Bão số 7 hướng vào miền Bắc

Trước những thiệt hại không hề nhỏ về người cũng như tài sản mà áp thấp nhiệt đới đã và đang gây ra cho nhân dân ở miền Trung và Tây Nguyên, trong khi lại đang có thêm cơn bão số 7 được dự báo nhằm thẳng hướng vào miền Bắc, chiều qua (10-9), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn để bàn giải pháp ứng phó với bão cũng như hậu quả sau bão.

Sơ đồ đường đi của bão số 7 (lúc 21 giờ 30 ngày 10-9).
Sơ đồ đường đi của bão số 7 (lúc 21 giờ 30 ngày 10-9).

Miền Bắc: 170.000ha lúa sẽ bị ngập

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hôm qua, áp thấp nhiệt đới ở khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 7 mà quốc tế gọi là bão “Mujigae”. Đây là một cơn bão nguy hiểm, hình thành khá nhanh và có tốc độ di chuyển “vũ bão”, có thể áp sát vào vịnh Bắc bộ vào ngày 11-9 và sẽ ảnh hưởng tới vùng đất liền từ ngày 12-9.

Hồi chiều qua, vị trí tâm bão đã ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) chỉ còn khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Do bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm, nên theo nhận định, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng phía Nam đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh ở Bắc miền Trung. Trong đó, sẽ gây gió lớn dọc ven biển từ Quảng Ninh vào Quảng Bình.

Hiện nay, vùng Bắc biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa đang có biển động rất mạnh. Bắt đầu từ sáng 11-9, khu vực vịnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Từ sáng 12-9, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Ông Tăng nói: “Hầu hết cơ quan dự báo khí tượng các nước đều cho rằng phải trưa 13-9 tâm bão mới tiếp cận vùng ven biển của nước ta nhưng chúng tôi thì khẳng định chỉ chiều 12-9 tâm bão đã tiến sát vùng bờ biển các tỉnh Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An”.

Ông Tăng cho rằng, bão sẽ đi qua đảo Hải Nam của Trung Quốc và sẽ giảm vận tốc từ 20km/giờ xuống còn 15km/giờ, sau khi đi vào đất liền nước ta thì sẽ suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới, do đó sẽ gây mưa lớn. Hiện nay, trung tâm đã thử nhiều mô hình mưa nhưng lại cho các kết quả rất khác nhau. Tạm thời trung tâm nhận định vùng mưa lớn sẽ tập trung ở khu vực Nam đồng bằng sông Hồng và ven biển Khu 4.

Trước những dự báo về bão số 7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương trước mắt phải thông tin và hướng dẫn ngư dân nhanh chóng vào bờ hoặc nơi neo đậu an toàn vì bão đang vào rất nhanh. Yêu cầu các tàu thuyền không đi vào khu vực xác định nguy hiểm là vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Ngoài ra, hiện nay vẫn đang là mùa du lịch nên các địa phương cần quản lý chặt các hoạt động ở các khu du lịch biển.

Nếu bão vào, gây mưa lớn, sẽ làm thiệt hại không hề nhỏ về lúa mùa của nông dân. Hiện ở phía Bắc Khu 4 đang gặt song vẫn còn 1/2 diện tích lúa trên đồng ruộng (khoảng 170.000ha), nên một số nơi sẽ bị ngập vì không thể gặt kịp. Còn ở đồng bằng sông Hồng thì hiện lúa mới đang trổ nên sẽ xảy ra nguy cơ lúa bị lép. Do đó, giải pháp để giúp nông dân là chỉ đạo nơi nào có thể thu hoạch được thì khẩn trương thu hoạch, những nơi lúa đang còn trổ thì phải bơm tiêu ngay nước đệm để phòng mưa lớn.

Thủ tướng Chính phủ:

Chủ động đối phó với những tình huống xấu do mưa, bão

Ngày 10-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện nêu rõ, liên tục trong nhiều ngày qua, mưa lớn do áp thấp nhiệt đới gần bờ đã làm ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng ở nhiều địa phương ven biển miền Trung và Tây Nguyên, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc tới các gia đình bị thiệt hại.

Để tiếp tục làm tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa ngập và lũ gây ra, chủ động đối phó với những tình huống xấu do mưa bão có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cần thiết để sớm khắc phục hậu quả, trước mắt tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, cung cấp lương thực và nước uống cho các hộ bị cô lập trong vùng ngập nặng, giúp đồng bào thu hoạch lúa, bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để chăm lo hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Đồng thời cần có biện pháp chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ, sạt lở đất có thể xảy ra khi có áp thấp nhiệt đới, bão ảnh hưởng tới nước ta trong những ngày tới, hướng dẫn ngư dân tránh bão, di dời nhân dân ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast