Công nhân hoang mang sau tai nạn liên tiếp tại Keangnam

Bộ trưởng Lao động vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tai nạn liên tiếp tại công trình xây dựng tòa nhà cao nhất VN. Trong khi đó, tại khu lán trại công trường, âu lo hiện rõ trên gương mặt người lao động.

Trưa 29/7, buổi làm việc cuối trước khi đình chỉ thi công cao ốc Keangnam, nhiều tốp công nhân túa ra cổng, mồ hôi ướt ròng, có người mang theo cả dây bảo hiểm về lán trại...

Vừa đưa tay cởi dây an toàn, Hưng công nhân mới làm việc ở đây được hơn một tháng cho biết, hôm nay, nhiều công nhân đã tự ý thức đeo dây an toàn, đội mũ bảo hộ. Công nhân đi làm không đeo dây bảo hiểm sẽ bị giám sát nhắc nhở.

Hết giờ, các công nhân của công ty CP Xây dựng địa ốc Hòa Bình túa ra cổng.

Vừa làm việc trên tầng 6 của tòa tháp xây 70 tầng, anh Hay, quê Thanh Hóa cho biết: "Nghề này chẳng tránh khỏi rủi ro, nhưng giờ về quê cũng chẳng biết làm gì để sống. Trông chờ vào mấy sào ruộng thì đói". Theo anh Hay, sau mấy vụ tai nạn liên tiếp, một số công nhân trong đội của anh đã bỏ về do không chịu nổi áp lực tâm lý.

Tại nơi nghỉ trưa là những căn hộ đang xây dở, nhóm công nhân hơn 30 người cho biết, quê ở các tỉnh miền Nam được nhận vào đơn vị thi công tòa nhà Keangnam. Trước đây ở quê làm thủy sản, nghe giới thiệu, một tháng trước họ ra Hà Nội làm việc với mức lương 75-80 nghìn đồng mỗi ngày.

Theo anh Lê Văn Đông, 36 tuổi, quê ở Sóc Trăng, công việc nuôi tôm thuê mấy năm nay không mang lại nhiều thu nhập nên muốn đổi sang nghề xây dựng, mong kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi đứa con 3 tuổi.

"Tôi làm ở tổ sắt, chỉ hợp đồng với nhau làm ít nhất là 4 tháng, công ty bao tiền xe ra, vào. Nếu nghỉ trước thời hạn đó, công nhân sẽ phải đền bù tiền xe. Nghe tin lao động bị tai nạn tôi lo lắng lắm nhưng nếu về thì lấy tiền đâu để trả cho công ty", anh Đông buồn bã.

Mới 18 tuổi, nhưng Sước bé choắt, da sạm nắng, đen trũi. Sước cũng ở Bình Phước, bỏ học, nên hồ hởi theo những người lớn cùng quê ra Hà Nội làm. "Em cũng chẳng biết lương được bao nhiêu. Nhưng mấy ngày nay thấy tai nạn xảy ra nhiều quá cũng oải", Phước kể.

Tại khu lán trại của công nhân thuộc công ty Cofico, một trong những đơn vị thi công tòa nhà này, nhiều công nhân phải nghỉ việc ngồi chơi tá lả, hoặc buôn chuyện. Hải, 22 tuổi, quê ở Thái Nguyên cũng mới chỉ làm việc ở công trình này được vài tháng. Tính theo công nhật, thu nhập của Hải được khoảng hơn 2 triệu mỗi tháng.

"Chúng em ở quê cũng chẳng có nghề nghiệp gì, lên đây cũng chỉ làm sắt hoặc bốc vác cốp pha, đi làm theo thời vụ. Có người làm cùng với em, chứng kiến vụ tai nạn, mấy hôm không ngủ được cũng đã bỏ về rồi", Hải kể.

Công trình xây dựng các tòa tháp của Keangnam do 3 nhà thầu là Công ty CP Xây dựng địa ốc Hòa Bình và Công ty CP xây dựng số 1 Cofico, Tổng công ty xây dựng Hà Nội (HACC) xây dựng phần thô. Sau 3 vụ tai nạn liên tiếp, công trình xây dựng này đã bị đình chỉ đến 31/7.

Hiện tòa tháp 48 tầng được xây dựng ở tầng thứ 15, tòa tháp 70 tầng đang triển khai ở tầng thứ 6. Công trình có trên 1.000 lao động thường xuyên.

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, 6 tháng qua, tai nạn khi xây dựng chiếm gần 60% tổng số vụ tai nạn lao động trên địa bàn. Trong tháng 7, thành phố xảy ra 12 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 13 người. Trong đó, ngành xây dựng có 7 vụ chết người, khá nhiều vụ có công nhân xây dựng rơi từ tầng cao xuống.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó ban Thanh tra an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quá trình kiểm tra, các lỗi vi phạm phổ biến là người sử dụng lao động không trang thiết bị an toàn, không huấn luyện và khám sức khỏe cho công nhân, không ký hợp đồng lao động. Ngoài ra, người lao động cũng có nhiều lỗi như không sử dụng dây an toàn hoặc không móc dây vào điểm cố định, không theo dõi những quy trình bắt buộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast