Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ

(Baohatinh.vn) - “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để tự bảo vệ mình, doanh nghiệp và xã hội” là chủ đề Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ –PCCN) lần thứ 17, năm 2015 diễn ra từ ngày 15 - 21/3.

Thông điệp đó là lời nhắc nhở, cảnh báo và nâng cao ý thức trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động và người lao động trong công tác ATVSLĐ - PCCN.

Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ ảnh 1

Mặc dù, công tác ATVSLĐ - PCCN đã có chuyển biến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ và quyết liệt; nguy cơ tiềm ẩn về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2014, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) 6.709 vụ (tăng 14 vụ so với năm 2013), làm 6.941 người bị nạn, thiệt hại về vật chất do TNLĐ là 98,54 tỷ đồng. Nguyên nhân để xẩy ra TNLĐ chủ yếu vẫn do người sử dụng lao động (chiếm 72,7%) không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện ATLĐ cho người lao động. Nguyên nhân do người lao động không thực hiện đúng quy trình lao động, không sử dụng bảo hộ lao động chiếm 13,4%.

Về cháy nổ, năm 2014, trên địa bàn cả nước xẩy ra hơn 2.000 vụ cháy, làm chết hơn 102 người, bị thương 150 người, thiệt hại vật chất hơn 600 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy, nổ là do khinh suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt hoặc chủ quan trong hàn, cắt kim loại..

Tại Hà Tĩnh, cùng với tập trung phát triển KT-XH, thời gian qua, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đã quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần trách nhiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Theo thống kê, số vụ TNLĐ từ năm 2012 - 2014 trên địa bàn đang giảm dần. Cụ thể năm 2012: 89 vụ, năm 2013: 59 vụ và năm 2014: 36 vụ góp phần đưa Hà Tĩnh ra khỏi danh sách các tỉnh có số vụ TNLĐ chết người cao nhất cả nước.

Mặc dù, công tác ATVSLĐ - PCCN đã có chuyển biến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ và quyết liệt; nguy cơ tiềm ẩn về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ còn cao; nhất là nguy cơ TNLĐ trên các công trường xây dựng, cơ sở khai thác đá, gia công cơ khí, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng. Công tác đảm bảo ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp chưa được chú trọng; tình hình cháy nổ, cháy rừng còn diễn biến phức tạp...

Việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ - PCCN của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Tỷ lệ lao động được huấn luyện ATVSLĐ đạt 37%; trang bị bảo hộ lao động đạt 59%. Công tác thông tin tuyên truyền chưa được đẩy mạnh; ý thức người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATLĐ, VSLĐ, PCCN ở một số nơi chưa đạt yêu cầu.

Để Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ - PCCN đạt hiệu quả cao nhất, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về ATVSLĐ - PCCN. Công tác tuyên truyền phải thật sự đổi mới, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp, tập trung hướng về cơ sở sản xuất, chủ sử dụng lao động và người lao động.

Các cơ quan, đơn vị, nhất là doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, đầu tư mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCN nhằm giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật ATVSLĐ - PCCN.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast