất tích và bị thương, gần 100 nhà, trường học, trạm y tế, sập, ngập, hư hỏng; 11 công trình thủy lợi, đập bị vỡ; gần 20 nghìn ha lúa, ngô, mía và hoa màu các loại bị ngập, hư hại. Trung tâm PCLB khu vực miền trung - Tây Nguyên chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB các tỉnh thông báo thường xuyên và liên tục đến các tàu, thuyền trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động di chuyển thoát ra vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú ẩn; không cho người dân đi lại tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các phương án sơ tán dân ở vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời xử lý sự cố xảy ra.

Theo UBND huyện Mang Yang (Gia Lai), do nước sông Ayun chảy xiết làm sạt lở mố và gây sập cầu 20, trên tuyến đường từ quốc lộ 19 đi xã Ayun và Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, làm giao thông ách tắc. Vụ sập cầu này làm bốn người bị thương, một em nhỏ bị nước lũ cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy; hai xe máy đang lưu thông bị rơi xuống cầu.

Tại tỉnh Ðác Lắc có chín nhà dân ở huyện Ea Súp bị ngập nặng buộc phải di dời, 450 ha lúa chuẩn bị chín và 210 ha hoa màu các loại bị ngập úng, hư hại; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ách tắc. Hiện nay, các tỉnh đã cử cán bộ về nơi bị lũ nặng để cùng nhân dân di dời khỏi vùng ngập úng, tổ chức cứu lúa, hoa màu.

Mưa to kéo dài, đã làm nước từ thượng nguồn sông Sê-rê-pốc (Ðác Lắc) đổ về nhanh, dâng cao, gây ngập tại thôn 12 và thôn 13, xã Ia R''vê, huyện Ea Súp. Trung đoàn 737 (Binh đoàn 16) đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến giúp dân chuyển người và tài sản lên vùng cao an toàn. Ðơn vị bộ đội đóng trên địa bàn đã phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền xã, chủ động bố trí hai xuồng máy cùng các phương tiện vật chất và nhân lực tại chỗ, tổ chức canh trực liên tục 24/24 giờ trong ngày, sẵn sàng ứng cứu khi sự cố thiên tai xảy ra.

Chiều 7-9, nhiều tuyến đường và khu dân cư ở TP Ðà Nẵng như đường Lê Duẩn, Trần Phú, Quang Trung, Ðống Ða, quốc lộ 1A tiếp tục ngập sâu, gây ách tắc giao thông qua địa bàn quận Liên Chiểu. Nhiều khu đô thị ngập nước trong mấy ngày qua chưa rút lại tiếp tục ngập. Ðợt mưa lớn này đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính đến chiều 7-9, Ðà Nẵng có hai người thiệt mạng, gần 1.000 ha lúa hè thu bị ngập. Tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, hiện có hơn 30 hộ dân sinh sống dọc theo sông Cu Ðê đang ở trong tình trạng có thể bị nước lũ đe dọa bất cứ lúc nào.

Tính đến ngày 7-9, tỉnh Quảng Nam đã có hơn 3.200 ha lúa hè thu ở các khu vực trũng thấp, 2.500 ha hoa màu bị ngập úng. Tuyến tỉnh lộ 611 bị sạt lở nặng làm gián đoạn giao thông từ huyện Quế Sơn đến quốc lộ 1A; tuyến đường tỉnh lộ 604 sạt lở nặng tại dốc Kiền. Một số tuyến đường nội thị TP Tam Kỳ bị ngập sâu gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền.... Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, sớm có các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, tại Bạc Liêu xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây ảnh hưởng sản xuất, đời sống của nhân dân. Ðợt mưa này vào lúc cao điểm nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa hè thu. Do mưa lớn kéo dài, lượng nước trên đồng tăng nhanh làm nhiều diện tích lúa bị đổ, ngập úng, thiệt hại nặng đến năng suất. Ngoài ra, hàng trăm hộ trồng hoa màu cũng bị mưa gây hại. Có nhiều rẫy hoa màu chuẩn bị cho thu hoạch bị ngập úng, sập đổ, thiệt hại hơn 50% năng suất.

Trận mưa lớn đêm ngày 5, rạng sáng 6-9 kết hợp lưu lượng nước từ đầu nguồn suối Ðôi đổ về khu vực phường Nam Cường, TP Lào Cai (Lào Cai) gây ra lũ ống cục bộ làm nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa, tài sản của mười tổ dân khu vực này bị thiệt hại nặng nề. Ðã có 5.000 m2 ao nuôi cá, gần 30 ha lúa và hoa màu của nông dân bị lũ ống phá hủy có nguy cơ mất trắng. Ngoài ra, lũ còn phá hủy một công trình thủy lợi tưới tiêu cho bốn ha đất nông nghiệp tổ 12, nước lũ tràn vào mười hộ dân gây ngập lụt, phá hủy mười cầu qua suối của các hộ dân...

Nguồn: Nhân Dân Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast