Cần đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề cho nông dân

Những năm qua, Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho hàng ngàn hội viên, nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn khá nhiều nghề mà người nông dân đang trông đợi được tiếp cận.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch Hội nông dân Hà Tĩnh, trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có trên 1.200 hội viên, nông dân được đào tạo nghề. Phần lớn các học viên thuộc diện hộ nghèo được đào tạo các nghề như: mây tre đan, chăn nuôi thú y, trồng hoa, trồng nấm… tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi ngành nghề tại chỗ, tự tạo việc làm, tham gia lao động tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ và tham gia xuất khẩu lao động. Từ việc đào tạo nghề mây tre đan, mới đây, nông dân Hà Tĩnh đã làm ra sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

Nghề giúp việc gia đình đang thịnh hành ở đô thị nhưng việc đào tạo nghề chưa tính đến
Nghề giúp việc gia đình đang thịnh hành ở đô thị nhưng việc đào tạo nghề chưa tính đến

Có dịp tiếp xúc với người nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh như: Kỳ Anh,Thạch Hà,Hương Sơn…chúng tôi nghe không ít người đề xuất: Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh nên mở thêm lớp đào nghề giúp việc gia đình chuyên nghiệp, gắn với việc giới thiệu việc làm cho người lao động nữ vùng nông thôn, vùng mất đất sản xuất do xây dựng các khu công nghiệp. Đây là việc cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời giúp người lao động, đặc biệt là phụ nữ có cơ hội tìm việc làm phù hợp,mang lại thu nhập thoả đáng, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.

Hiện nay, nghề giúp việc gia đình (thường gọi là ô sin) đang là một nghề “nóng”, tương đối khan hiếm, nhất là các gia đình ở vùng thành phố, thị xã nhiều lúc rất cần người giúp việc gia đình nhưng phải tìm mất nhiều thời gian mới có đối tượng phù hợp.

Anh B, cán bộ một ngành cấp tỉnh ở thành phố Hà Tĩnh nói: Gia đình tôi cần người giúp việc, phải nhờ bố mẹ ở quê tìm hơn 3 tháng mới được; vì thế đôi lúc tôi phải chiều ô sin hơn cả chiều vợ(?). Hàng năm, thường cứ sau dịp tết Nguyên đán, cả nhà lại ngóng cổ dài chờ ô sin, bởi nếu họ không trở lại là chúng tôi “mất ăn mất ngủ” vì không có người giúp việc nhà để yên tâm đi làm (!).

Theo chúng tôi tìm hiểu, nghề giúp việc gia đình thu nhập cũng không phải là thấp. Hiện nay ở Hà Tĩnh sau khi được gia chủ bao ăn ở, mỗi tháng người giúp việc được khoảng 1,5-2,5 triệu đồng; còn làm tại các thành phố lớn thì thu nhập cao hơn. Vừa qua, vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp rất nhiều người quê ở Hà Tĩnh làm nghề giúp việc gia đình, thu nhập trung bình từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng; so với mặt bằng chung, mức thu nhập đó là được.

Gặp và nói chuyện với chị Trần Thị Vân (Kỳ Anh), chị khoe với tôi đã vào đây 2 năm, giúp việc cho gia đình cho một người đồng hương nên giữa chị và gia chủ sống rất tình cảm, thu nhập 4 triệu đồng/tháng; nhờ đó mà chị nuôi được con gái đang học ở trường đại học kinh tế.

Không may mắn như chị Vân nhưng các chị Bùi Thị Minh(Thạch Hà) , Đinh Thị Hằng (Hương Sơn) và nhiều người khác, mỗi tháng cũng kiếm được không dưới 3 triệu đồng ừ nghề giúp việc gia đình.

Tuy vậy, làm nghề giúp việc gia đình cũng không hề đơn giản,lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, trái lại khó khăn thử thách cũng rất nhiều. Bà Lê Thị Loan,Giám đốc một Trung tâm giới thiệu việc làm ở quận Bình Thạnh cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu về người giúp việc gia trên địa bàn thành phố rất lớn, thậm chí “cầu” đã vượt “cung”. Điều đáng nói là do không được đào tạo nên cũng chỉ có khoảng 70% lao động nông thôn ra thành thị làm nghề giúp việc “trụ” lại được với nghề, còn lại là bỏ việc giữa chừng do không đáp ứng được yêu cầu của gia chủ.

Cũng theo bà Loan,các trung tâm đào tạo nghề của Hội nông dân nếu đào tạo nghề giúp việc gia đình thì nên trang bị cho học viên kiến thức về chăm sóc trẻ, cách nhận biết và xử lý sự cố với bệnh của trẻ; chăm sóc người già,người ốm và kỹ năng vượt lên chính mình, vượt qua thử thách để làm giàu… Sau khoá học, cần cấp chứng chỉ cho học viên và giới thiệu việc làm cho họ.

Từ thực tế, chúng tôi thấy hiện nay nhiệm vụ đào tạo nghề giúp việc gia đình chuyên nghiệp là rất cần thiết, mong các cấp, các ngành sớm triển khai, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nông dân,nhất là khi chúng ta triển khai thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast