Cá khô ngày nắng

(Baohatinh.vn) - Nắng phủ màu óng ánh như dát bạc lên từng vỉ cá được phơi kín cả lối đi, những chiếc nón lá nhấp nhô giữa nền nắng rực rỡ vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về không khí lao động của bà con vùng biển Thạch Kim, Cẩm Nhượng. Những ngày này, tận dụng sức nhiệt từ chiếc “máy sấy khổng lồ”, bà con làm nghề phơi cá khô đang hối hả vào mùa.

“Đội” nắng

Đến Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) khi trời chuyển trưa, nắng càng lúc càng hầm hập, mùi tanh nồng đặc trưng của xứ biển trở nên gắt hơn bởi mấy chục tấn cá khô các loại được người dân bày khắp phơi mình dưới nắng. Thế nhưng, từng tốp người vẫn “đội” nắng tỉ mẩn, chăm chút lật trở từng miếng cá cho nắng “thấm” đều và không quên buông lời bông đùa “dân vùng khác gắng chịu nắng thêm vài tháng nữa cho dân biển nhà tui thêm được ít yến cá khô”.

Cơ sở chế biến cá khô Thanh Sáng giải quyết việc làm thời vụ cho 20 công nhân trong xã ảnh
Cơ sở chế biến cá khô Thanh Sáng giải quyết việc làm thời vụ cho 20 công nhân trong xã ảnh

Đến bãi phơi cá lớn nhất nhì xã của ông Nguyễn Tiến Sáng (Trung Hải - Cẩm Nhượng) vừa lúc ông cùng 20 công nhân đang gấp rút trở những vỉ cá cuối cùng kịp đón nắng trưa (thời điểm đẹp nhất để phơi cá).

Vừa thoăn thoắt làm việc, vừa tranh thủ chuyện trò với chúng tôi, ông Sáng chia sẻ: “Làm cá khô đơn giản lắm, cơ bản có chịu nóng, chịu đen được không thôi. Các công đoạn chế biến phải xong trước 10h sáng để cá được hưởng cái nắng đẹp nhất trong ngày. Có như thế, con cá mới có giá vì ngon và đẹp. Sau khi được hấp chín hoặc xẻ ra để tươi, cá sẽ được sắp lên những tấm vỉ hình vuông chừng 1m2 phơi ngoài nắng. Công việc làm cá khô lặp lại với quy trình, sáng mang ra phơi, canh thời gian trở cá nhiều lần, chiều gom vào kho. Tùy độ dày, mỏng của miếng cá để có thời gian phơi phù hợp, trời nắng to chỉ cần 1 ngày với các loại cá cơm, mờm…, 3 ngày với cá thởng, nục nhỏ, chỉ vàng… còn mùa đông thì phải dùng đến máy sấy”.

Đi dọc đường ra cảng cá Cồn Gò, đâu đâu cũng gặp những vỉ cá được xếp san sát nhau. Hầu như nhà nào cũng làm cá khô, ít thì vài vỉ, nhiều thì có khi cả chục vỉ, mái nhà, tường rào, bờ đê được tận dụng để làm chỗ phơi phong. Chị Nguyễn Thị Nhị (Nam Hải - Cẩm Nhượng) cho biết: “Không phải là cơ sở chế biến lớn nên gia đình tôi làm cá khô tranh thủ những tháng nắng, trung bình mỗi ngày phơi 2-3 yến cá tươi, chiều đưa ra chợ bán lại cho thương lái nên cũng có đồng ra, đồng vào”.

Tuy không có nhiều cơ sở chế biến cá khô quy mô lớn như Cẩm Xuyên nhưng ở Thạch Kim (Lộc Hà), mùa này cứ “đến hẹn lại lên”, nhà nhà phơi cá, người người phơi cá. Nhiều ngư dân ở đây cho biết, vào mùa này, đánh bắt về nhiều nhưng không lo bị ế. Ngoài số cá tươi cung cấp cho các chợ, số còn lại được thu mua hết để chế biến cá khô. Tuy số lượng cá đánh bắt nhiều, giá cá tươi hạ, nhưng bù lại, cá được bán hết ngay để tiếp tục phiên biển sau nên đời sống của ngư dân

cũng được nâng lên. Chị Trần Thị Quyền (Long Hải - Thạch Kim) chia sẻ: “Mùa ni nắng sớm, lại nắng to nên bà con phấn khởi lắm. Cái nghề phơi cá phải kiêm luôn… phơi người mới cho ra từng miếng cá thơm ngon. Tranh thủ làm mấy tháng nắng chứ mùa đông có muốn cũng không có mà làm”.

Nghề phụ, thu nhập khá

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có hơn 80 hộ chế biến cá khô, trong đó có 2 cơ sở làm với số lượng lớn và chuyên nghiệp. Đặc biệt, với lợi thế gần Khu du lịch Thiên Cầm nên các sản phẩm chế biến hải sản, trong đó có cá khô các loại có cơ hội được quảng bá và tiêu thụ rộng khắp. Vậy nên, nghề phơi cá không chỉ giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu mà còn giải quyết việc làm thời vụ cho người dân, đặc biệt là phụ nữ”.

Tranh thủ ngày nắng, chị Quyền có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng cho gia đình nhờ việc phơi cá khô

Tranh thủ ngày nắng, chị Quyền có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng cho gia đình nhờ việc phơi cá khô

Trung bình mỗi mùa làm cá khô, cơ sở chế biến hải sản Thanh Sáng (Trung Hải - Cẩm Nhượng) xuất bán 10-15 tấn cá khô các loại. Tùy theo giá cả của cá tươi mua vào mà giá cá khô cũng biến động theo. Từ sau tết đến nay, giá mỗi kg cá nục tươi mua vào 9-12 nghìn đồng. Cá cơm thì nhỉnh hơn chút ít, 15-18 nghìn đồng/kg. Để làm ra 1 kg cá khô, cần 4-5 kg cá tươi. Trung bình mỗi kg cá khô bán sỉ tại cơ sở sản xuất 60-70 nghìn đồng đối với cá trích ve; 100 nghìn đồng với cá cơm, 130 nghìn đồng/kg cho cá thởng và 100 nghìn đồng/kg đối với cá nục... Vì có máy hấp sấy nên cơ sở này hoạt động liên tục gần như cả năm, trừ những ngày mưa, bão lớn nên những phụ nữ nghèo ở vùng biển này có việc làm và thu nhập tương đối ổn định. Ngoài việc làm giàu chính đáng cho gia đình, cơ sở Thanh Sáng còn giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 13 lao động thời vụ với thu nhập trung bình 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

“Chồng đi biển, vợ ở nhà không lẽ ngồi không. Nghề này chỉ cực lúc phơi, còn lại không nặng nhọc lắm nên hầu hết phụ nữ nghèo vùng biển như tôi đều có thể làm được. Làm ngày nào có tiền luôn ngày đó, mỗi ngày 200-300 nghìn đồng nên cũng đủ để mẹ con trang trải cuộc sống” - chị Trần Thị Hải (Hoa Thành - Thạch Kim) chia sẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast