Đảm bảo an toàn lao động trong hàn, cắt kim loại

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã xẩy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hàn, cắt kim loại.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN

Người lao động cần thận trọng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và nâng cao kỹ năng về an toàn khi hàn cắt kim loại.
Người lao động cần thận trọng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và nâng cao kỹ năng về an toàn khi hàn cắt kim loại.

Những vụ cháy nổ kinh hoàng

Hàn, cắt kim loại là một trong những công đoạn của quá trình sửa chữa, nâng cấp hay làm mới các công trình dân dụng. Tuy nhiên, do bất cẩn và thiếu hiểu biết trong công tác an toàn phòng chống cháy nổ của người thợ lẫn chủ đầu tư nên đã có nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ngày 20/11/2013, tại quán bar số 9, phố Trần Thánh Tông, Hà Nội xảy ra vụ hỏa hoạn làm 6 người chết, 4 người bị thương và thiệt hại nhiều tài sản. Vụ hỏa hoạn trên xảy ra khi tốp thợ đang tiến hành chỉnh trang, làm cách âm, lắp đặt thiết bị để hoàn thiện chuẩn bị kinh doanh. Nguyên nhân được xác định là do thợ hàn sơ ý để vảy hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy như bông, đệm cách âm, khiến ngọn lửa bùng phát.

Trước đó, vào tháng 4/2013, đã xẩy ra vụ cháy tại Công ty May Hà Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, thiêu rụi 11.000m2 nhà xưởng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định, do một số thợ hàn trong quá trình làm việc đã để muội hàn rơi xuống vải. Sau đó ít phút, lửa bùng phát bao phủ cả khu vực rộng lớn.

Tại Hà Tĩnh, nhiều người vẫn chưa quên vụ cháy tại Trung tâm Thương mại BMC (TP Hà Tĩnh) đã thiêu rụi một số gian hàng tại tầng 4 và làm 1 người chết. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do trong khi thi công hàn các khung sắt, tốp thợ đã bất cẩn để lửa hàn rơi xuống các tấm bọt xốp cách âm phía dưới. Chỉ ít phút sau, các tấm bọt xốp bốc cháy dữ dội, thiêu rụi nhiều đồ đạc và 1 công nhân bị chết ngạt. Cách đây vài tháng, anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989, ở Thái Yên, Đức Thọ) đã tử vong khi sử dụng máy mài để cắt thùng phuy. Nguyên nhân, trong thùng còn chứa 1 ít xăng dầu, quá trình mài cắt gây áp suất, tăng nhiệt khiến thùng phuy bị nổ.

Cần trang bị kiến thức an toàn lao động

Đại tá Lương Hữu Phùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, cho biết, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động, cháy nổ trong quá trình hàn, cắt kim loại chủ yếu là do thợ hàn và chủ các cơ sở, doanh nghiệp thiếu kỹ năng, kiến thức về công việc hàn, kiến thức PCCC và cứu hộ, thoát hiểm.

“Kiểm tra an toàn tại một số cơ sở hàn, cắt kim loại cho thấy, khi làm việc, người thợ không có các biện pháp an toàn PCCC, thậm chí, không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy, nổ của hàn cắt kim loại; không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ dẫn đến khi xảy ra cháy, thợ hàn thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi, không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh” - Đại tá Lương Hữu Phùng cho biết.

Theo khuyến cáo của Đại tá Lương Hữu Phùng, để phòng ngừa tai nạn lao động và cháy nổ trong quá trình hàn, cắt kim loại, các cơ sở cần sử dụng thợ hàn có tay nghề đã qua đào tạo và được tập huấn về nghiệp vụ PCCC, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh. Khi hàn, cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Nếu hàn cắt trong những gian nhà có sàn gỗ, vật liệu dễ cháy, người dân cần dùng tấm tôn hay tấm amiăng che phủ bề mặt chống cháy lan; hàn cắt trên cao (từ 1,5m trở lên) cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới. Suốt quá trình và ít nhất 30 phút sau khi hàn cắt kim loại, phải có người trông coi khu vực hàn cắt.

Khi hàn, cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa lên đến 3.000°C, nhiệt độ mối hàn cũng gần 2.000°C. Quá trình hàn cắt kim loại thường phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (có nhiệt độ trên 1.000°C) bắn tung tóe, xung quanh, rất dễ gây cháy nếu gặp các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút (nhiệt độ bắt cháy từ 250°C). Đặc biệt, quy trình cắt kim loại có dùng luồng ôxy với lưu lượng và áp lực lớn thổi bạt lớp ôxít kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài. Mặt trái của quy trình này cũng như việc “đổ dầu vào lửa”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast