Bão số 9 đang tràn vào tàn phá miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng đêm nay (29-9) bão số 9 sẽ tràn vào đất liền, sau đó di chuyển nhanh lên khu vực biên giới Việt-Lào vào sáng 30-9 với hướng không đổi. Song ảnh hưởng của bão không chỉ đối với đất liền mà cả khu vực ngoài khơi vẫn còn kéo dài tới tận ngày 1-10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông đang có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, 15. Biển động dữ dội. Ở trong đất liền, bắt đầu từ đêm 28 và sáng 29-9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12 và giật tới cấp 13, 14. Đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rộng nên từ sáng sớm 29-9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng sẽ có gió mạnh lên cấp 8, giật cấp 9, 10.

Cây lớn tại TP Huế bị gió bão quật gãy vào rạng sáng 29-9. Ảnh Văn Thắng.

Cây lớn tại TP Huế bị gió bão quật gãy vào rạng sáng 29-9. Ảnh Văn Thắng.

Đặc biệt, theo nhận định của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, sau khi áp sát đất liền, siêu bão số 9 sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh ở khắp miền Trung. Theo đó, một đợt lũ lớn sẽ xuất hiện trên các sông thuộc khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên. Hiện tại, mực nước ở các sông từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi đã bắt đầu lên khá nhanh. Do đó, cùng với sự nguy hiểm về sức gió khi “siêu bão” đạt cấp 15 thì mưa lớn sẽ gây lũ dữ cô lập nhiều khu vực, cuộc sống của người dân gặp vô cùng khó khăn.

* Tính đến 6h sáng nay (29-9), bão số 9 bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão giật cấp 15, trong khi các biện pháp đối phó bão lũ đang tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Tại Huế, Đà Nẵng từ rạng sáng, mưa lớn tiếp tục diễn ra diện rộng. Trong khi đó, tâm bão chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng- Quảng Ngãi khoảng 80 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 - 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15 và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ.

Hiện lũ các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và sông Ba đang lên nhanh, hạ lưu sông Cả đang ở mức đỉnh.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến sáng nay, tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ neo đậu, công tác sơ tán dân cũng cơ bản được hoàn tất.

Theo thống kê sơ bộ về thiệt hại mưa lũ tính đến thời điểm này, đã có 1 người mất tích (cháu Hà Thị Trang 10 tuổi ở thôn Tà Lương, xã Trà Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) bị nước cuốn trôi khi qua sông Rin.

Có 2 người bị thương (1 người ở Quảng Ngãi bị thương do tường nhà đổ; 1 ở Quảng Trị do lốc xoáy).

Tại tỉnh Quảng Trị, bão làm tốc mái 90 căn nhà, 150ha cây lâm nghiệp, 605ha cây cao su bị gẫy đổ.

Bão cũng làm sập, tốc mái 13 ngôi nhà tại tỉnh Quảng Ngãi, gây thiệt hại 150ha hoa màu.

5 tàu (Hà Tĩnh 1; Bình Định 1; Quảng Ngãi 3) bị chìm, 6 tàu bị hỏng.

Các cơ quan chức năng đã thực hiện thành công 2 vụ cứu nạn trên biển.

Trong cuộc họp khẩn của Ban chỉ huy tiền phương tại Thừa Thiên - Huế sáng sớm hôm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục nhấn mạnh công tác đảm bảo an toàn cho nhân dân khi cơn bão đổ bộ, yêu cầu các địa phương khuyến cáo và giám sát chặt chẽ, không để dân rời khỏi nơi trú ẩn. Các lực lượng sẵn sàng túc trực đối phó với tình huống khẩn cấp, bảo vệ các khu vực xung yếu, chuẩn bị tốt công tác chăm lo đời sống, đảm bảo an toàn cho dân trong mưa bão.

Sáng nay, Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp xuống các điểm xung yếu của các tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng.

Nhận định từ cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, thời gian cơn bão số 9 tràn vào đất liền sẽ kéo dài khoảng 20 tiếng đồng hồ, vùng ảnh hưởng nặng là từ Quảng Trị đến Quảng Nam, tâm bão có khả năng đổ bộ vào vùng đèo Hải Vân thuộc địa phận Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Bão có sức gió giật mạnh cấp 12, kèm theo mưa lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ 300-500 mm, đặc biệt có vùng lượng mưa lên đến 700mm.

* Thừa Thiên- Huế: Vừa chống bão vừa chạy lụt

Do ảnh hưởng của bão số 9, từ đêm qua đến 8 giờ sáng nay 29-9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có gió bão giật cấp 7, cấp 8, nhà cửa tốc mái, cây cối trốc gốc, đổ gẫy gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường chính tại TP. Huế và các tuyến tỉnh lộ. Ngoài gió lớn, nước lũ từ đầu nguồn dồn dập chảy về khu vực đồng bằng cộng với mưa to đã khiến mực nước tại các sông Hương, sông Bồ, Ô Lâu đều xấp xỉ mức báo động 3 vào đầu giờ sáng nay.

Sáng nay, nhiều tuyến đường chính tại Tp. Huế phải dựng rào chắn, không cho người và phương tiên lưu thông vì đường ngập lụt. Ảnh: Văn Thắng

Sáng nay, nhiều tuyến đường chính tại Tp. Huế phải dựng rào chắn, không cho người và phương tiên lưu thông vì đường ngập lụt. Ảnh: Văn Thắng

Tính đến 6 giờ sáng nay, công tác di dời 2.500 hộ dân gồm hơn 10 ngàn nhân khẩu tại TP. Huế đã hoàn tất. 100% hộ dân có nhà cửa tạm bợ, gần cửa sông tại TP. Huế đã được trú ẩn an toàn tại trụ sở UBND các phường, xã và các trường học, nhà cao tầng trên địa bàn. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị lương thực và nhu yếu phẩm, thuốc men đảm bảo cho người dân dùng từ 2 đến 3 ngày trong thời gian mưa bão.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, rạng sáng 28-9, công tác di dời 20 ngàn hộ với hơn 80 ngàn nhân khẩi sống dọc khu vực đầm phá và ven biển các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc đã hoàn tất. Rút kinh nghiệm từ những đợt di dời trong năm 2008, đợt này, địa phương tiến hành phân tán, không để những hộ dân di dời tập trung ở một chỗ, tránh thiệt hại lớn khi xảy ra tình huống xấu.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng và Công an tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời dân các vùng nguy hiểm đến nơi an tòan, hình thành các cụm chủ động chống bão, đưa 9 canô và tàu xuống sông Hương để sẵn sàng ứng cứu; tổ chức đội cơ động tuần tra, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu.

Sáng nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cho 100% học sinh trên địa bàn nghỉ học để tránh bão số 9 trong 2 ngày 29 và 30-9.

Trên trục đường 49, 14B và các tuyến đường nội thành Huế đã bị ách tắc nhiều đoạn do cây cối bị gió bão trốc gốc, đổ xuống đường. Đặc biệt, nước lũ đã cao hơn mặt đường từ 0,3-0,5m. Hàng ngàn cây cối và hoa màu, biển quảng cáo, mái lợp tôn của hàng ngàn nhà dân sống ở 2 ven đường QL1A tỉnh lộ 14B, 49, 12... đã bị gió bão quật đổ, hất văng ra đường.

Lợi dụng người dân đổ xô đi mua lương thực và các nhu yếu phẩm chuẩn bị cho mưa bão, tiểu thương tại các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cưu của TP. Huế và các chợ vùng vùng ven đã tăng giá một số mặt hàng. Cụ thể, rau muống ngày thường có giá 2.000đ/bó nhưng sáng nay đã tăng lên 4.000đ/bó, các loại rau củ quả khác cũng theo đó mà tăng giá từ 2.000đ- 3.000đ/kg.

Đà Nẵng:Cây đổ, giao thông ách tắc, nghẽn mạng điện thoại, mất điện toàn bộ

* Sáng nay, hầu hết các tuyến đường phố Đà Nẵng ngập tràn cây cối gãy đổ, giao thông ách tắc. Hệ thống thông tin liên lạc cũng như các mạng điện thoại di động đã bị nghẽn mạng. Hệ thống điện bị tê liệt hoàn toàn do trụ điện bị gãy đổ. Mái nhà tôn bị gió giật bay lững lờ tên trời và kéo lê trên đường phố. Trung tâm Hội chợ Triễn lãm TP Đà Nẵng đã bị tốc một phần mái che, hàng chục trụ điện trước khu vực này bị xiêu vẹo sắp gãy đổ.

Nước sông Hàn đã dâng cao và có sóng lớn. Đường Bạch Đằng nhiều đạon bị ngập. Tại sông Hàn và biển Thanh Bình, nhiều tàu thuyền của ngư dân bị sóng nhấn chìm, một số ngư dân vẫn tiếp tục bám tàu để bơm hút nước cứu tàu trong bão gió dữ dội.

Tại phường Thuận Phước, lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục sơ tán dân vùng ven biển vào trú bão tại các khu vực an toàn như trường học, nhà thờ,… Tại nhà thờ Thanh Đức, hàng răm người dân phường Thuận Phước vào trú bão tại các dãy nhà kiên cố. Ngay trong sáng 29-9, nhà thờ đã tổ chức nấu mì tôm để phục vụ cho bà con trú bão.

Tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), gió bão mạnh cộng với nước sông dâng cao đã khiến nhiều ngôi nhà bị quật đổ, tốc mái. Nước sông dâng cao cũng đã cô lập nhiều nơi.

Tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, những mặt hàng bán chạy như đinh, ốc vít, dây kẻm, cát, bao tải nhỏ và các loại nhu yếu phẩm khác… đã bị đẩy giá lên cao hơn 20%-30% so với ngày thường. Tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Trần Cao Vân, ông Lê Văn Phương, bức xúc: “Kiểu này thì chết dân. Hầu hết người đi mua đồ về chèn chống nhà cửa là người nghèo, thế mà giá cả tăng như thế này thì lấy tiền đâu ra mua đủ vật liệu về chèn chống nhà cửa. Riêng nhà tôi, muốn cho chắn chắn thì phải mất gần cả triệu đồng. Nhà nước phải có sự kiểm tra, xử lý cho dân nhờ.”

Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đối phó với bão số 9 ở Đà Nẵng đã hoàn tất. Công tác sơ tán dân tại những vùng ven biển, vùng sạt lở cũng đã xong trước 17 giờ ngày 28-9.

* Sáng nay, lực lượng cứu hộ quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã di chuyển gần 80 hành khách cùng toàn bộ tài sản trên hai chiếc xe ô tô khách bị ngập trong nước về trụ sở UBND quận Liên Chiểu an toàn.

Hai chiếc ô tô khách này chở 75 hành đã bị ngập nước và chết máy vào rạng sáng nay. Địa điểm xe chết máy là điểm ngập nặng, rất vắng người qua lại, khu vực này có gió to làm nước tràn vào xe khiến hành khách trên xe hoảng loạn. UBND quận Liên Chiểu đã bố trí chỗ ăn ở và phát lương thực cho những hành khách này cho đến khi qua cơn bão.

Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đang đưa xe lội nước lên cứu hộ 10 thanh niên ở lại giữ làng bị nước lũ cô lập tại thôn Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

* Đà Lạt: Thông đổ đè chết người đi đường. Các chuyến bay đi - đến sân bay Liên Khương bị hủy. Học sinh nghỉ học.

Khoảng 7 giờ sáng nay, 29-9, gió mạnh cấp 4, cấp 5 đã giật bật gốc một cây thông cổ thụ trong khuôn viên biệt thự số 31 Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), khiến cây đổ ngang qua đường đè chết chị Phùng Thị Thanh (SN 1978, ở đường Lữ Gia, là giáo viên trường PTTH Trần Phú Đà Lạt) đang chở con đến trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Riêng cháu bé, con chị, may mắn thoát nạn. Cây thông đổ còn làm 3 học sinh của trường PTTH Trần Phú đang trên đường về nhà bằng xe đạp bị thương nhẹ.

Gió mạnh cũng đã giật đổ nhiều cây thông, tùng tại các đường Đoàn Thị Điểm, Đinh Tiên Hòang, Triệu Việt Vương, đường vòng Lâm Viên, đường Lữ Gia...

Sáng nay, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn TP Đà Lạt nghỉ học để tránh nguy hiểm do mưa bão.

Các chuyến bay của Vietnam Airlines đi – đến sân bay Liên Khương chiều 28 và sáng 29-9 cũng phải tạm hoãn do thời tiết xấu.

* Đắc Lắc:Sân bay Buôn Ma Thuột đã hoãn 7 chuyến bay

Do mưa lớn nên nước sông Sê rê pốc tại Bản Đôn đã lên mức báo động II. Mưa lũ cũng đã làm ngập nhiều diện tích hoa màu, lúa ở huyện Lắc và Cư M’gar. Đêm qua, ở huyện Ma Đ’rắc có nhiều ngôi nhà dân bị tốc mái.

Do thời tiết xấu, trong 2 ngày 28 và 29 – 9, Sân bay Buôn Ma Thuột đã hoãn 7 chuyến bay của 385 khách đi TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Sân bay Buôn Ma Thuột cũng cho biết, sớm nhất thì đến 17 giờ ngày 30 - 9, các chuyến bay mới hoạt động trở lại.

* Gia lai: Mưa lớn, nước lũ gây ách tắc giao thông, nhiều xã bị cô lập

Suốt ngày hôm qua (28-9) cho đến 11 giờ sáng nay (29-9), trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa rất to, lượng mưa cao nhất là tại thị xã An Khê (hơn 150 mm). Mưa lớn đã gây lũ, làm chia cắt giao thông ở một số nơi.

Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, nước lũ làm trôi cầu tạm từ làng Đăk Lá đi vào làng A Lao, làm giao thông nội vùng bị tê liệt. Tại cầu tràn Đe Gơ thuộc địa bàn xã Lơ Pang, nước lớn tràn qua làm việc lưu thông, đi lại từ thị trấn Kon Dỡng (huyện Mang Yang) đi các xã Đê Ar, Kon Thụp, Đăk Trôi (huyện Mang Yang) bị ách tắc hoàn toàn. Còn tại xã Ayun, huyện Mang Yang, nước lũ làm sạt lở đoạn cầu 20 với chiều dài 500 mét, nước ngoạm sâu vào bờ 2,5 mét.

Tại huyện Krông Pa, mưa lớn trong hai ngày qua làm nước lũ dâng cao trên suối Ia Rsai. Toàn bộ học sinh của 7 thôn, buôn trong xã Ia Rsai phải nghỉ học trong sáng nay (29-9) vì không thể về khu trung tâm để đi học. Nước từ thượng nguồn sông Ba đổ về gây lũ lớn, nước chảy xiết nên tại khu vực cầu Bung, phà và ca nô tạm dừng hoạt động từ sáng nay.

Ngoài ra, 11 bến đò ngang khác trên sông Ba tại các xã Ia Rmok, Krông Năng cũng được cấm hoạt động từ sáng 29-9. Tuyến đường liên xã phía Tây Nam huyện Krông Pa bị ngập tại cầu tràn suối Uar, toàn bộ việc đi lại của nhân dân từ xã Chư Đrăng đến các xã Ia Rmok, Ia Dreh bị cắt đứt hoàn toàn.

Sáng nay, mực nước trên các sông, suối ở Gia Lai tiếp tục tăng. Tại trạm Pmơrê (trên sông Ayun), nước đang ở mức 676 mét, vượt báo động III là 1 mét; tại trạm Ayun Pa (trên sông Ba), nước đang ở mức 156 mét, vượt báo động III là 0,25 mét. Nguy cơ lũ quét ở Gia Lai là rất lớn.

* Kon Tum: Đã có 2 người chết do bão số 9

Do ảnh hưởng bão số 9, từ hôm qua đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa rất to, liên tục, kéo dài. Rạng sáng nay (29-9), cầu Đắc Trong trên tỉnh lộ 678 (từ Kon Tum đi Quảng Nam) đã bị sập, gây tắc ách giao thông hoàn toàn.

Tại huyện TuM’Rông, nước lũ đã làm ngập nhiều nhà dân ở xã Đắc Na, làm chết 2 người con của ông A Giàu. Tỉnh lộ 672 đi xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông đã bị sạt lở ước khoảng 24.000 m³. TP. Kon Tum đã có ngập cục bộ, có nơi nước dâng cao trên 1m, làm hư hỏng nhiều nhà dân. Tối 28-9, đã có 5 hộ dân ở đường Dã Tượng phải di dời. Huyện ĐăkGlei cũng đã nhanh chóng di dời 4 hộ gia đình sống rải rác dọc sông Đăk Xanh, PôKô về tạm trú tại hội trường thôn.

Nhóm PV

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast