Bài 2: Loay hoay trước "khe cửa" hẹp

Năm 2011, khá nhiều sinh viên (SV) sau khi ra trường đã được nhen nhóm hy vọng khi tỉnh và các huyện, thị, thành phố đồng loạt triển khai chính sách thu hút nhân tài và tổ chức thi tuyển công chức một cách công khai. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số lượng hồ sơ đăng ký hết chồng này đến chồng khác trong khi chỉ tiêu thì có hạn. Hành trình tìm việc làm của một bộ phận lớn cử nhân vẫn đang chông chênh, bế tắc trước những khe của hẹp...

Trí thức - việc làm: Chiếc áo quá khổ

Bài 1: Bất lực nhìn con thất nghiệp

Thu hút nhân tài - muối bỏ biển

Đức Thọ từ xưa đến nay nổi tiếng là vùng quê hiếu học. Thế mà chuyện sinh viên Đức Thọ ra trường không xin được việc làm cũng không phải là ít. Nhiều người sau khi nhận tấm bằng cử nhân nhất định bám lại các thành phố lớn, thà làm “ba lăng nhăng” để sống còn hơn về quê... thất nghiệp.

Năm 2012, Đức Thọ chủ trương thu hút nhân tài về bổ sung cho huyện và “nâng cấp” đội ngũ cán bộ cấp xã. Huyện đăng tải thông tin tuyển dụng rộng rãi và tổ chức xét tuyển một cách công khai, minh bạch. Chỉ trong một thời gian ngắn, huyện đã thu được 90 hồ sơ và qua xét tuyển chọn được 38 cử nhân. 40 chỉ tiêu còn lại huyện tổ chức thi tuyển công khai với 193 thí sinh tham gia.

Sau thi tuyển, các em đủ điều kiện đã được tuyển dụng và bố trí về các xã làm việc. Nhiều cơ hội đã mở ra đối với những SV ra trường đang bế tắc việc làm, đặc biệt là con em những gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu trong số các trường hợp được tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài là Nguyễn Thị Thắm (tốt nghiệp Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân).

Vị trí công tác của Nguyễn Thị Thắm hiện nay là niềm mơ ước của không ít bạn trẻ vừa nhận tấm bằng đại học

Vị trí công tác của Nguyễn Thị Thắm hiện nay là niềm mơ ước của không ít bạn trẻ vừa nhận tấm bằng đại học

“Nghe tin huyện thu hút nhân tài, em mang tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của mình để gõ cửa Chủ tịch UBND huyện. Trong lòng em lúc đó đầy lo lắng vì nhà mình làm nông, chẳng quen biết ai ở huyện mà nhờ cậy. Thật bất ngờ và hạnh phúc, em được nhận vào làm ngay và chỉ chưa đầy 1 năm được lãnh đạo huyện tin tưởng giao trọng trách làm kế toán trưởng của Phòng Tài chính huyện” - Thắm chia sẻ.

Tuy nhiên, sự đột phá đáng ghi nhận trong công tác tuyển dụng nhân tài của Đức Thọ cũng chỉ là cánh cửa hẹp mà số đông con em đậu đạt các trường cao đẳng (CĐ), ĐH ở vùng đất học này rất chật vật để chen vào. Mỗi năm, Đức Thọ có trên 1.000 em bước chân vào các trường CĐ-ĐH, nếu so với con số 100 công chức được tuyển trong 1 năm “đỉnh” về số lượng tuyển dụng, thì kết quả trong chính sách thu hút nhân tài của Đức Thọ cũng chỉ là “muối bỏ biển”.

Ngậm ngùi bằng đỏ

Năm 2011, tỉnh ban hành chính sách thu hút nhân tài, tuyển dụng được 335 người. “Tất cả những đối tượng đủ điều kiện trên đã được tiếp nhận hồ sơ và bố trí công việc. Còn những hồ sơ không đủ các tiêu chuẩn theo quy định chúng tôi không tiếp nhận” - Trưởng phòng Quản lý công chức Bùi Khắc Phước - Sở Nội vụ cho biết.

Em Bùi Thị Hằng Nga là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Kỳ Hưng (Kỳ Anh), tốt nghiệp ĐH với tấm bằng giỏi, được kết nạp Đảng trong trường ĐH và là một trong 2 sinh viên xuất sắc được cử đi thực tập ở nước ngoài. Ra trường vào dịp tỉnh có chính sách thu hút nhân tài, Nga khấp khởi hi vọng có cơ hội cống hiến ở quê hương và chăm sóc gia đình. Thế nhưng, hồ sơ của em đã không được tiếp nhận vì trường đầu vào nơi Nga học tuyển dụng 17 điểm trong khi quy định của tỉnh chỉ nhận bằng giỏi của các trường có đầu vào 18 điểm.

Còn Nguyễn Thị Yến sinh ra trong một gia đình nghèo hiếu học ở xã Thạch Ngọc (Thạch Hà). Dù hoàn cảnh khó khăn, em vẫn nỗ lực phấn đấu vào ĐH. Tuy nhiên, 2 chị đầu ra trường, không có điều kiện xin việc ở quê hương nên đành ở lại thủ đô tìm cơ hội. Bản thân Yến, tốt nghiệp loại giỏi khoa Ngoại ngữ trường ĐH Sư phạm Huế năm 2012. Thế nhưng, “đến nộp hồ sơ ở Sở Nội vụ, em được hướng dẫn là phải tìm đến những cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Sau khi các đơn vị đó đồng ý tiếp nhận thì sẽ làm hồ sở gửi lên Sở Nội vụ để làm quy trình tuyển dụng. Em chẳng biết cơ quan nào có nhu cầu để tìm đến, nên hiện nay đang làm gia sư để trang trải cuộc sống”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu vào của trường ĐH Huế 4 năm liên tục gần đây cũng không đạt 18 điểm trở lên. Bởi vậy, dù Yến có tìm được nơi có nhu cầu để nộp hồ sơ thì tấm “bằng đỏ” cũng chỉ góp thêm nỗi ngậm ngùi cho quãng thời gian phấn đấu vượt bao nỗi khó khăn, thiếu thốn của cô SV nghèo.

Hay như em Vũ Thị Thùy Trang (thị trấn Thạch Hà), tốt nghiệp loại giỏi CĐ Tài chính ngân hàng. Ra trường 1 năm chưa xin được việc, liên hệ mãi Trang mới được một công ty tư nhân đồng ý nhận nhưng họ yêu cầu 2 năm làm việc mới được lập gia đình và một vài yêu cầu khác nữa. Không đáp ứng được, Trang phải chọn giải pháp "liên thông ĐH" để tiếp tục tìm cơ hội.

Khu Kinh tế Vũng Áng đi vào hoạt động là cơ hội tìm kiếm việc làm rất tốt đối với các bạn SV mới ra trường

Khu Kinh tế Vũng Áng đi vào hoạt động là cơ hội tìm kiếm việc làm rất tốt đối với các bạn SV mới ra trường

Năm 2011, không ít SV cầm bằng đỏ, vì thiếu tiêu chí nào đó đã không thể tiếp cận chính sách thu hút nhân tài. Năm 2012, đến thời điểm này, chưa có một trường hợp tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài nào ở các cơ quan, địa phương chuyển lên Sở Nội vụ để làm quy trình. “Bằng đỏ” vào cơ quan nhà nước còn “toát mồ hôi hột”, vào làm công ty tư nhân cũng không xong, vậy hàng nghìn bằng khá, bằng trung bình sẽ về đâu khi đầu ra việc làm chật hẹp đến thế?!

Nhìn từ một “ngả rẽ”

Không thể chờ đợi, để mưu sinh, nhiều SV đã tìm cho mình những ngả rẽ. Nguyễn Việt Hùng - Chủ nhiệm HTX Cường Thịnh (Phúc Đồng - Hương Khê) là một điển hình của câu chuyện trí thức ra trường chọn con đường độc lập làm kinh tế.

Năm 2004, tốt nghiệp Khoa Thú y - ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Hùng lập gia đình với Nguyễn Thị Huệ - một trung cấp thú y mới ra trường. Sau một thời gian loanh quanh với bài toán lập nghiệp, anh quyết định không theo đuổi vị trí một công chức nhà nước, về xin thuê đất, xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Hơn 5 năm trời, vợ chồng trẻ cùng những kiến thức kỹ thuật đã được học và ý chí làm giàu trên quê hương mình đã xây dựng nên một trang trại chăn nuôi rộng 3 ha với 2 sản phẩm chính là lợn và gà. Cùng đó, là sự hình thành của một cơ sở cung cấp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi gia súc có uy tín.

Nguồn thu từ chăn nuôi và dịch vụ trung bình mỗi năm của vợ chồng Hùng - Huệ 300 triệu đồng, nếu so với mức thu nhập của cán bộ, công chức là điều khiến nhiều người suy ngẫm.

Làm việc trong cơ quan nhà nước không phải là lựa chọn duy nhất đối với các bạn sinh viên trên con đường lập nghiệp

Làm việc trong cơ quan nhà nước không phải là lựa chọn duy nhất đối với các bạn sinh viên trên con đường lập nghiệp

“Nhiều thanh niên trẻ ra trường đến gặp vợ chồng tôi nhờ tư vấn về việc làm, chúng tôi đã nói với họ rằng: trí thức trẻ ra trường ngoài những kiến thức đã được trang bị, còn rất cần khát vọng, ý chí khẳng định mình và sự chín chắn trong việc lựa chọn một hướng đi phù hợp với điều kiện, trình độ của mình để lập nghiệp” - anh Hùng chia sẻ.

Sự chênh lệch cung - cầu giữa đào tạo - việc làm đang đặt ra yêu cầu về những ngả rẽ như thế cho SV ra trường. Không thể đặt tất cả cơ hội việc làm vào cơ quan nhà nước, cũng có nghĩa là SV sau tốt nghiệp cần những "mảnh đất" rộng lớn hơn. Đó là cơ hội việc làm từ khu vực kinh tế tư nhân, những công trường, nhà máy, và cũng có thể từ chính tiềm năng, lợi thế trên quê hương…

Nếu nhìn nhận rằng, nhu cầu được học để có kiến thức, để nuôi ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn là chính đáng, thì rõ ràng đang rất cần vai trò rõ nét và quyết liệt hơn của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp để giải quyết những bất cập của thực trạng trí thức - việc làm đang đặt ra ngày càng bức xúc hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast