Bài toán việc làm cho người dân vùng tái định cư Kỳ Anh

Thực hiện chủ trương lớn của tỉnh trong việc di dời, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các dự án lớn về với quê hương, những người dân ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long... hăm hở lên đường đến với miền đất mới. Thế nhưng, đằng sau niềm vui trong những ngôi nhà khang trang kiên cố, hàng ngàn người dân trên vùng tái định cư đang phải đối mặt với nỗi lo mưu sinh khi không có công ăn việc làm.

Những tâm sự buồn

Trời chiều ngả bóng. Cái nóng hầm hập trên vùng tái định cư xã Kỳ Trinh dường như vẫn còn bỏng rát trên da thịt mỗi người. Quán nước đơn sơ trong khu đô thị mới đã trở thành điểm hẹn của những trung niên trong chuỗi ngày nhàn rỗi. Bên ấm nước chè xanh, chúng tôi đã được nghe những người dân nơi đây bộc bạch về những khó khăn trong cuộc sống mỗi ngày. Anh P. cho biết: “ Khu tái định cư của chúng tôi có 248 hộ dân ở thôn Tân Phúc Thành- xã Kỳ Lợi lên đây tái định cư. Đã an cư được gần 2 năm nhưng cuộc sống khó khăn lắm cô ạ. Bởi thực tế, dân chúng tôi từ thưở xa xưa đã quen với nghề đi biển. Nay về vùng kinh tế mới đất chật, người đông, chúng tôi chẳng biết làm gì để sống. Đã vậy cứ nuôi con gà con chó nào là bị mất trộm ngay tức thì. Nhiều lúc đứng ở trong nhà nhìn thấy kẻ câu chó của mình mà đành bất lực, bởi dù sao chúng tôi cũng chỉ là dân mới”.

Việc làm mưu sinh là nỗi băn khoăn lớn của người dân vùng tái định cư
Việc làm mưu sinh là nỗi băn khoăn lớn của người dân vùng tái định cư

Gắn bó với nghề đi biển, đất canh tác hầu như không có nên khi đền bù, hầu hết người dân ở trong thôn chỉ được khoản tiền hết sức khiêm tốn. Với một số hộ dân, tiền đền bù chỉ đủ để làm nhà tại nơi ở mới. Để mưu sinh, một số lao động đã phải ly hương vào nam để tìm kế sinh nhai, số còn lại cũng phải mướt mồ hôi để tìm kiếm việc làm tại các khu kinh tế. Anh H. cho biết: “ Gia đình tôi được đền bù 270 triệu đồng, may ra vừa đủ làm nhà. Để kiếm kế sinh nhai, tôi đã liều vay vốn ngân hàng và huy động thêm bà con anh em mua một chiếc xe tải nhỏ để chạy hàng. Nhưng thời buổi khó khăn này, việc làm cũng được chăng hay chớ, may ra cũng chỉ đủ tiền mua gạo cho con. Mặc dù vậy tôi vẫn còn may mắn hơn so với một số anh em trong xóm khi đi làm phụ hồ bốc vác, bởi làm việc với người nước ngoài chẳng dễ dàng chút nào. Một ngày quần quật với hàng chục công việc vất vả không tên ở dự án Formosa, anh em chúng tôi cũng chỉ được 170 ngàn, nhưng nếu có điều gì sơ suất, không vừa lòng họ là chúng tôi bị trừ lương, bị chửi và đuổi việc ngay tức thì. Lắm lúc buồn, nhớ nghề xưa, anh em chỉ biết quây quần cùng nhau bên ấm nước chè xanh để hồi tưởng lại những tháng ngày ra khơi vào lộng”.

Với thanh niên trai tráng vấn đề tìm việc làm tại các khu kinh tế đã khó, nhưng với những lao động nữ, vấn đề này lại càng gian nan hơn. Gạt vội giọt mồ môi trên khuôn mặt còn lấm lem vì vôi vữa, chị T.A tâm sự: “ Chật vật lắm mấy chị em chúng tôi mới xin được làm phụ hồ ở Cảng Vũng Áng. Một ngày làm việc cật lực nhưng thu nhập cũng chỉ được hơn trăm ngàn. Vất vả nhưng phải cố gắng hết sức thôi bởi đây là vấn đề miếng cơm manh áo, và cơ hội việc làm cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi cũng không nhiều”.

So với các vùng tái định cư khác trên địa bàn Kỳ Anh, khu tái định cư Kỳ Lợi có lẽ là vùng khó khăn nhất. Bởi việc chuyển đổi nghề cần có cả quá trình trong khi cơ hội tìm kiếm công việc mới lại không nhiều, mà cuộc sống với biết bao khoản chi tiêu vẫn luôn ám ảnh trong suy nghĩ của những người dân. Cùng với vấn đề công ăn việc làm, một số hộ còn phải đối mặt với khó khăn khi ngôi nhà nhỏ giờ đây bất đắc dĩ trở thành chỗ trú ngụ cho ba bốn thế hệ .

Anh P. cho biết thêm: “ Khu tái định cư chúng tôi hiện có khoảng 10 gia đình có 3-4 cặp vợ chồng thuộc các thế hệ ở chung một mái nhà. Nhà xóm trưởng cũng là một trong số đó. Niềm vui đông đủ chưa thấy đâu chỉ biết rằng sự chật chội, thiếu công ăn việc làm đã trở thành những nguyên nhân gây mâu thuẫn nội bộ ở một số gia đình”.

Việc làm cho người dân vùng tái định cư - bài toán khó

Chia sẻ nỗi khó khăn với người dân vùng tái định cư, thời gian qua UBND tỉnh và ngành LĐTBXH đã tổ chức nhiều hội thảo, ngày hội việc làm, cấp uỷ chính quyền trên địa bàn huyện Kỳ Anh cũng đã vào cuộc bằng những việc làm cụ thể. Cùng với việc thanh toán nhanh chóng tiền đền bù, Phòng LĐTB&XH huyện cũng đã kịp thời giải ngân nguồn hỗ trợ đào tạo nghề cho mỗi lao động 6 triệu đồng. Và ngoài việc phối hợp với các ngân hàng cùng vận động bà con gửi tiền sau khi nhận đền bù để vừa có lãi suất, vừa giữ được nguồn vốn, công tác khảo sát nhu cầu và đào tạo nghề cũng đã được triển khai.

Chị Phạm Thị Thu Hằng- Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh cho biết: “ Riêng đối với tổ chức hội chúng tôi, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh thông qua nhiều kênh, chúng tôi đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn như chăn nuôi, mây tre đan, chế biến cơm hộp, làm đậu phụ, làm nấm ... đồng thời hỗ trợ vốn và tạo điều kiện cho chị em đi tham quan các mô hình. Lao tâm khổ tứ với các chương trình, chúng tôi cũng không nhớ nổi đã bao lần về với từng cơ sở, động viên chị em. Thế nhưng, thật đáng buồn là hiệu quả của việc đào tạo nghề cũng chẳng phát huy được bao nhiêu, đời sống của chị em vẫn còn gian truân lắm”.

Vẫn biết con đường mưu sinh phía trước còn đầy chông gai, nhưng cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Lại những tháng ngày rong ruổi tìm kiếm việc làm ở khu kinh tế để trang trải cho các khoản chi tiêu, Và các cấp chính quyền cùng các ban ngành đoàn thể liên quan vẫn đang từng ngày đau đáu với giải pháp tìm kiếm công ăn việc làm cho bà con. Đến thời điểm hiện tại vấn đề việc làm cho người dân vùng tái định cư vẫn đang là bài toán khó chưa tìm ra đáp số.

Thực tế việc đào tạo nghề trên vùng tái định cư vẫn còn nhiều bất cập. Bởi các nghề như mây tre đan, làm đậu phụ không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn vài ba gia đình ở trên các khu tái định cư có thể duy trì nghề làm đậu khi họ tìm được nơi tiêu thụ ở Cảng Vũng Áng và dự án án Formosa. Nghề đan lát cũng chỉ còn lay lắt ở một số gia đình nhưng việc tồn tại này cũng chỉ nhờ vào số lượng hàng nhận gia công của các hộ gia đình ở làng Đan Du- Kỳ Thư nên thu nhập cũng hết sức khiêm tốn. Tương tự, nghề chăn nuôi cũng chẳng thể ở lại với bà con khi ở vùng tái định cư mỗi gia đình chỉ được 400m2 đất, làm nhà đi một nửa, số diện tích còn lại họ chẳng thể quy hoạch thành nơi chăn nuôi tập trung, ấy là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn thức ăn cho lợn...Trong số những nghề đã đến với người dân, nghề làm nấm rơm có lẽ có duyên hơn cả, nhưng cũng chỉ tồn tại được ở 2 tổ hợp ( khoảng hơn 30 gia đình) ở xã Kỳ Long. Tuy nhiên nghề này cũng theo mùa nên vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải.

Chị Trần Thị Hoài- cán bộ Hội LHPN huyện Kỳ Anh cho biết: “ Chúng tôi hết sức đồng cảm với cái khó của chị em trên vùng tái định cư khi hầu hết các nghề đào tạo đều không phát huy hiệu quả. Nhưng khi đến hỏi hội viên nhu cầu việc làm, bản thân các chị cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nên lại đành nhờ hội khảo sát, tư vấn”. Anh P. - một người dân vùng tái định cư Kỳ Lợi cho biết thêm: “ Đã không biết bao nhiêu đoàn đến đây khảo sát, tìm hiểu, tư vấn và cả đào tạo nghề nữa nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy thôi. Cứ mỗi lần đón một đoàn về là chúng tôi lại tràn đầy niềm hy vọng, thế nhưng giờ chỉ còn lại nỗi buồn và thất vọng mà thôi”.

Vẫn biết con đường mưu sinh phía trước còn đầy chông gai, nhưng cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Lại những tháng ngày rong ruổi tìm kiếm việc làm ở khu kinh tế để trang trải cho các khoản chi tiêu, Và các cấp chính quyền cùng các ban ngành đoàn thể liên quan vẫn đang từng ngày đau đáu với giải pháp tìm kiếm công ăn việc làm cho bà con. Đến thời điểm hiện tại vấn đề việc làm cho người dân vùng tái định cư vẫn đang là bài toán khó chưa tìm ra đáp số./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast