Bảo đảm mọi người dân đều có tết

Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 24/1, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền cho biết từng địa phương phải nắm rõ, xử lý tình huống để bảo đảm mọi đối tượng chính sách, người có công, người nghèo đều có Tết.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Thưa Bộ trưởng, cách đây chưa lâu, một lãnh đạo của Bộ LĐTB&XH nhận định, mức thưởng Tết năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015 do GDP tăng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tiền lương và thu nhập ổn định hơn. Vậy thực tế tình hình thưởng Tết của các cơ quan, DN đến thời điểm này như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chúng tôi thấy rằng, đúng là tình hình sản xuất, kinh doanh của DN năm 2015 khá hơn một chút so với 2014. Theo báo cáo của trên 31.000 DN, đến thời điểm này, thưởng Tết Dương lịch 2015 bình quân là 1,18 triệu đồng/người, tăng 2%.

Đến Tết Âm lịch, theo báo cáo có khoảng trên 80% DN dự kiến sẽ có thưởng, còn khoảng 13% DN chưa có khả năng thưởng Tết. Mức thưởng Tết Âm lịch thì cao hơn, dự kiến khoảng 5,7 triệu đồng/người, tăng khoảng trên 15,7% so với năm ngoái.

Một người dân gửi thư về chương trình đặt câu hỏi: Năm ngoái, một người họ hàng của tôi rất buồn khi công ty anh ấy thưởng Tết bằng bánh bích quy. Năm nay, đến lượt tôi được thông báo thưởng Tết bằng dầu ăn và bột ngọt (mì chính). Tôi đọc báo thấy có đơn vị còn thưởng Tết bằng quần đùi. Chúng tôi biết làm gì với những món thưởng mà như không này đây? Tại sao Bộ không có quy định rõ ràng về thưởng Tết chỉ bằng tiền mà thôi?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Bộ Luật Lao động không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng cho người lao động. Quy định thưởng là do chủ sử dụng lao động quyết định và quy định đấy phải được nêu trong hợp đồng lao động ngay từ đầu năm hoặc trong thỏa ước lao động. Mức thưởng này sẽ được công khai sau khi trao đổi với công đoàn.

Chính vì vậy, có những DN không có khả năng thưởng, nên ngay trong hợp đồng lao động cũng “không dám” ghi sẽ thưởng. Nhưng phần đông DN (trên 80%) đều có thưởng. Không phải tất cả các DN đó đều sản xuất tốt, mà họ có ý thức ngay từ đầu vì hiểu rằng lao động là nguồn lực quyết định để hoàn thành tốt công việc của mình.

Tôi nghĩ rằng nếu DN đã thưởng thì nên thưởng bằng tiền mặt cho người lao động. Lí do đầu tiên là "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". Đây là sự động viên rất lớn về tinh thần cho người lao động, để họ phấn khởi hơn, gắn bó hơn với DN.

Thưởng Tết cũng có ý nghĩa hết sức thiết thực vì phần đông người lao động có thu nhập không cao. Họ rất muốn có một khoản thưởng cuối năm, nhất là vào dịp Tết để lo cho gia đình, nếu chưa có gia đình thì cũng phải về quê, chăm sóc, thăm và ăn Tết với bố mẹ.

Nhất là đối với những người có gia đình, họ rất cần khoản tiền thưởng cuối năm. Chính vì vậy, những DN gặp khó khăn, phải thưởng bằng sản phẩm thì chỉ là sự động viên nhất định, chứ đấy không phải là khoản thưởng.

Thưa Bộ trưởng, với tinh thần không để người dân không có Tết, hơn 10.000 tỉ đồng cùng 7.000 tấn gạo đã được chuẩn bị để dành tặng gia đình chính sách, người có công và người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 như truyền thống đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Một số khán giả trong diện được hỗ trợ gọi điện đến Chương trình đặt câu hỏi Bộ LĐTB&XH triển khai công tác rà soát, xác định đối tượng được hỗ trợ như thế nào? Bộ trưởng có cam kết là quà Tết năm nay cho các đối tượng trên sẽ không chậm, không nhầm đối tượng và không bị bớt xén hay không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đối với các đối tượng là người có công, hộ nghèo, tinh thần chỉ đạo của Nhà nước là không để hộ nào không có Tết. Chính vì vậy, đối với đối tượng người có công, Bộ đã trình Chủ tịch nước đã ra quyết định ngày 8/1 vừa rồi hỗ trợ và tặng quà Tết ở hai mức, 400.000 đồng và 200.000 đồng một người.

Riêng với đối tượng người có công, có trên 2 triệu người được tặng quà Tết của Chủ tịch nước với số tiền lên tới 437 tỉ đồng. Nhà nước cũng có sự hỗ trợ đối với người nghèo. Đến nay, đã có 11 tỉnh đề nghị hỗ trợ trên 12.000 tấn lương thực. Tinh thần chỉ đạo là các địa phương, khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phải phân bổ số lương thực này đến các hộ nghèo trước ngày 25 Tết để người có công, người nghèo có được cái Tết đầy đủ.

Bộ đã có hướng dẫn chỉ đạo và việc phân bổ này giao cho UBND các tỉnh làm. Đối với những trường hợp chưa giải quyết, hỗ trợ kịp thời thì từng địa phương phải nắm rõ, phải xử lý tình huống bằng kinh phí địa phương để không người nào, hộ dân nào không có gạo ăn, bị thiếu đói trong dịp Tết.

Đến thời điểm này, mới có 11 tỉnh đăng ký để được hỗ trợ. Vậy con số này là nhiều hay ít so với những năm trước, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi cho rằng đến nay mới có 11 tỉnh thì chưa hết được số tỉnh đề nghị. Bởi vì, trong danh sách 11 tỉnh thì chưa có Sơn La, Lai Châu. Đây là những tỉnh có số hộ nghèo cao và địa phương cũng không đủ nguồn lực để giải quyết được lương thực hỗ trợ trong dịp Tết.

Vì vậy, tới đây các tỉnh vẫn tiếp tục có đề nghị. Tuy nhiên, các địa phương phải đề nghị sớm để khi Thủ tướng Chính phủ quyết định, địa phương có thời gian chủ động để đưa phần lương thực này đến được các hộ nghèo.

Như Bộ trưởng nói, có một số tỉnh có th chủ động được về vấn đề ngân sách hỗ trợ cho gia đình chính sách. Đây có phải là tín hiệu tích cực hơn so với các năm trước không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đây là một chủ trương chung, tỉnh nào cũng có đối tượng phải trợ cấp. Tuy nhiên, một số tỉnh có kinh tế khá hơn, số đối tượng ít hơn nên chủ động được. Còn những tỉnh đề nghị phần đông có tỉ lệ hộ nghèo đông và còn khó khăn, không tự cân đối được ngân sách.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast