Công đoàn cơ sở trong DN ngoài quốc doanh hoạt động kém hiệu quả

Công tác thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) và phát triển đoàn viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất quyết định đến chất lượng hoạt động và sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn. Bấy lâu nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tổ chức này vẫn còn lúng túng để tìm ra những lời giải tối ưu nhất cho vấn đề này, nhất là ở các doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài quốc doanh.

Tỷ lệ thành lập đạt thấp…

Theo quy định hiện hành thì các đơn vị, DN có từ 5 lao động trở lên và đi vào hoạt động không quá 6 tháng thì phải thành lập CĐCS, nếu quá thời gian quy định mà chưa thành lập thì phải chỉ định thành lập BCH công đoàn lâm thời. Thế nhưng thực tế ở tỉnh ta hiện nay thì công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn trong các DN ngoài quốc doanh còn chưa đảm bảo theo quy định.

Hà Tĩnh hiện có nhiều DN tổ chức công đoàn hoạt động rất yếu, không phát huy được vai trò, vị thế của mình
Hà Tĩnh hiện có nhiều DN tổ chức công đoàn hoạt động rất yếu, không phát huy được vai trò, vị thế của mình

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.800 DN nhưng mới chỉ có 227 CĐCS với 13.667 đoàn viên, trong đó có 17 DN nhà nước, 3 DN liên doanh, 207 DN ngoài quốc doanh và các loại hình khác. Thực hiện chương trình hành động theo Đề án phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh giai đoạn 2008-2013 thì mỗi năm các cấp công đoàn cũng chỉ thành lập thêm vài chục CĐCS mới. Nhưng con số đó còn rất khiêm tốn so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Theo tìm hiểu thì hiện có khoảng 60% DN đóng trên địa bàn đủ điều kiện thành lập nhưng chưa có CĐCS; cá biệt có nhiều đơn vị trong số 39 DN sử dụng trên 50 công nhân dù đã nhiều lần được vận động nhưng vẫn không tham gia. Tỷ lệ DN có tổ chức công đoàn đạt thấp kéo theo hàng chục ngàn lao động không được tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình…

Theo đồng chí Trần Thị Liệu - Phó Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh thì việc thành lập và phát triển đoàn viên trong khối DN chưa đáp ứng yêu cầu và gặp nhiều khó khăn vì các lý do như: các DN trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình nên tình hình việc làm và lao động không ổn định. Các chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn nên bất hợp tác, từ chối thành lập. Trong khi đó, do lương thấp, áp lực việc làm nên người lao động trong lĩnh vực này cũng chỉ mới quan tâm đến những cái trước mắt chứ chưa ý thức được những quyền lợi chính đáng, lâu dài của mình...

Tuy nhiên, theo chúng tôi, các nguyên nhân trên chỉ mới đúng chứ chưa đủ bởi để tình trạng này kéo dài từ trước đến nay còn có sự yếu kém, vào cuộc thiếu đồng bộ của các ban, ngành chức năng. Đặc biệt có những hạn chế xuất phát từ việc hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đoàn viên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo và chưa giúp cơ sở tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền vận động người lao động gia nhập công đoàn và vận động, thuyết phục chủ sử dụng lao động tạo điều kiện thành lập CĐCS chưa được tập trung cao độ, cách làm chậm đổi mới, thiếu tính cụ thể.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, khảo sát của một số công đoàn cấp trên cơ sở chưa cụ thể, thường xuyên nên không nắm bắt được tình hình để có những chỉ đạo, định hướng sát sao và năng lực một số cán bộ trong hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Chất lượng hoạt động yếu…

Ngoài việc phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn trong các DN đạt tỷ lệ thấp, chưa chỉ định được BCH lâm thời theo quy định thì chất lượng hoạt động của các CĐCS cũng đang cần được báo động. Hệ thống CĐCS DN ngoài quốc doanh hầu hết đều hoạt động rất yếu kém, không đạt yêu cầu. Chỉ xét riêng trong tổng số 120 đơn vị được thành lập từ năm 2008 đến nay thì chỉ có 22 đơn vị hoạt động tốt, số còn lại chỉ được chăng hay chớ. Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc phối kết hợp với lãnh đạo DN chưa được phát huy dẫn tới không xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh thì hiện nay nhiều DN tổ chức công đoàn hoạt động rất yếu, không phát huy được vai trò, vị thế của mình, tiêu biểu như: Công ty giấy Việt Nhật, Công ty Liên doanh nguyên liệu giấy HANVIHA (Kỳ Anh), Công ty điện tử Ông Nhân, Lý Thanh Sắc, Khách sạn Ngân Hà (TP Hà Tĩnh), Công ty vận tải Thành Đạt, Công ty cổ phần vận tải Thọ Lam (ngành Giao thông) cùng hàng chục DN khác.

Cá biệt, ở nhiều địa phương, công đoàn ngành còn khá phổ biến tình trạng thành lập CĐCS nhưng không hoạt động như: Xí nghiệp tư nhân Thành Thắng (Hương Sơn), Ga ra Anh Quân, khách sạn Thiên Phú, Doanh nghiệp trẻ (TP Hà Tĩnh), Công ty cổ phần xây dựng Vĩnh Tài, Công ty cổ phần xây dựng An Ngọc (Nghi Xuân)…

Lời kết…

Thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên trong DN là nhân tố quan trọng để triển khai các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động trong lĩnh vực vốn đang nhạy cảm này. Để thực hiện đúng theo luật định và tạo điều kiện cho DN phát triển SXKD, thể hiện trách nhiệm đối với người lao động thì trước hết cần phải kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình gắn với nâng cao chất lượng tham mưu, chất lượng cán bộ. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động và chủ sử dụng lao động, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành thì cần tích cực vận động chủ DN tạo điều kiện thuận lợi thành lập tổ chức công đoàn cũng như tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn đồng cấp…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast