Chung tay giải quyết việc làm cho người khuyết tật

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm (GQVL) cho người khuyết tật ở tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để người khuyết tật thực sự hòa nhập cuộc sống, vượt qua những khó khăn, khiếm khuyết của bản thân thì cần tiếp tục có sự chung tay, góp sức của cộng đồng...

Những nỗ lực đáng quý…

Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và GQVL cho người tàn tật tỉnh đã đào tạo được 14 khóa với hơn 1.600 học viên. Bên cạnh các ngành nghề phổ biến như: tin học, may dân dụng, điện dân dụng, mây tre đan, mộc, trung tâm còn tổ chức các lớp về in lưới, sửa chữa xe máy, trồng rừng... nhằm mở ra nhiều hướng đi cho học viên sau khi ra trường.

Chung tay giải quyết việc làm cho người khuyết tật ảnh 1

Xưởng may của trung tâm là nơi giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, trung tâm còn tăng cường khâu nối, kêu gọi sự chung tay, góp sức từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Đến nay, đơn vị đã xây dựng được hệ thống nhà nội trú, nhà lý thuyết, xưởng thực hành khang trang, giúp học viên có điều kiện tiếp thu nhanh các nội dung, chương trình. Đặc biệt, trung tâm xây dựng thành công chuẩn chương trình đào tạo nghề cho từng đối tượng. Đây được coi là một bước ngoặt trong việc nâng cao kỹ năng, chuyên môn, giúp học viên có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm.

Theo ông Lê Đình Ý - Giám đốc Trung tâm thì đặc thù của đào tạo nghề cho người khuyết tật là “cầm tay chỉ việc”, giúp các em bắt chước hành động của giáo viên để lâu dần biến công việc thành thói quen. Nếu chỉ dùng giáo trình chung thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, xây dựng được chương trình đào tạo cho từng nhóm đối tượng khuyết tật sẽ giúp các em tiếp thu nhanh hơn, rút ngắn đáng kể thời gian đào tạo.

Ngoài chú trọng nâng cao kỹ năng nghề thì việc tìm đầu ra cho học viên sau khi hoàn thành khóa học luôn được trung tâm đặc biệt quan tâm. Kết thúc mỗi khóa học, trung tâm đều tổ chức tọa đàm với các doanh nghiệp để tạo cơ hội cho các em tìm kiếm việc làm. Thông qua các lần kiểm tra, đánh giá chất lượng thực tế, nhiều học viên đã tìm được việc làm ổn định.

Theo thống kê, đến nay, trung tâm đã giới thiệu, giải quyết việc làm ổn định cho gần 400 học viên tại các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ có nhà xưởng nên trung tâm đã tạo việc làm tại chỗ, thường xuyên cho gần 20 học viên với thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/ tháng. Thời gian tới, dự án trồng rừng, phát triển trang trại chăn nuôi tại Nghi Xuân hứa hẹn sẽ GQVL cho 30-50 người khuyết tật.

Chung tay giải quyết việc làm cho người khuyết tật ảnh 2

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Chung tay, góp sức vì người khuyết tật

Nhu cầu đào tạo nghề và GQVL cho người tàn tật ở Hà Tĩnh còn rất lớn, thế nhưng, trung bình mỗi năm, Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và GQVL cho người tàn tật chỉ mới đào tạo nghề cho khoảng 120-150 người. Mặt khác, sau đào tạo, làm sao để các em có thể độc lập kiếm sống đang là một bài toán khó đối với trung tâm và cộng đồng xã hội. Hiện nay, chỉ khoảng 10% học viên sau khi ra trường có thể tự tìm việc và có việc làm, số còn lại vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của người thân và đồng nghiệp. Nguyên nhân được cho là do tâm lý và quen được sự bao bọc của gia đình nên khi làm việc, khả năng độc lập của học viên hạn chế.

Chung tay giải quyết việc làm cho người khuyết tật ảnh 3

Cần nâng cao kỹ năng nghề để người khuyết tật có thể độc lập làm việc và kiếm sống.

Theo Giám đốc Lê Đình Ý, hiện nay, người bình thường tìm việc làm đã khó, đối với người tàn tật lại càng khó khăn hơn nhiều. Mặc dù, người khuyết tật luôn được ưu tiên nhưng trong sản xuất, kinh doanh thì không thể ưu tiên, nếu không làm được việc. Cho nên, nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách, thậm chí là bằng với kỹ năng nghề của người bình thường là vô cùng cần thiết để người khuyết tật có thể tự tìm được việc làm.

Hiện nay, việc xây dựng quỹ hỗ trợ, GQVL cho người khuyết tật được coi là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững cho các học viên sau khi kết thúc khóa học. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực là điều vô cùng khó khăn, cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast