Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp miền Trung 460 tỷ đồng

Chiều 1/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát vùng bão lũ và quyết định hỗ trợ khẩn cấp 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung. Riêng tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, thiệt hại do bão lên tới 8.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp với Chủ tịch các tỉnh miền Trung, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu cao nhất hiện nay là khắc phục sớm nhất các thiệt hại, đặc biệt là về người. Các địa phương tiếp tục nỗ lực công tác tổ chức cứu nạn, tiếp cận những nơi đang còn bị chia cắt, đảm bảo cho người dân không bị thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và quần áo ấm.

Thủ tướng kiểm tra công tác khắc phụ hậu quả bão, chiều 1/10. Ảnh: Chinhphu.vn

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp đối phó với lũ lụt, hạn chế về số người thiệt mạng do lũ, tập trung tìm kiếm người mất tích, lo cứu chữa 200 người bị thương, tìm mọi cách để liên lạc với 13 xã bị cô lập. Thủ tướng lưu ý quy chế vận hành hồ chứa thủy điện để giảm lũ cho vùng hạ lưu.

“Tôi ngày càng sốt ruột về thông tin những người còn mất tích, những tàu ngư dân còn trôi dạt ngoài khơi và cứu chữa hơn 200 người bị thương”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng quyết định, Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh thiệt hại 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cùng cơ số thuốc khử trùng môi trường, khử trùng nước cho vùng bị bão lũ.

Tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ ban đầu 100 tỷ đồng và 4.000 tấn lương thực, trước mắt giải quyết các vấn đề về dân sinh (hỗ trợ người bị chết, bị thương, mất nhà cửa, khôi phục trường học, cơ sở y tế...). Theo lãnh đạo tỉnh, tổng giá trị sản xuất hàng năm của địa phương là 15.000 tỷ đồng, trong khi đó cơn bão số 9 gây thiệt hại 3.500 tỷ đồng.

Hiện tại, nhiều tuyến đường của các huyện miền núi đi lại vẫn còn khó khăn do chìm trong nước lũ như: huyện Tây Giang, Nông Sơn, Nam Trà My, Đông Giang... 9 đoàn công tác sẽ xuống làm công tác cứu trợ, hỗ trợ đồng bào tại đây..

Tỉnh Quảng Ngãi được hỗ trợ bước đầu 4.000 tấn lương thực và 80 tỷ đồng. Tỉnh có 27 người chết, tổng thiệt hại do bão ước tính 4.500 tỷ đồng. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay ở Quảng Ngãi là nhiều giếng đào của người dân bị ngập nặng, rất mất vệ sinh. Do đó, ngoài việc cung cấp lương thực, phục hồi các đường dây điện, tuyến đường bị bão tàn phá... tỉnh cũng chú trọng dọn dẹp vệ sinh, xử lý sát khuẩn.

Nhiều khu dân cư ở Quảng Bình bị lũ cô lập hoàn toàn. Người dân cưu mang nhau trong ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Xuân Quang.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, cơn bão số 9 (Ketsana) đạt cấp 13 bão lũ đã làm 93 người chết hơn 20 người mất tích, hơn 200 người bị thương. Hơn 6.000 ngôi nhà bị sập, hơn 170.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 179 tàu thuyền bị chìm, lật. Sau bão, một số sông vượt mức lũ lịch sử như Trà Bồng (Quảng Ngãi), Pôkô (Kon Tum)... gây ngập lụt diện rộng.

Trong những ngày qua, Bộ Quốc phòng đã huy động gần 11.000 cán bộ chiến sĩ, hàng trăm xe ôtô, thiết giáp, ca nô, tàu hải quân, máy bay hỗ trợ các địa phương chống bão.

Trong bão, các lực lượng cứu nạn đã cứu 22 vụ tai nạn trên biển, cứu sống 162 người dân, đưa 300 người dân Campuchia ra khỏi vùng gặp nạn, tổ chức 4 chuyến bay trực thăng chở 4 tấn hàng hóa cứu trợ các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Sáng 30/9, trên đường tiếp cứu người dân bị nước lũ vây hãm, chiếc canô của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị gặp dòng nước xoáy, lật úp., thiếu tá Lê Xuân Phượng đã hy sinh.

Off Telex VNI VIQR

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast