Cần có chủ trương, và giải pháp phù hợp sau XKLĐ

Sáng 27-7, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội do Phó chủ nhiệm Đặng Như Lợi dẫn đầu đã có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động (XKLĐ) tỉnh khảo sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đoàn khảo sát gặp gỡ người lao động về nước tại xã Xuân Thành
Đoàn khảo sát gặp gỡ người lao động về nước tại xã Xuân Thành

Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiêù chuyển biến rõ nét. Công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện pháp luật về XKLĐ đã được cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm, triển khai sâu rộng đến với mọi người dân. Nhờ đó, người dân được tiếp cận với các thông tin để có thể lựa chọn cho mình một thị trường XKLĐ phù hợp và quan trọng nhất là làm thay đổi được quan điểm nhìn nhận về giải quyết việc làm, phát triển kinh tế bằng con đường XKLĐ. Công tác tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoạt động quản lý Nhà nước và các thủ tục để đưa người đi XKLĐ đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 21.088 người đi làm việc ở nước ngoài, trở thành một địa phương điển hình về hoạt động XKLĐ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương và các doanh nghiệp có chức năng nhiệm vụ xuất khẩu lao động. Nhiều đại biểu đề nghị: cần tập trung chỉ đạo quy hoạch lại hệ thống các cơ sở dạy nghề, dạy ngoại ngữ phục vụ XKLĐ theo hướng chuyên sâu; có chế tài xử phạt nghiêm khác hơn đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên lĩnh vực XKLĐ; có quy định cụ thể mức thu phí XKLĐ từng thị trường, mở rộng và ăng mức cho vay vốn đi XKLĐ…Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước, chính quyền cơ sở cần có các chủ trương, chính sách và giải pháp “hậu XKLĐ” để sử dụng tiền và tay nghề của người lao động trở về một cách hiệu quả nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi đã phân tích rõ thêm tình hình thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn cả nước, ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác XKLĐ của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Các ý kiến đề xuất sẽ được Đoàn khảo sát tập hợp trình lên Quốc hội để có có chủ trương, chính sách hợp lý và làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để hoạt động XKLĐ ngày càng hiệu quả hơn.

Trước đó, (ngày 26-7) Đoàn khảo sát cũng đã đi thực tế nắm bắt tình hình hoạt động XKLĐ và gặp gỡ, tiếp xúc với một số người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về tại xã Xuân Thành (Nghi Xuân) và phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast